Nhắc đến Lý Thường Kiệt, người ta luôn có quá nhiều điều để nói. Đó là một vị tướng tài ba, nhà quân sự kiệt suất, một nhà chính trị giỏi giang, nhà ngoại giao xuất sắc, một thái giám cúc cung phụng sự cho ba triều nhà Lý hào hùng. Điều gì làm nên sự nghiệp hoành tráng đó?
Chí lớn ấp ủ thuở còn thơ
Vốn người làng Cơ Xá, Quảng Đức, nay là Phúc Xá Ba Đình, Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, tự Thường Kiệt, con trai của Sùng tiết tướng quân Ngô An Ngữ. Theo Phả hệ họ Ngô ở Việt Nam, ông là hậu duệ của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, con trưởng của Ngô Quyền.
Bình sinh, ông là người khôi ngô tuấn tú, thông minh, nhanh nhẹn. Từ nhỏ Ngô Tuấn đã rất chí khí, thích võ nghệ nên hàng ngày thường luyện cung kiếm bày trận đồ, đêm chong đèn đọc binh pháp. Ông chóng thành tài và liên tiếp được thăng chức khi làm quan trong triều.
Năm 20 tuổi, Ngô Tuấn được đưa vào làm hoạn quan trong cung vua, 22 tuổi giữ chức “Hoàng môn chi hậu” trong quân túc vệ… Khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi, Ngô Tuấn được rời khỏi những chức vụ trong nội cung và đưa ra giúp việc nhà vua tại triều đình. Ông được phong là Thái bảo, cầm “tiết việt”, đi thanh tra các quan ở vùng Thanh – Nghệ.
Chiến thuật kỳ lạ của Lý Thường Kiệt
Sự táo bạo của một mãnh tướng thể hiện ngay ở ngay câu nói của ông khi thế nước nhà đang nguy cơ giặc xâm lược: “Ngồi yên đợi giặc sao bằng đem quân đánh trước để chặn các mũi nhọn của giặc“.
Khi ấy vào năm 1075, nhà Tống gặp nhiều rối ren do cải cách của tể tướng Vương An Thạch không đem lại hiệu quả và mong tìm lối thoát bằng cách xâm lược Đại Việt. Không đợi giặc mà chủ động đem quân đánh chặn chặn từ sớm chính là đối sách thông minh của Lý Thường Kiệt.
Nhắc đến họ Lý, người Việt rất đỗi tự hào về chiến thắng trước quân xâm lược nhà Tống. Đó cũng là chiến thắng làm nên tên tuổi của ông.
Cùng năm 1075, Lý Thường Kiệt chỉ huy 10 vạn đại quân, chia thành 2 đạo, đánh thẳng sang đất Tống. Trong đó, đạo quân bộ sẽ do phó tướng Tôn Đản chỉ huy đánh thẳng Ung Châu (Quảng Tây) còn thủy quân do Lý Thường Kiệt trực tiếp dẫn đầu, theo đường biển đổ bộ Liêm Châu, Khâm Châu (nay là Quảng Đông).
Trong các trận đánh phải công thành, Lý Thường Kiệt dùng cách đánh cường công kết hợp với nhiều chiến thuật khác như đánh chặn, tiến công bao vây, tập kích, đột kích và đặc biệt là cho quân đào hầm, đánh từ dưới đất chui lên… khiến cho quân địch hoang mang, ngơ ngác, không biết phải chống chọi như thế nào.
Trận chiến trên sông Như Nguyệt do Lý Thường Kiệt chỉ huy. (Ảnh minh họa).
Kết quả, Lý Thường Kiệt nhanh chóng chiếm được châu Liêm và châu Khâm, rồi nhanh chóng hội quân ở Ung Châu cùng phó tướng Tôn Đản quyết chiếm châu Ung bởi đây chính là cứ điểm quan trọng nhất của cả chiến dịch. Sau hơn 42 ngày vây hãm, Ung Châu cuối cùng không thể chịu được sự công phá mãnh liệt của quân Đại Việt và chịu thất thủ.
Nhận thấy chiến dịch đã đạt được thành quả như mong muốn, Lý Thường Kiết cho rút quân về nước và chuẩn bị chu đáo cho công tác chống giặc sắp tới. Trước khi về, ông không quên ra lệnh cho binh lính đốt sạch quân lương, hủy sạch kho tàng của quân địch tại đây.
Với chiến thắng áp đảo đó, Lý Thường Kiệt đã đẩy nhà Tống từ thế chủ động rơi vào tình cảnh thất thế ngay trong giai đoạn chuẩn bị tiến công. Bên cạnh đó, chính chiến thuật này đã buộc kẻ địch phải kéo dài thời gian chuẩn bị, qua đó giúp quân dân Đại Việt có thêm nhiều thời giờ chuẩn bị hơn.
