Ký ức vàng son của trường đua ngựa tại Sài Gòn

Xưa

Trường đua ngựa “triệu đô” tại Bình Dương chính thức vào hoạt động gợi lại cho nhiều người yêu thích trò thể thao giải trí này ký ức vàng son về trường đua ngựa gần 100 năm tuổi tại Sài Gòn, nơi đã gắn bó cả cuộc đời của nhiều người đam mê đua ngựa.

Quá khứ lẫy lừng

Trường đua ngựa “triệu đô” tại Bình Dương đi vào hoạt động từ 1/5.

Ngày 1/5, Trường đua trị giá trăm triệu USD của ông Dũng “lò vôi” tại Bình Dương đã đi vào hoạt động với các môn: đua ngựa, đua chó, biểu diễn mô tô nước trên hồ, biểu diễn xe Go Kart (cấp phép tạm) và thi đấu mô tô thể thao.

Thông tin này khiến nhiều người như được đánh thức niềm đam mê với môn thể thao giải trí “một thời vàng son” ở đất Sài Thành. Và phải chăng, cũng chính vì thế không ít người cảm thấy bùi ngùi, nhớ về trường đua ngựa Phú Thọ (TPHCM) nổi danh ngày nào.

Theo các nguồn tài liệu đáng tin cậy, Trường đua Phú Thọ rộng 44ha, đã đóng cửa vào năm 2011, sau hơn 80 năm khai thác, hoạt động.

Nơi đây do người Pháp xây dựng, từng là trường đua ngựa lớn nhất nhì châu Á thời bấy giờ, nên cũng chính là nơi lui tới thường xuyên của giới thượng lưu vùng Nam kỳ Lục tỉnh. Đây là sân chơi rất náo nhiệt của người Sài Gòn thời ấy, ký ức vàng son vẫn còn đọng lại trong nhiều người.

Trường đua Phú Thọ ngày còn hoạt động.

Những tên tuổi huyền thoại, danh tiếng trong làng đua ngựa Sài Gòn, Long An thời bấy giờ phải kể đến là Hai Hội, Ba Trí, Mười Mai, Trần Ngọc Sơn…Họ là những “cao thủ” bậc nhất trong làng đua ngựa vì số lượng thành tích, giải thưởng đồ sộ khi tham gia nhiều giải đấu lớn, nhỏ.

Chúng tôi gặp ông Ba Trí (tên thật Võ Bửu Trí, ở huyện Hóc Môn), năm nay đã 76 tuổi nhưng trí nhớ của ông vẫn còn rất minh mẫn, ánh mắt ông rạo rực khi kể khi vừa tròn 9 tuổi, ông bắt đầu bước vào nghề chăm sóc ngựa ở trường đua Phú Thọ, công việc đã gắn liền với ông gần 70 năm qua. “Công việc của người mới nhập môn là dắt ngựa đi dạo và cho ngựa ăn. Mỗi ngày, tôi lại dắt ngựa đi hàng chục vòng quanh khu vực công viên Hoàng Văn Thụ để ngựa tăng sức bền. Tắm cho ngựa, ăn ngủ cùng ngựa là điều rất bình thường. Những bí kíp nuôi ngựa đua cũng được tích góp từ những ngày tháng ấy”, ông Trí chia sẻ

Ông Ba Trí và chú ngựa đua đang được ông chăm sóc hàng ngày.

Từ cậu bé chăm sóc ngựa thuê, ông Ba Trí trở thành ông chủ ngựa khi vừa qua tuổi đôi mươi. Tiếng tăm ông Ba Trí dần được khẳng định sau những trận thắng vang lừng ở trường đua. Ông Trí chia sẻ: “Con ngựa đua phải có thân tròn như ống tre, cổ dài tròn như cổ dê, lông nhuyễn, da mỏng, lông đuôi như chổi tiên, xương sườn phải khít mới bền”.

“Ngựa không còn đua thì người nuôi cũng rơi vào khó khăn vì gồng gánh chi phí cho ngựa. Chính vì vậy, đàn ngựa đua ở Sài Gòn, Long An khoảng 4.000 con nay chỉ còn khoảng trên dưới 300 con. Những người đam mê bộ môn đua ngựa vẫn cầm cự giữ lại ngựa và hi vọng một ngày các trường đua tấp nập, sôi động trở lại”, ông Trí tâm sự.

