Theo Minh sử, số quân Minh trở về nước sau khi đầu hàng Lê Lợi tại thành Đông Quan là 84.640; số người bị giữ lại không tính được.
Cuối năm 1426, Lê Lợi và Nguyễn Trãi dời đại bản doanh nghĩa quân Lam Sơn từ làng Đông Phù Liệt, nay thuộc xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đến bến Bồ Đề ở bờ Bắc sông Nhĩ, đối diện kinh thành ở bờ Nam để vây hãm thành Đông Quan. Từ tháng 1/1427, nghĩa quân vừa công thành vừa dụ hàng Vương Thông. Lúc này lực lượng nghĩa quân khoảng 350.000 người.
Sau thất bại nặng ở trận Tốt Động – Chúc Động (ngày 5/7 tháng 11 năm 1426) và Chi Lăng – Xương Giang (11/1427), quân địch chỉ còn giữ được thành: Đông Quan, Tây Đô với hơn 100.000 quân. Chúng vẫn liều chết cố thủ hy vọng quân cứu viện.
Chiến thắng oanh liệt ở Xương Giang làm tan rã hoàn toàn đạo quân viện binh của địch, Bình Định vương Lê Lợi sai giải đô đốc Thôi Thụ, thượng thư Hoàng Phúc cùng một số tù binh mang theo chiếc Song hổ phù của Liễu Thăng, hai ấn thượng thư bằng bạc của Lý Khánh, Hoàng Phúc và vũ khí, cờ trống của địch đem về thành Đông Quan cho Vương Thông và quân địch trong thành thấy.
Đồng thời Nguyễn Trãi viết thư cho Vương Thông. Chủ trương của Lê Lợi, Nguyễn Trãi là tiếp tục vây hãm và thuyết phục chúng đầu hàng.
Vương Thông đã lâm vào cảnh “kế cùng lực kiệt”, một mặt sai người mang thư “xin giảng hòa, mở cho đường về”. Nhưng mặt khác liều lĩnh mở một cuộc phản kích hòng phá vòng vây về nước. Nghĩa quân Lam Sơn giả vờ thua chạy để cho quân Minh đuổi theo, rơi vào trận địa mai phục. Quân của Vương Thông bị đánh cho tan tác, Vương Thông ngã ngựa, suýt bị bắt sống.
Biết rằng không còn khả năng đánh tiếp, Vương Thông xin giảng hòa. Bình Định vương, Nguyễn Trãi và các tướng bằng lòng.
Ngày 10/12/1427 (ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi) tại một địa điểm ở phía Nam thành Đông Quan, bên bờ sông Nhị, một hội thề lịch sử đã được tổ chức, gọi là Hội thề Đông Quan.
Hai bên uống máu ăn thề và cùng đọc bài Văn hội thề do Nguyễn Trãi soạn thảo
Sau lễ hội thề, Lê Lợi ra lệnh giải vây cho các thành. Ngày 29/12/1427, quân Minh bắt đầu rút quân, nghĩa quân cấp lương thực, ngựa thuyền và cho quân Minh ra khỏi biên giới an toàn.
Ngày 3/1/1428, đội binh cuối cùng của Vương Thông lên đường về nước.
Sau chiến thắng Nguyễn Trãi viết:
“Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng
Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức …”
Theo Minh sử, số người trở về nước là 84.640; số người bị giữ lại không tính được.
Kế sách của Lê Lợi và Nguyễn Trãi trong việc dụ hàng thành Đông Quan được đánh giá là hết sức mềm dẻo, khôn khéo. Cùng những chiến thắng vang dội, nghĩa quân Lam Sơn đã chỉ rõ cho nhà Minh thấy chúng không thể chiếm đóng Đại Việt lâu dài, quân và dân Đại Việt kiên quyết không tiếc máu xương và thừa sức mạnh để đập tan mọi đạo quân xâm lược. Nhưng mặt khác, bằng những bức thư ngoại giao uyển chuyển, nghĩa quân Lam Sơn đã giúp nhà Minh giữ được chút thể diện bề ngoài sau những thất bại vỗ mặt trên các chiến trường ở Đại Việt. Nhờ vậy, quan hệ giao hảo lại được thiết lập giữa 2 nước, mở ra thời kỳ thái bình lâu dài.
Khi Lê Lợi lấy được thành này, nước nhà lại “tới hồi thái lai”. Đất nước sạch bóng quân thù, Lê Lợi lên ngôi vua, lấy lại quốc hiệu Đại Việt, đổi thành Đông Quan là Đông Kinh. Thăng Long – Đông Kinh lại tiếp diễn vai trò “kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.