Nhận đòn đau, đến 9/3/1076, vua Tống sai Quách Quỳ, Triệu Tiết thống lĩnh đại quân sang xâm lược nước ta nhưng đoàn quân xâm lược không ngờ rằng mãnh tướng nhà Lý đã “bày binh bố trận” theo cách rất ” Việt” tại bờ Nam sông Như Nguyệt chờ đợi chúng. Với thành đất kiên cố bên sông, bao quanh ông cho cắm cọc tre dày đặc, kết hợp với địa hình hiểm trở của núi non sông nước, lực lượng thủy quân nhà Lý luôn sẵn sàng chiến đấu nếu quân Tống vượt sông.
Cuối năm 1076, Quách Quỳ, Triệu Tiết đem theo hơn 30 vạn quân, trong đó có 10 vạn bộ binh, 1 vạn ngựa chiến và 20 vạn dân phu. Với binh lực hùng hậu cùng chiến thuật dụ dỗ, chiêu hàng quân Tống nhanh chóng vượt qua các tù trưởng miền núi, tiến sâu vào đất Đại Việt.
Nhưng thế công ào ạt đấy bất ngờ bị chặn đứng tại sông Như Nguyệt. Tại đây, Quách Quỳ không vội tấn công mà chờ thủy quân để kết hợp đánh cùng. Nhưng đoàn thủy binh đó bị quân ta chặn đánh tại trận Đông Kênh, không thể tiến sâu được. Không những không hiệu quả mà chúng còn bị tổn thất nặng nề. Hắn thất vọng đến mức ra lệnh: “Ai bàn đánh sẽ chém“.
Sau 2 tháng phòng ngự thông minh kết hợp với các chiến thuật phục kích, tập kích, khiến quân địch mệt mỏi, đầu năm 1077, Lý Thường Kiệt quyết định mở cuộc phản công trên quy mô lớn và đã giành thắng lợi vang dội, quân Tống đại bại, thương vong tới 5,6 phần. Nhận thấy đại cục đã ổn, với tầm nhìn chiến lược, Lý Thường Kiệt chủ động giảng hòa, kết thúc chiến tranh, tránh cảnh lầm than cho con dân Đại Việt. Sau chiến công này, Lý Thường Kiệt được vua Lý Nhân Tông ban hiệu Thiên Tử Nghĩa Đệ.
Bài thơ thần huyền thoại
Tương truyền khi giặc Tống không sao vượt được phòng tuyến Như Nguyệt, đành đóng trại chờ viện binh. Đang đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát ở phía nam bờ sông Như Nguyệt, giả làm thần đọc vang bài thơ:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư“
Lời thơ đanh thép cứng rắn như giáng trúng tâm người vừa làm tinh thần binh sỹ Đại Việt thêm có niềm tin vững chắc và niềm tự hào dân tộc để hăng hái chiến đấu, vừa làm cho quân Tống khiếp sợ hoảng loạn và nhanh chóng rệu rã. Bài thơ cũng khẳng định chủ quyền núi sông dân tộc Việt mà bất cứ người con Việt nào nghe cũng thấy tự tôn sâu sắc.
Chiến thắng nhà Tống hùng mạnh là một trong những cuộc chiến khẳng định trí huệ của con người Việt, chứng minh rằng tuy Đại Việt bé nhỏ nhưng chí không nhỏ. Không chỉ vậy, Lý Thường Kiệt luôn luôn suy nghĩ cho dân, hạn chế tối đa cảnh khổ cực do chiến tranh mang lại. Ông nhấn mạnh với binh lính không được sách nhiễu, đụng đến “cái kim sợi chỉ của dân” trong khi kêu gọi lực lượng chống Tống.
Có thể nói rằng, Lý Thường Kiệt chính là một trong những anh hùng kiệt xuất bậc nhất đời Lý, một con người hiến dâng cả tâm hồn sức lực cho sự nghiệp độc lập của Tổ quốc ở buổi đầu thời tự chủ và là một trong những vị tướng tài giỏi nhất trong lịch sử Việt Nam xưa nay.
Với một nhân cách lớn, ông được ngời ca đời đời, con dấu ấn chói lòa trên văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn: “Làm việc thì siêng năng, điều khiển dân thì đôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp đỡ trăm họ, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Dùng uy vũ để trừ gian ác, đem minh chứng để giải quyết ngục tụng, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết rằng dân lấy sự no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để nỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang. Nuôi dưỡng đến cả những người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ thế mà được yên thân. Phép tắc như vậy có thể là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự tốt đẹp đều ở đấy cả”.