Chỉ tồn tại trong 7 năm (1400-1407), triều nhà Hồ được biết là triều đại ngắn nhất trong triều đại phong kiến của Việt Nam.
Theo sử cũ ghi lại, vào những năm 1396 – 1398 nước ta đứng trước nguy cơ bị giặc ngoại xâm lược từ hai đầu đất nước. Phía Bắc thì giặc Minh cho quân đánh chiếm xâm lược bờ cõi. Phía Nam, quân Chiêm Thành cũng có âm mưu thôn tính nước ta.
Lúc này, Hồ Quý Ly đang là một tướng sĩ dưới triều nhà Trần, ông đã đứng ra dùng sách lược mềm mỏng ngoại giao để hoãn binh quân giặc từ hai phía. Trong nước, ông đứng lên dẹp loạn những cuộc nổi dậy của các loạn thần, ông cũng đã tham mưu cho vua tôi nhà Trần rời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa để đảm bảo an toàn lâu dài.
Khi vào Thanh Hóa, Hồ Quý Ly đã cho xây dựng cung Bảo Thanh (tức Ly cung nhà Hồ) trên một diện tích lớn. Phía trước là khoảng không gian bao la có sự che chắn của các dãy núi nằm bên sông Lèn (nhánh của sông Mã), phía sau dựa mình vào núi cao.
Công trình được đầu tư xây dựng công phu giống như một thành Thăng Long thu nhỏ để đón vua Trần vào Thanh Hóa, chuẩn bị cho việc xây dựng kinh đô mới là thành Tây Đô (thành nhà Hồ ngày nay). Những năm tháng này, cung Bảo Thanh trở thành hành dinh chống giặc và nơi đàm luận việc quân cơ của Vua tôi nhà Trần.
Vào năm 1400, Hồ Quý Ly đã phế truất ngôi nhà Trần, thiết lập vương triều Hồ, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, gần một năm sau nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương để làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm thực quyền.
Năm 1407, cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương bị quân Minh bắt. Triều đại nhà Hồ diệt vong sau 7 năm – bởi vậy đây là triều đại ngắn nhất Việt Nam. Song nhà Hồ đã để lại những dấu ấn trong lịch sử với những chính sách cải cách về kinh tế, văn hóa, giáo dục… như: chính sách hạn điền, hạn nô, phát hành tiền giấy, đề cao Nho giáo, phát triển chữ Nôm, mở mang trường học …
Đặc biệt, triều Hồ rất chú trọng phát triển quân sự. Di tích Thành Tây Đô (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) xây dựng năm 1397, được đánh giá là tòa thành độc đáo nhất Đông Nam Á và đã được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2011.
Dẫu còn một số tranh luận, nhưng không thể phủ nhận, Hồ Quý Ly (Lê Quý Ly: 1336 – 1407) là một nhà cải cách lớn trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Dưới bàn tay của ông, Đại Việt chuyển mình mạnh mẽ từ mô hình nhà nước quý tộc sang mô hình nhà nước quan liêu, với mức độ tập trung quyền lực vào triều đình trung ương.
Về kinh tế tài chính, tháng 4/1396, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Hồ Quý Ly tiến hành cải cách tiền tệ bằng biện pháp phát hành tiền giấy thay thế tiền đồng gọi là “Thông bảo hội sao”, cứ 1 quan tiền đồng đổi lấy 2 quan tiền giấy.
Đến năm 1402, nhà Hồ định lại biểu thuế đinh, chỉ đánh vào người có ruộng; người không có ruộng, trẻ mồ côi, đàn bà góa không phải nộp. Thuế ruộng đất đánh theo phép lũy tiến, có nhiều ruộng đóng nhiều, không có ruộng thì không phải đóng.
Về chính trị, ông cải tổ hàng ngũ võ quan, thay thế dần các võ quan cao cấp do quý tộc tôn thất nhà Trần nắm giữ bằng những người không phải họ Trần nhưng có tài năng và thân cận với mình. Ông đổi tên một số đơn vị hành chính cấp trấn và quy định cụ thể, rõ ràng cách làm việc của bộ máy chính quyền các cấp.
Về xã hội, ông ban hành chính sách hạn chế nô tì được nuôi của các vương triều, quý tộc, quan lại. Năm 1401, nhà Hồ lập phép hạn chế gia nô: chiếu theo phẩm cấp, các quan lại quý tộc chỉ được nuôi một số gia nô nhất định. Số thừa ra sung công. Mỗi gia nô thừa ra được nhà nước đền bù 5 quan tiền.
Về văn hóa, giáo dục, ông cũng đã có nhiều cải cách lớn. Triều Hồ quy định việc mở trường học, đặt thể lệ thi cử và tổ chức kỳ thi. Tháng 8/1400, Hồ Quý Ly đã tổ chức kỳ thi Thái học sinh ở thành An Tôn (thành nhà Hồ), đã có 20 người thi đỗ. Trong đó có những danh nho như Nguyễn Trãi, Lưu Thúc Kiệm, Lý Tử Vấn, Vũ Mộng Nguyên, Hoàng Hiếu, Nguyễn Mộng Tuân. Ông đã thi hành một loạt cách tân: định lại phép thi cử, bỏ thi ám tả cổ văn; đặt đề thi kinh nghĩa; thi thơ đường luật; thi chiếu chế biểu và văn sách, kinh nghĩa.
Về quân sự, ông tăng cường củng cố quân sự, quốc phòng nhằm bảo vệ đất nước từ rất sớm. Ông cho thành lập 4 xưởng chế tạo vũ khí, thăm dò, nghiên cứu các vùng biển hiểm yếu, củng cố lực lượng quân sự. Ông ra lệnh mở xưởng rèn đúc vũ khí, số tiền đồng thu được khi phát hành tiền giấy dùng để đúc vũ khí phục vụ cho nền an ninh quốc phòng.
Như vậy, trước tình trạng suy yếu của Nhà Trần và cuộc khủng hoảng xã hội cuối thế kỷ XIV, Hồ Quý Ly đã thực hiện cuộc cải cách khá toàn diện, có những cải cách tiến bộ, có giá trị thực tiễn như cải cách về văn hóa, giáo dục. Điều đó chứng tỏ ông là một nhà cải cách có tài và là người yêu nước tha thiết. Những cải cách của ông ít nhiều góp phần cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của dân tộc và lĩnh vực quốc phòng của đất nước.