Năm 1209, Sau khi đón vua Lý Cao Tông về kinh, khôi phục triều đình nhà Lý, Vua Lý Cao Tông phong quan tước cho Trần Lý và Tô Trung Từ. Trần Lý phụng mệnh vua tiếp tục đem quân đi đánh dẹp các dư đảng còn lại của Quách Bốc và các lưc lượng cát cứ quanh vùng, nhưng không may ông bị tử trận. Trần Lý mất, đáng là dịp tốt cho tôn thất nhà Lý nắm lấy binh quyền, dẹp giặc lập công, giữ địa vị cao sang. Nhưng việc binh là việc khó và nguy hiểm, các thân vương nhà Lý không ai dám ra gánh vác. Quan triều cũng chẳng có ai tài giỏi ra cáng đáng công việc nặng nề ấy. Trách nhiệm cầm quân đáng về tay Trần Thừa, nhưng thấy mình thao lược ít nên nhường cho em là Trần Tự Khánh. Trần Tự Khánh được vua Lý Cao Tông phong là Thuận Lưu Bá, đóng quân ở Thuận Lưu (Hải Ấp, Hưng Hà, Thái Bình).
Tháng 4 năm 1210, vua Lý Cao Tông ốm nặng rồi băng hà. Thái tử Lý Sảm lên nối ngôi hiệu là Lý Huệ Tông. Vì thái tử còn ít tuổi nên Thái hậu Đàm Thị cùng tham gia chính sự. Lý Huệ Tông sai người về Tức Mặc đón Trần Thị Dung vào triều lập làm nguyên phi. Tình hình trong nước lúc này còn nhiều rối ren. Ngoài lực lượng Quách Bốc, một số kẻ cầm quyền ở địa phương cũng nổi lên xưng hùng, xưng bá, hình thành các thế lực cát cứ:
– Họ Đoàn xưng vương ở vùng Hải Dương, Hải Phòng.
– Họ Trần giữ vùng Thái Bình, Nam Định .
– Họ Nguyễn vùng Quốc Oai, Sơn Tây.
– Lực lượng Quách Bốc ở ven Thăng Long và Khoái Châu (Hưng Yên)
Ngoài ra còn nhiều lực lượng nhỏ lẻ khác:
- Nguyễn Bát, tước Ô Kim Hầu ở đất Ô Kim (Hoài Đức, Sơn Tây cũ)
- Họ Hà ở Quy Hóa (miền Yên Bái, Tuyên Quang)
- Họ Phạm ở Nam Sach, Hải Dương
- Đinh Khả, Bùi Độ ở châu Đại Hoàng (Ninh Bình)
Khắp nơi hỗn loạn.
Tự Khánh thông thuộc binh pháp, cầm quân vững chắc, các tướng tá và quân sĩ đều theo phục cả, lại có cậu ruột là Tô Trung Từ giúp sức đánh diệt căn cứ cuối cùng của Quách Bốc ở Khoái Châu (Hưng Yên ngày nay), dư đảng Quách Bốc hoàn toàn bị dẹp tan. Đốc quân các lộ và các tù trưởng thiểu số Man, Thái, Dao… từ trước vẫn lửng lơ cũng quy thuận triều đình. Lực lượng họ Trần nhờ thế phát triển mạnh, thanh thế lừng lẫy.
Đầu năm Tân Mùi (1211), thưởng công khôi phục ngai vàng cho nhà Lý và bước đầu ổn định tình hình, Lý Huệ Tông phong cho Tô Trung Từ làm Thái úy phụ chính, tước Thuận Lưu Bá và phong cho Trần Tự Khánh làm Chương Thành Hầu (có sách viết là Chương Tín Hầu).
Từ một ông hoàng lưu vong nay trở thành hoàng đế một nước, lại được vợ đẹp, có ông anh vợ tài giỏi phò tá, Lý Huệ Tông thỏa chí lắm`.
Trần Tự Khánh có công dẹp giặc yên dân, được phong chức lớn, lại nắm giữ binh quyền, thế lực át hẳn các quan triều cũ, kể cả những người trong tôn thất nên nhiều người bất bình ghen tỵ. Trong tôn thất nhà Lý, nhiều người không biết phận, trước kia bơ vơ, nay được trở về an hưởng phú quý là nhờ công ơn họ Trần, họ Tô, cứ tưởng mình là người họ nhà vua thì được nhiều quyền hành, nay thấy chỉ có địa vị suông thì ấm ức. Lại còn những kẻ có tội đã hợp tác với giặc phò Hoàng tử Thẩm làm vua (do Quách Bốc dựng lên), không bị trừng phạt là may lắm rồi, chẳng dám nói gì, nay thấy quyền hành về cả tay ngoại thích thì tức tối, chỉ muốn trừ bỏ.
