Tháng Ba năm 1630, Đào Duy Từ khuyên chúa Nguyễn đừng nộp thuế cho chúa Trịnh. Nghe vậy, chúa Nguyễn Phúc Tần liền nói: Tiên vương ta tài trí hơn đời cũng còn phải đi lại thông hiếu. Ta nay nhỏ mọn không bằng tiên vương, đất đai binh giáp lại không bằng một phần mười chúa Trịnh, nếu không nộp thuế công thì lấy gì mà giữ đất đai để nối nghiệp tiên vương?
Nguyễn Phúc Tần vừa nói xong, Đào Duy Từ đã thưa rằng: Thần nghe nói dẫu có trí tuệ, không bằng nhân thời thế. Cứ uy vũ anh hùng, mưu kế sáng suốt của tiên vương, không phải là không giữ được đất đai. Song thời bấy giờ những thuộc tướng ở 3 ty của tiên vương đều do họ Trịnh cất đặt, phàm cử động gì cũng bị họ kiềm chế, nên tiên vương phải nhẫn nại như thế. Nay chúa thượng chuyên chế một phương, quan viên đều tự quyền cất đặt, một lời nói ra còn ai dám trái. Thần xin hiến một kế, theo kế ấy thì không phải nộp thuế mà vẫn giữ được đất đai và có thể dựng nên nghiệp lớn cho con cháu mai sau.
Nghe Đào Duy Từ nói vậy, chúa liền hỏi đó là kế gì? Đào Duy Từ thưa rằng: Muốn mưu đồ sự nghiệp vương bá, cần phải có kế vẹn toàn. Người xưa nói: Không một lần khó nhọc thì không được nghỉ lâu dài, không phí tổn tạm thời thì không được yên ổn mãi mãi. Thần xin hiến kế bản vẽ, đem quân dân hai trấn đắp một cái lũy dài, trên từ chân núi Trường Dục, dưới đến bãi cát Hạc Hải, nhân thế đất mà đặt chỗ hiểm để vững biên phòng. Quân địch có đến cũng không làm gì được.
Chúa nghe xong cho là phải và cho huy động quân dân đắp lũy Trường Dục hơn một tháng thì xong. Đây là kế sách lớn đầu tiên về quân sự giữ gìn bờ cõi. Kế sách quân sự này đi liền với kế sách ngoại giao ứng phó với chúa Trịnh.
Chúa lại hỏi Đào Duy Từ về kế trả lại sắc phong. Đào Duy Từ thưa rằng: Nên đúc một cái mâm đồng hai đáy, dấu sắc phong vào giữa hai đáy, ngoài đặt đủ vàng bạc lễ vật, lấy tướng thần là Văn Khuông đi sứ tạ ơn. Thần xin nghĩ ra hơn mười câu vấn đáp để Văn Khuông nhớ mà tùy cơ ứng đối, đem mâm ấy cho chúa Trịnh rồi thừa cơ mà ra về. Làm như thế thì họ Trịnh chắc chắn mắc kế của ta vậy.
Chúa theo lời và sai Văn Khuông vâng mệnh đi sứ Đông Đô. Văn Khuông đến, Trịnh Tráng mời vào yết kiến và hỏi: Trước đây, việc đòi nộp lễ cống nhà Minh, Nam chúa lâu không nộp là vì sao?
Văn Khuông nói: Voi và thuyền không phải là lễ cống nhà Minh. Sợ người truyền lệnh nói không đúng, cho nên không dám vâng lệnh.
Trịnh Tráng lại hỏi: Sao không cho con chúa đến làm con tin?
Văn Khuông trả lời: Nam Bắc nghĩa như một nhà đã thành tính với nhau thì dùng con tin làm gì!
Chúa Trịnh hỏi tiếp: Hoàng đế vời Nam chúa đi đánh Cao Bằng, sao không đi?
Văn Khuông trả lời: Giặc Cao Bằng là giặc khốn cùng, sức quân Trung Đô cũng thừa đánh. Chúa tôi vâng mệnh giữ 2 xứ Thuận – Quảng, phía Nam thì chống Chiêm Thành, phía Bắc thì phòng giặc Mạc, chỉ sợ không giữ yên bờ cõi nên không dám đi xa.
Trịnh Tráng lại hỏi: Đắp lũy Trường Dục, ý muốn chống mệnh vua hay sao?
Văn Khuông đáp: Chịu mệnh giữ đất, cần phải phòng bị bờ cõi cho bền, sao gọi là chống mệnh được?
– Tướng tá phương Nam thế nào? Trịnh Tráng hỏi: Tài kiêm văn võ như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật thì vài chục người. Văn Khuông đáp.
– Người ta nói Nam chúa là bậc anh hùng hào kiệt, sao không nghĩ đến đánh giặc lập công? Trịnh Tráng hỏi và Văn Khuông trả lời rằng: Chúa tôi không mê tửu sắc, không thích đàn hát, chỉ muốn đem ân huệ vỗ về dân chúng, uy tín cảm phục người xa. Không việc gì lớn hơn thế nữa.
Đến đây, Trịnh Tráng lặng yên một lúc rồi quay sang bảo bầy tôi rằng: Sứ Nam ứng đối như nước chảy, người Bắc không thể kịp được. Sau đó, Trịnh Tráng cho tiếp đãi rất hậu.
Lời bàn:
Những cống hiến lớn lao của Đào Duy Từ trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, quân sự, văn học, kiến trúc, sân khấu… đã đưa ông vào các hàng danh nhân trong lịch sử dân tộc. Với tư cách là một nhà quân sự, Đào Duy Từ có những đóng góp xuất sắc cả trên phương diện thực tiễn và lý luận. Lũy Trường Dục, Lũy Thầy do ông thiết kế và trực tiếp chỉ đạo xây dựng đã thực sự phát huy hết tác dụng trong suốt cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn, xứng đáng với tên gọi “Định Bắc Trương Thành”. Về lý luận, ông có tác phẩm Hổ tướng Khu cơ, cùng với binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn là hai cuốn binh pháp nổi tiếng của Việt Nam thời trung đại còn lưu truyền đến ngày nay.
Tuy nhiên, thiên tài quân sự của Đào Duy Từ là ở chỗ ông đã biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn. Điều đáng khâm phục trong lý luận quân sự của Đào Duy Từ là đã có tham khảo binh pháp Trung Hoa và kế thừa tinh hoa binh pháp Việt Nam đến lúc đó, và mặt chủ yếu vẫn là sáng tạo xuất phát từ thực tiễn Việt Nam cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Vâng, với sự nghiệp của Đào Duy Từ một lần nữa đã chứng minh chân lý: Lý luận không thể tách rời thực tiễn và thực tiễn không phải ở đâu, lúc nào cũng giống nhau. Xin hậu thế đừng ai quên điều này.