Theo sử sách ghi lại, việc ăn, ngủ, tiếp khách, tặng quà của vua Lê Hoàn – vị đầu triều Tiền Lê đều rất khác thường.
Theo bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư, từ chuyện ra đời của vua Lê Hoàn đã có nhiều điều lạ. Mẹ vua họ Đặng, từ khi mới có thai, nằm mơ thấy trong bụng nở ra hoa sen, một chiếc kết thành hạt, bà lấy chia cho mọi người ăn, mà chính mình thì không ăn.
Khi sinh ra vua, thấy tướng mạo con khác thường, nhớ lại giấc mơ, bà mới nói rằng: “Đứa bé này lớn lên, sợ ta không kịp hưởng lộc của nó”. Được vài năm sau, bà mất, rồi sau chồng bà cũng mất, Lê Hoàn sống mồ côi, may có viên quan sát họ Lê thấy tướng mạo khác thường, mới nhận làm con nuôi.
Lớn lên, Lê Hoàn theo Nam Việt Vương Đinh Liễn, rồi được Đinh Tiên Hoàng phong lên đến chức Điện tiền chỉ huy sứ. Đến khi Đinh Tiên Hoàng bị hại, Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi, lại gặp quân Tống sang xâm lược, các tướng trong triều liền tôn Lê Hoàn lên ngôi vua.
Làm vua, Lê Hoàn có nhiều chiến công như đánh tan quân Tống, quân Chiêm, trong nước bình an vô sự. Ở kinh đô Hoa Lư, vua cho xây điện Long Lộc bên cạnh điện Trường Xuân nơi vua ngủ. Điện này đặc biệt ở chỗ lợp ngói bằng bạc, thể hiện sự xa hoa hiếm có.
Năm 987, sứ nhà Tống sang sắc phong cho vua làm An Nam đô hộ Tĩnh Hải Tiết độ sứ Kinh triệu quận hầu, vua cho bày những thứ châu báu kỳ dị chật cả sân, để khoe với người Tống sự giàu có.
Khuyến khích nhân dân chuyên nghề nông nghiệp, mùa xuân, Lê Hoàn đi cày ruộng tịch điền ở Đọi Sơn, cày ra một chĩnh vàng nhỏ, rồi lại cày ở núi Bàn Hải, được một chĩnh bạc nhỏ.
Vốn là tướng quân thập đạo, sau đó Lê Hoàn đã được tôn lên làm vua.
Năm 990, vua Tống lại cho một đoàn sứ giả sang ta, mang chiếu thư của vua Tống phong thêm cho Lê Hoàn hai chữ “Đặc tiến”. Đoàn sứ giả do Tống Cảo là chánh sứ và Vương Thế Tác là phó sứ. Sử sách nhà Tống ghi lại chuyện đi sứ cho biết, vua Lê Hoàn thể hiện nhiều sở thích rất kỳ lạ.
Mở tiệc chiêu đãi sứ thần nhà Tống, vua Lê Hoàn cho đặt yến tiệc tại bãi sông, để chủ và khách vừa ăn yến, vừa xem múa hát, lấy trò bắt cá làm vui. Giữa bữa yến tiệc, Lê Hoàn tuy là vua, nhưng tự cởi mũ áo, bỏ giày, đi chân không lội xuống nước đâm cá.
Các quan dự tiệc cũng cởi đai, mũ, đi chân không lội xuống nước tham gia trò đâm cá như Lê Hoàn. Mỗi khi có người đâm trúng cá thì mọi người hò reo nhảy múa. Sứ nhà Tống tại bàn tiệc trở nên lúng túng, không dám làm theo.
Trong khi ăn uống, Lê Hoàn thường tự hát để mời rượu các sứ thần. Sứ nhà Tống đón cốc rượu mà không hát đáp lại được nên rất ngượng ngùng, không ăn uống được.
Sau bữa tiệc ở bến sông, một hôm nhà vua cho người khiêng một con trăn lớn, dài vài trượng đến sứ quán, nói với sứ nhà Tống: “Nếu ăn được, sẽ cho làm cỗ để mời”. Sứ khiếp sợ, không dám nhận.
Một buổi khác, Lê Hoàn cho dắt hai con hổ tới sứ quán để cho sứ thần vui chơi. Sứ càng sợ, không dám nhận.
Ngoài chuyện mở tiệc ở bến sông, vua Lê Hoàn còn để lại giai thoại về việc ngủ với vợ ở ngay bến sông, dẫn đến việc hình thành tên con sông Vân ở Ninh Bình ngày nay.
Thần tích đền Đồng Bến bên sông Vân ghi rằng, khi Lê Hoàn đi đánh quân Tống chiến thắng dong thuyền trở về, hoàng hậu Dương Vân Nga đã quây màn, kê giường bên bến sông để đón vua lên mây mưa, từ đó sông có tên là Vân Sàng, nghĩa là giường mây.
Tuy nhiên, sau khi Lê Hoàn qua đời, các con vua mải tranh giành ngôi báu đến nỗi không đặt thụy hiệu cho cha, nên ngàn năm sau lịch sử vẫn chỉ gọi ông là Lê Đại Hành hoàng đế, chỉ là tên chung gọi các vị vua lúc qua đời chưa chôn vào sơn lăng, quả là điều đáng tiếc.
vua Lê Hoàn, Lê Hoàn, Lê Đại Hành hoàng đế, hoàng hậu Dương Vân Nga, Đại Việt sử ký toàn thư, những sở thích kỳ lạ của vua Lê Hoàn, lịch sử Việt Nam, thâm cung bí sử, chuyện hậu cung.
Theo Lê Tiên Long (Khám Phá)