Bọn này gièm pha với Lý Huệ Tông rằng: “Tự Khánh chuyên quyền, có ý muốn làm phản, không nên dùng”. Huệ Tông được lên ngôi vua là nhờ công ơn họ Trần nên không nghe theo.
Thấy gièm pha với nhà vua không hiệu quả, chúng xoay ra xúi bẩy Đàm Thái hậu, nói Huệ Tông say mê Trần thị sắc đẹp, tin dùng ngoại thích gian ngoa, Tự Khánh nắm hết quyền bính là người phản trắc, rất nguy hại cho cơ đồ nhà Lý. Đàm Thái hậu tin lời người hoàng tộc, muốn buộc Huệ Tông phế truất Trần thị và giải chức Trần Tự Khánh. Huệ Tông không chịu nghe theo.
Tự Khánh liên kết với Hào trưởng Nguyễn Tự, thủ lĩnh thế lực họ Nguyễn ở Quốc Oai – Sơn Tây cùng chống họ Đoàn, thề cùng nhau “Tận trung bảo quốc, cùng bình họa hoạn, sống chết có nhau”, Tự Khánh phát triển dọc hai bờ sông Hồng đến miền Lý Nhân – Hà Nam. Sau đó, khi Nguyễn Tự chêt lại thuyết phục được Nguyễn Cuộc là phó tướng của Nguyễn Tự hợp về với lực lượng họ Trần.
Năm Quý Dậu (1213), Đàm Thái hậu làm khổ Trần Thị Dung ở trong cung, ép Huệ Tông giáng Trần Thị Dung xuống làm Ngự nữ. Lúc bấy giờ, Thái hậu cho Tự Khánh là phản trắc, thường chỉ mặt Trần Thị Dung mà xỉ mắng là bè đảng của giặc và xui Huệ Tông bỏ đi, nhưng Huệ Tông không nghe.
Thái hậu và một số cận thần mưu dựa vào thế lực họ Đoàn để diệt họ Trần. Đầu năm 2013, Thái hậu sai người đi liên kết Đốc quân các lộ ở đạo Phù Lạc, đạo Bắc Giang đem binh về kinh sư cứu giá. Quân kéo về cửa Đại Hùng (cửa Nam thành Thăng Long) chờ lệnh. Tự Khánh biết sự thể, trù tính rước Huệ Tông ra Thiên Trường, rồi lấy thế nhà vua sặp đặt lại trật tự các quan triều. Tự Khánh vào triều xin hộ giá, bị hạch tội làm kinh động vua, Tự Khánh phải nhận lỗi. Các tôn thất lại khuyên Huệ Tông nên dựa vào thế lực khác đề phòng Tự Khánh làm phản. Có sách chép Huệ Tông bị xúc xiểm mãi cũng nghi Tự Khánh. Đoàn Thượng, thủ lĩnh thế lực họ Đoàn vốn là con người vú nuôi Huệ Tông, nên Huệ Tông có cảm tình bèn bắt liên lạc với Đoàn Thượng.
. Bọn tôn thất lại cùng Thái hậu ép Huệ Tông đốc xuất quân các lộ hợp binh đánh Tự Khánh:
– Cánh quân triều đình đến Mễ Sở gặp quân Trần. Tướng Vương Lê, Nguyễn Cải cho quân Trần hò reo tiến lên. Cánh quân này tự tan bỏ chạy.
– Cánh quân Bắc Giang do Đàm Dĩ Mông cầm đầu đến bến An Diên (Thường Tín – Hà Nội ngày nay) bị quân của Trần Thừa đánh tan.
– Cánh quân ở tả ngạn sông Hồng bị quân của Trần Thủ Độ, Trần Hiến Sâm đánh lui.
– Cánh quân họ Đoàn ở Hồng Lộ đến chợ Dừa bị quân họ Trần do Phan Lân, Nguyễn Nộn chỉ huy từ Quốc Oai tiến đến đánh tan.
Lý Huệ Tông sợ hãi cùng Thái hậu chạy lánh lên Trĩ Sơn ở Lạng Châu (Lạng Sơn). Mấy ngày sau, biết tin vua, Tự Khánh cho người đem thư lên Lạng Châu tâu Huệ Vương nói rõ ý mình rằng: “Dân tình uất ức không thấu được lên trên, cho nên nhân lòng giận dữ của người trong nước, thần khởi binh dẹp lũ đó, cắt trừ gốc họa để yên lòng dân mà thôi. Đến như thân phận vua tôi, thần không dám phạm đến một chút nào. Ngờ đâu phải gánh lấy tội chuyên quyền đánh dẹp khiến xa giá phải long đong. Tự xét tội của thần thật đáng vạn lần chết, xin bệ hạ nguôi cơn giận dữ, quay xa giá về kinh để thỏa lòng mong ước”.