Chốn “đỏ đen” một thời

Trường đua ngựa Phú Thọ được mệnh danh là chốn “đỏ đen” một thời tại Sài Gòn – Ảnh tư liệu.

Trên các khán đài ngày ấy, việc cá cược của người chơi cũng diễn ra sôi động. Ai cũng muốn chú ngựa mình lựa chọn nhanh chóng cán đích và hò reo không ngớt. Đây là một thú tiêu khiển mà người Sài Gòn ngày ấy rất yêu thích. Các trận đua ngựa thường chỉ được tổ chức được vào mùa nắng. Vào mùa mưa, ngựa nghỉ ngơi và dưỡng sức để “chiến đấu” vào năm sau.

Trong tác phẩm “Ở theo thời” viết năm 1935, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã miêu tả rất rõ cảnh nhộn nhịp xem đua ngựa ở Phú Thọ xưa: “Khi ra gần tới trường đua thì gặp xe hơi, xe ngựa, xe máy chật đường, rồi tới cửa thì thấy thiên hạ chen nhau mua giấy mà vô nườm nượp. Trong số người đi coi ở đây, phần đông là người An-nam, chẳng những là đông bên hạng đứng ngoài trời mà thôi, mà bên hạng ngồi trên khán đài, người An-nam cũng đông thập phần, lại đờn bà số gần phân nửa”.

Nói về cảnh cá cược ở trường đua, ông mô tả: “Khi mới vô, tưởng thiên hạ vì muốn coi ngựa chạy đua nên chịu tốn tiền cũng như coi hát, hay là coi đá banh. Té ra ngồi một lát, dòm coi thiên hạ bàn bàn luận luận, đi coi ngựa, hỏi tên nài, rồi chen nhau mua giấy, kẻ con ngựa số 1 năm mười đồng, người cá con ngựa số khác năm ba chục, có người lại dám cá tới năm ba trăm

Đội ngũ nài ngựa ở trường đua Phú Thọ ngày ấy.

Ngựa đua theo các cự ly 800 m, 1.000 m, 1.200 m, 1.700 m, 2.400 m và dài nhất là 3.000 m. “Đờn bà cũng mua giấy cá bạc chục như đờn ông, người cá về nhất, người cá về nhì, về ba, kẻ khen ngựa hồng hôm dượt chạy hay, kẻ chê ngựa đậm bị chở nặng. Chừng ngựa về tới mức, người trúng thì vỗ tay nhảy nhót chạy đi lãnh tiền, còn kẻ thua thì mặt mày buồn hiu lấy chương trình ra ngồi tính coi độ kế phải đánh con nào mà gỡ”, nhà văn Hồ Biểu Chánh viết.

Lúc bấy giờ Phú Thọ được xếp hạng là một trong những trường đua lớn nhất nhì châu Á. Vào những ngày tổ chức thi tài, người ta nô nức đến xem nghẹt cứng khán đài. Đến năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quản lý trường đua và giao cho ông Bùi Duy Tiên quản lý.

Dân cá cược ở trường đua được gọi là “tuyệt phích” (dân cá ngựa). Họ cá theo hai kiểu: Cá cặp, tức là cá con nhất con nhì; cá chiếc, tức là cá một con nào đó về nhất.

Từ ngày được xây dựng, trường đua Phú Thọ thu hút rất nhiều người đổ về xem đua ngựa và cá cược – Ảnh tư liệu.

Theo thống kê, những năm 60, trường đua Phú Thọ có khoảng 200 ngựa đua chính hiệu với nhiều lượt đua, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của dân “tuyệt phích”. Để duy trì hoạt động hàng tuần, người ta phải thuê thêm ngựa cỏ kéo xe ở các nơi để tổ chức cho đủ 10-12 ngựa mỗi đợt.

Đến năm 1975, trường đua tiếp tục bị gián đoạn vì thời cuộc. 14 năm sau nơi này được phục hồi dưới tên gọi CLB thể thao Phú Thọ, lợi nhuận mang lại cho TPHCM mỗi năm khá lớn.

Đến tháng 6/2011, theo chủ trương của UBND TP HCM, trường đua bị đóng cửa để xây dựng Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao. Sau 80 năm ra đời, trường đua một thời được xếp hạng nhất nhì châu Á cùng quá khứ lẫy lừng của nó giờ chỉ còn trong ký ức người Sài Gòn.

Theo dantri