“Hà thành tứ mỹ”, hay “Tứ đại mỹ nhân Hà thành” được truyền tụng những năm 30 thế kỷ trước là 4 người đẹp nổi tiếng: Cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy. Trong số những nàng thơ làm đắm say trái tim bao văn nhân tài tử này, cô Phượng Hàng Ngang – Vương Thị Phượng, được biết đến với cuộc đời truân chuyên, bất hạnh.
Người đẹp và cuộc hôn nhân bất hạnh
Cô Phượng là con gái ông Vương Toàn Thắng, thương gia chuyên buôn hàng tơ lụa giàu có nức tiếng phố cổ. Lớn lên, danh tiếng về nhan sắc của cô vang xa, người ta ca tụng làn da nuột nà trắng nõn như trứng gà bóc, vóc dáng nở nang tràn đầy nữ tính, đôi tay búp măng như ngọc chuốt và đường nét hài hòa trên gương mặt cô. Trong mắt những người Hoa kiều, cô Phượng Hàng Ngang có cặp lông mày như mây khói (yên mi), đôi mắt mơ màng diễm lệ như mắt con phượng hoàng nửa thức nửa ngủ (bán thụy phượng hoàng).
Nhà văn Vũ Ngọc Phan viết trong cuốn hồi ký “Những năm tháng ấy”:“Cô Phượng người tầm thước, có đôi mắt bồ câu long lanh, với cặp mi cong, đôi lông mày xanh và dài, môi đỏ mọng đầy dục vọng, mũi dọc dừa thanh tú và đôi má lúm đồng tiền khi cười”.
Cách phục sức của mỹ nhân phố cổ cũng khiến người ta xao xuyến, ngẩn ngơ với yếm hoa hiên, áo dài vải phin trắng ôm lấy thân hình đầy đặn, quần lĩnh tía cạp điều, thắt lưng quan lục, đầu chít khăn nhiễu tam giang hoặc khăn nhung đen. Người con gái xinh đẹp này còn được hâm mộ bởi sự thông minh, biết cầm kỳ thi họa. Ai đi qua cửa hàng tơ lụa của gia đình cô cũng phải ngoái đầu ngắm; nhiều chàng trai luôn đi đường vòng, đi qua đi lại mấy lần để có thêm cơ hội nhìn cô, lòng ao ước được kết duyên cùng giai nhân.
Người được gia đình chọn kết đôi với cô Phượng Hàng Ngang là chàng trai Hàng Đào tên A Đẩu, cháu ruột thương gia buôn lụa Phan Vạn Thành. Về làm dâu, cô trải qua cuộc sống nhung lụa, không phải động tay vào việc nhà bởi kẻ ăn người ở rất nhiều, hằng ngày chỉ ra cửa hiệu bán hàng cùng mẹ chồng. Người đẹp càng được lòng nhà chồng khi sinh con trai cho họ.
Tuy nhìn bề ngoài, người đẹp phố cổ có cuộc sống viên mãn bao người mơ ước nhưng thực ra cô không hề hạnh phúc bởi không có được trái tim chồng. Chàng công tử A Đẩu cưới cô như mang về nhà một vật trang sức đẹp đẽ làm sang cho mình. Bản thân anh ta không yêu cô, cũng chẳng biết thương hương tiếc ngọc, ăn nói thô lỗ, thiếu tinh tế. Khi tức giận, A Đẩu sẵn sàng giở thói vũ phu với vợ. Ngoài ra, người chồng công tử này còn mặc sức cờ bạc, rượu chè, gái gú.
Bi kịch bỏ nhà theo người yêu
Trong khi thất vọng vì cuộc hôn nhân, người đẹp Vương Thị Phượng gặp và đem lòng yêu chàng trai Hoàng Tích Chu, con tri huyện Bình Lục, Hà Nam (ông Chu chính là anh trai của họa sĩ nổi tiếng Hoàng Tích Chù và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ). Đó là một trí thức đẹp trai, lịch lãm, tinh thông cả Hán học và Tây học.
Một ngày, phố cổ và giới thạo tin Hà thành choáng váng trước tin cô Phượng mất tích vì đã bỏ nhà vào Sài Gòn theo người tình. Cũng vì sự “to gan” này mà người ta gọi cô là nàng Kiều phố cổ (nhắc chuyện nàng Kiều “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” tìm Kim Trọng). Nhưng thật bất hạnh cho người đẹp si tình, chàng trai tài hoa cô muốn gửi gắm cuộc đời lại quyết định sang Pháp học nghề ký giả và không thể mang cô theo. Gia đình họ Hoàng cũng không chấp nhận cô. Họ khuyên cô trở về xin lỗi nhà chồng để được đoàn tụ, trong khi gia đình A Đẩu từ chối đón nhận người con dâu từng bỏ nhà theo trai.
Không chốn dung thân, cô Phượng Hàng Ngang sống cảnh nay đây mai đó, buôn bán nhì nhằng kiếm sống. Nhiều năm trôi qua, khi người đẹp đang nương náu tại ngôi chùa ở Hưng Yên, một vị khách vãn cảnh chùa đã gặp và mê mẩn nhan sắc cô, xin đưa về làm vợ lẽ. Nhưng rồi người đẹp cũng không thể sống bình an với vợ cả của người đàn ông này, cuối cùng bị đuổi khỏi nhà, lưu lạc qua nhiều tỉnh rồi lại về Hà Nội. Một phụ nữ nghèo cưu mang cô, chăm sóc như con gái cả những ngày ốm đau. Khi bệnh cô nặng thêm, người phụ nữ này đưa cô đến nhà thương làm phúc, nơi nàng Kiều phố cổ mất sau đó một tuần.
Người ta kể rằng, đám tang người con gái được mệnh danh Hà thành tứ mỹ một thời không người than khóc, trên bia mộ đề mấy chữ: “Mộ người bạc mệnh Vương Thị Phượng”. Với cuộc đời đa truân, cô Phượng trở thành nguyên mẫu nhân vật chính của không ít vở diễn sân khấu sau đó. Mối tình oan trái của cô cũng đi vào cuốn tiểu thuyết ăn khách “Mồ cô Phượng” của tác giả Tùng Lâm Lê Cương Phụng.
V.P (Theo DNVN)