Huệ Tông không về. Theo Việt sử lược, Vua và Thái Hậu lên thuyền đến núi Tam Trĩ (châu Lạng) ở nhà Hoàng Ngũ. Ít lâu, thấy phong thủy không hợp nên lui đến Thang Độ (bến Thang) ở thôn Tượng Nô. Sau đó, xa giá vào Phượng Sơn, được mươi ngày lại về Nam Sách (Hải Dương).
Không đón được vua, Tự Khánh một mặt khuyến dụ Đốc quân các nơi rút quân về và cho người tìm nơi ở của vua. Để ra uy với đốc quân các lộ, Tự Khánh đem quân đi đánh quân cát cứ mạnh nhất lúc ấy là Đinh Khả và Bùi Độ ở châu Đại Hoàng (Ninh Bình), dẹp tan lực lượng này.
Tháng 4- 1214, anh em họ Đoàn tấn công đất Bắc Giang do tướng của Tự Khánh là Nguyễn Nộn đóng giữ. Hai bên kịch chiến ở bến Đông Cứu (Gia Lương- Bắc Ninh), Nguyễn Nộn giết chết được Đoàn Nguyễn. Họ Đoàn thua to.
Tình hình lúc này lại sinh biến động lớn:
– Tướng ở Cam Giá (thị xã Sơn Tây) là Đỗ Bị nổi lên, tách khỏi họ Trần xây dựng thế lực mới.
– Nguyễn Nộn, sau chiến thắng họ Đoàn, tự xưng là Hoài Đạo Vương, đem quân về Thăng Long chống nhau với Tự Khánh. Huệ Tông và Thái hậu ở Nam Sách trở về Thăng Long, phong cho Nguyễn Nộn tước hầu. Chính quyền trung ương họ Lý từ dựa vào họ Trần, chuyển sang họ Đoàn, nay lại chuyển sang liên minh với lực lượng cát cứ mới là Nguyễn Nộn ở Bắc Giang.
Cục diện trong nước lúc này hình thành ba thế lực cát cứ lớn: Phía Bắc là Nguyễn Nộn, phía Đông là Đoàn Thượng, phía Nam là Trần Tự Khánh. Ngoài ra còn nhiều thế lực cát cứ khác ở các địa phương:
– Nguyễn Bát, tước Ô Kim Hầu ở đất Ô Kim (Hoài Đức – Hà Nội ngày nay).
– Họ Hà ở Quy Hóa (miền Yên Bái, Tuyên Quang).
– Họ Đinh ở Đại Hoàng (Ninh Bình).
– Họ Phạm ở Nam Sách (Hải Dương).
Khắp nơi trong nước hỗn loạn. Quân các lộ luôn kéo về đánh phá Thăng Long. Trần Tự Khánh dẫn quân về đóng ở Lý Nhân (tỉnh Hà Nam).
Đầu năm 1215, Huệ Tông chạy đến hương Bình Hợp (xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Tây cũ). Ở Thăng Long, các đốc quân của triều đình cậy công, tranh giành nhau địa vị, chèn ép lẫn nhau, Huệ Tông không thu xếp được. Các tướng ở Cao Xã (Nhật Tảo, Từ Liêm, Hà Nội) là Đỗ Át, Đỗ Nhuế (Huệ?) tước Liệt Hầu chống lại vua, Huệ Tông sai Nguyễn Bát đi đánh không nổi.
Trước tình thế đó, đầu năm 1216, Huệ Tông thấy chỉ còn cách dựa vào thế lực họ Trần, bèn phong Trần Thị Dung làm Thuận Trinh Phu nhân, rồi triệu Tự Khánh về kinh giao đi dẹp loạn.
Tự Khánh làm tròn nhiệm vụ Huệ Tông giao phó, tình hình được tạm yên. Nhưng chỉ ít lâu sau, Đàm Thái hậu vốn không ưa Tự Khánh, lại hành hạ Trần Thị Dung. Thái hậu sai người bắt Trần Thị phải tự sát, Huệ Tông ngăn lại được. Thái hậu định bỏ thuốc độc vào thức ăn đồ uống của Trần Thị, Huệ Tông biết ý, đến bữa ăn chỉ ăn một nửa còn một nửa cho Trần Thị ăn và ngày đêm không cho Trần Thị đi đâu nữa. Bị bức bách quá, Huệ Tông phải cùng Thị Dung đi trốn, đến trú ngụ tại nhà tướng quân Lê Mịch ở huyện Yên Duyên (Thanh Trì – Hà Nội). Trần Tự Khánh đang đi đánh dẹp các nơi, được tin liền cho tướng Vương Lê đem thủy quân đến đón rước Huệ Tông sang bãi Cửu Liên (một bãi lớn trên sông Đuống ở nam Bắc Ninh, bắc Hưng Yên thời bấy giờ). Việt sử lược viết: “Tự Khánh trông thấy vua rất mừng, tướng sĩ đều vui vẻ reo hò”. Từ đó, vua cùng Tự Khánh quyết ý dẹp loạn.
