“Phố cò lả” của người Hà Nội xưa

Xưa

Với 70 cây sao đen cao vút, thu hút cò về, phố Lò Đúc từng được gọi đùa là “vương quốc cò lả”, nhưng sau này, đàn cò dần vắng bóng, chỉ còn lại hàng cây sao vẫn đứng sừng sững cần mẫn che mát cho cả một dãy phố.

Ngày trước, phố Lò Đúc nằm hẻo lánh ở cửa ngõ phía Tây Nam của Thành phố, cuối phố có cửa ô Đống Mác, nằm liền các thành cổ Thanh Nhàn, Hộ Quốc… Đứng bên tòa thành đất xưa, nhìn ra xa là những cánh đồng mênh mông thuộc các làng Vĩnh Tuy, Quỳnh Lôi, Mai Động.

Những chứng tích xưa, gắn liền với lịch sử phát triển của phố là di tích chùa Tổ Ong. Cuối thế kỷ XVIII, một số người làm nghề đúc đồng ở vùng Kinh Bắc tới lập nghiệp trên đất Thăng Long. Họ mở lò đúc đồng tại làng Đức Bác thuộc tổng Hậu Nghiêm. Sau này, phường chuyển đi nơi khác. Để ghi nhớ sự tích làng nghề một thuở, con đường mới chạy qua 5 làng cũ được đặt tên là Lò Đúc.

tin nhap 20160609132715

Dấu vết của phường đúc này là chùa Tổ Ong tọa lạc ở ngõ 79. Chùa mang tên chữ là Linh Ứng Tự, do dân làng Đức Bác lập ra trên phố Lò Đúc, để thờ Nguyễn Minh Không – ông tổ nghề đúc đồng. Hơn 50 năm trước, vườn chùa còn khá rộng. Trước chùa có hồ nước và vườn cây bốn mùa xanh tốt. Chùa luôn đông tín đồ đến thắp hương, cầu nguyện.

Đến thời Pháp, phố Lò Đúc có được đặt tên là “Avenue Armand Rousseau” và cũng tại thời điểm này, người Pháp đã mang cây sao đen từ phương Nam ra trồng thử trên phố Lò Đúc. Ít người còn nhớ rõ cây được mang về phố trồng từ năm nào, chỉ biết rằng hàng cây đã có tuổi nhiều hơn một đời người và trong cái ngột ngạt trưa hè, được đi trên con đường rợp bóng cây xanh, là điều ai cũng thích.

Với độ cao vượt trội, ngọn cây sao bỏ xa những ngôi nhà ống lêu nghêu trên phố. Trên những thân cây xù xì thẳng tắp đó, từng là nơi trú ngụ bình yên của hàng vạn con cò, mang lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên cho cả một khu phố, song cũng gây phiền toái khi phân cò rơi xuống trắng xóa mặt đường.

Sinh ra và lớn lên tại con phố này, với ông Nguyễn Toàn Thắng (trú ở ngõ 77 Lò Đúc) không giấu được sự xúc động kèm theo niềm tự hào khi kể cho chúng tôi nghe về những thăng trầm của con phố có lịch sử lâu đời này. Theo ông Thắng, dù phố có tên tây dài, nhưng mọi người chỉ quen gọi là “phố chim”. Nguyên nhân là có các bóng cây lớn nên chim muông kéo về làm tổ trắng cả một dãy phố. “Ngày đó, người ta gọi phố Lò Đúc là phố “cò ỉa”, bởi quá nhiều cò, phân trắng gốc… Cũng vì thế, phố Lò Đúc trước đây còn được gọi là “vương quốc cò lả”, cái tên gắn liền kỷ niệm với đàn cò một thời” – ông Thắng cho biết.

Ngày nay, không còn cò về nữa và người dân ở phố Lò Đúc không phải phiền lòng vì nạn cò phóng uế, nhưng với nhiều vị cao niên thi thoảng lại không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về những ngày xưa ấy, con người và thiên nhiên nơi đây mới gần gũi, thân thiện làm sao…

Theo laodongthudo.vn