Bị mắc bệnh bại liệt, không thể đi đứng hay ngồi, Lê Long Đĩnh chỉ có thể nằm để quân lính khiêng lên điện thiết triều. Vì thế, Lê Long Đĩnh còn được gọi là vua Lê Ngọa Triều.
Lê Long Đĩnh (986-1009) là con thứ 5 của vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn). Ông làm vua 4 năm, từ 1005 đến năm 1009.
Lê Long Đĩnh lên ngôi sau khi lật đổ anh trai mình là Lê Trung Tông (Lê Long Việt). Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, sau khi Lê Hoàn qua đời năm 1005, các con trai đánh nhau 8 tháng để giành ngôi báu. Cuối cùng, Lê Long Việt giành được ngôi báu nhưng chỉ được 3 ngày thì bị em trai là Lê Long Đĩnh hại chết.
Lê Long Đĩnh là vua nổi tiếng tàn ác và chơi bời. Ông ta thường giết người vô tội, ăn chơi vô độ đến liệt người, không thể đi lại. Dù vậy, theo nhiều nhà sử học hiện nay, đây là ông vua có tài trị nước, từng có nhiều chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lê Long Đĩnh có tên thật là Lê Chí Trung, con thứ 5 của vua Lê Đại Hành, sinh năm 980 tại kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình). Ông qua đời khi mới 24 tuổi, con còn nhỏ chưa thể nối dõi, triều thần đã tôn Lý Công Uẩn lên làm vua, nhà Tiền Lê kết thúc.
Nhà Tiền Lê tồn tại từ năm 980 đến năm 1005, người sáng lập là vua Lê Hoàn. Trong 25 năm tồn tại, nhà Tiền Lê có 3 đời vua trị vì gồm Lê Hoàn, Lê Long Việt, Lê Long Đĩnh.
Quốc hiệu nước ta thời Tiền Lê là Đại Cồ Việt. Đây là quốc hiệu đã được đặt dưới thời nhà Đinh và tiếp nối dưới thời Tiền Lê.
Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng, người nổi tiếng với câu nói: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” trong kháng chiến chống quân Mông Cổ, được sử sách ghi nhận là hậu duệ của vua Lê Hoàn. Cha ông là Lê Tần, vì có công cứu giá nên được đổi sang họ Trần.