Do không còn Thái hậu ở bên làm khó dễ, Huệ Tông phong Trần Thị Dung làm Hoàng hậu, phong Tự Khánh làm Thái úy phụ chính, phong Trần Thừa tước Liệt Hầu làm nội thị phán thủ. Trần Liễu (con Trần Thừa), Phùng Tá Chu, Lại Linh được phong tước Quan Nội Hầu, Trần Hải, con cả của Tự Khánh được phong tước Vương. Thế lực họ Trần lúc này rất lớn, át cả thế lực quý tộc nhà Lý cũ, dần dần thu hút các quý tộc khác.
Tự Khánh cùng Thượng tướng quân Phan Lân chỉnh đốn lại quân triều đình, rèn đúc vũ khí, huấn luyện sĩ tốt, khí thế quân đội lên cao, phấn chấn đi đánh phản loạn. Tình hình quanh kinh thành đã tạm yên, Tự Khánh rước vua Huệ Tông về thành Thăng Long.
Tháng 6 – 1217, Đoàn Thượng đem lực lượng ra hàng, được phong tước vương.
Tháng 6 – 1218, Trần Thừa và Trần Tự Khánh gả em gái là Trần Thị Tam Nương cho Đoàn Văn Lôi (tước Hồng Hầu) thu phục đất Hồng Châu. Thế là đã loại trừ được một thế lực cát cứ lớn nhất là họ Đoàn.
Tự Khánh chuyển sang đánh Nguyễn Nộn ở Bắc Giang, quân Nộn thua to. Năm sau các tướng của Nộn đều ra hàng.
Tự Khánh đánh dẹp, thu phục lực lượng cát cứ ở Quốc Oai, Cam Giá. Các thuộc ấp ở Phong Châu đều ra hàng. Nguyễn Bát (Hiền Tín vương) ở Từ Liêm (Hà Nội ngày nay) phải bỏ chạy lên vùng thiểu số An Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc). Hà Cao ở Quy Hóa không chạy thoát, Cao cùng vợ con thắt cổ chết. Đến tháng 5 năm 1220, chấm dứt hoàn toàn nạn cát cứ ở các địa phương. Đất nước trở lại yên bình.
Từ ngày hồi cung về Thăng Long, Huệ Tông phó thác hết việc nước, chính trị cũng như quân sự cho Tự Khánh… Tự Khánh nhiếp chính, thay vua lo giữ gìn an ninh cho dân chúng, chuyên chú việc binh bị. Trong nước không còn những cuộc binh đao đáng kể. Các địa phương quy phục triều đình. Trăm họ được yên ổn làm ăn vui vẻ. Bấy giờ bên Trung quốc, nhà Tống đã suy yếu. Miền Bắc do nhà Kim chiếm giữ. Miền Tây bắc, nước Tây Hạ hàng năm sách nhiễu vàng lụa, nên việc bang giao với nước ta tốt đẹp.
Nếu Huệ Tông sáng suốt, tự nắm giữ chính quyền, thưởng phạt công minh thì cơ đồ nhà Lý không đến nỗi nào. Nhưng thường ngày chỉ ham mê uống rượu, say ngủ cả ngày. Cuối năm 1220, bị trúng gió, thuốc chữa không khỏi. Tìm thầy khắp nơi trong nước về chữa đều không hiệu nghiệm. Bệnh ngày càng nặng, phát chứng tâm thần (xưa gọi là điên), khi tỉnh khi mê, có khi nói là Thiên tướng giáng vào, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, múa may suốt ngày. Khi mỏi mệt đổ mồ hôi, nóng bức khát nước lại uống rượu say ngủ li bì, đến hôm sau mới tỉnh. Nếu Huệ Tông có con trai và Tự Khánh còn sống lâu thì chắc không có sự gì diễn ra. Nhưng Tự Khánh không thọ. Tháng 12 năm Quý Mùi, tức đầu năm 1224, Tự Khánh mất, hưởng thọ 40 tuổi, được truy phong là Kiến Quốc Đại Vương.
Tài liệu tham khảo và trích dẫn:
Đại Việt sử ký toàn thư.
Việt sử kỷ yếu, Trần Xuân Sính, quý II – 2004
Thuyết Trần, Trần Xuân Sính, quý IV – 2003.
Địa chí tỉnh Nam Định, Trần Tự Khánh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định, Bộ Văn hóa Thông tin số 89/GP-BC ngày 11- 4- 2006)