Sau khi Mai Thiếu Đế tử trận, con thứ 3 của Mai Thúc Loan là Mai Kỳ Sơn lên ngôi vua ở An Hải, huyện An Lão, Hải Phòng. Do có mái tóc bạc bẩm sinh nên nhân dân thường gọi ông là Bạch Đầu Đế (Hoàng đế đầu bạc). Về sau, ông bị trúng tên độc chết (có nguồn ghi ông tự tử).
Bạch Đầu Đế – Vị hoàng đế tóc bạc trong lịch sử Việt Nam là ai?
Hai chị em Mai Thị Cầu – Mai Kỳ Sơn
Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn là hai chị em ruột, con ông Mai Thúc Loan (tức Mai Hắc đế), thân mẫu là Hoàng hậu Đinh Ngọc Tô, người đất Sa Nam, xứ Hoan Châu (nay thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An). Chị em họ Mai là người văn võ song toàn.
Mai Thị Cầu hay còn gọi là Ngọc Chân công chúa là một cô gái nhan sắc, năm 16 tuổi kết hôn với Phạm Quỳnh, con ông Phạm Ngọc Giao, người xã Điều Yêu, phủ Kinh Môn, đạo Hải Đông (nay là xã Quốc Tuấn, huyện An Hải). Mai Thị Cầu là một người vợ hiền, dâu thảo, trong xóm ngoài làng đều khen ngợi. Năm 24 tuổi, Mai Thị Cầu góa chồng. Người đàn bà họ Mai này luôn có tấm lòng từ thiện, hết lòng giúp đỡ và chu cấp cho người nghèo đói. Dân hai xã Điều Yêu Thượng và Nhu Điều được Mai Thị Cầu giúp đỡ nhiều nhất. Bà còn lựa chọn một số trai lành, gái tốt ở hai xã trên lập thành một phường bát âm, hàng ngày luyện tập và phục vụ bà con xóm làng. Khi Mai Kỳ Sơn xây căn cứ để chống lại quan quân nhà Đường, người chị đã hết lòng giúp đỡ em.
Còn Mai Kỳ Sơn, năm 18 tuổi lấy vợ là Hoàng Thị Đang, người xã Nhu Điều (thuộc xã Quốc Tuấn ngày nay). Khi nghĩa quân của Mai Thúc Loan tiến quân ra Bắc tấn công phủ thành Tống Bình thì Mai Kỳ Sơn là một tướng có công đánh tan quân nhà Đường ở mạn sông Đà. Cũng vào năm 722, sau khi cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan bị thất bại, ông hi sinh thì Mai Kỳ Sơn đã lui về Điều Yêu và Nhu Điều xây thành đắp lũy, dựa vào nhân dân cùng chị là Mai Thị Cầu lo việc đánh quân Đường trả thù cho cha.
Căn cứ của Mai Kỳ Sơn là một nơi hiểm trở, bền vững, bốn mặt có sông sâu, lại rộng bao la, khuất khúc… Quân Đường nhiều lần đến đánh nhưng đều bị quân của Mai Kỳ Sơn mai phục đánh tan. Nhờ đó, uy tín của Mai Kỳ Sơn ngày một lớn. Nhân dân các vùng Đông Đạo (Hải Dương, Quảng Yên), Nam Đạo (Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên) đều hưởng ứng. Năm 725, Mai Kỳ Sơn lên ngôi hoàng đế. Người đời bấy giờ gọi ông là Bạch Đầu đế tức là ông vua đầu bạc (vì Kỳ Sơn có mái tóc bạc). Đánh mãi Mai Kỳ Sơn không được, quân Đường phải dùng kế gian giả là “giao kết, hòa hợp”, rồi sau đó thừa cơ đánh úp.
Do thiếu cảnh giác nên vị hoàng đế Đầu Bạc phải vất vả mới chỉnh đốn được đội ngũ để chiến đấu. Sau nhiều trận đánh ác liệt, vua Đầu Bạc không may bị tên của quân Đường bắn trúng nên đã hi sinh tại trận. Mai Thị Cầu biết tin Bạc Đầu Đế tử trận, bèn tự vẫn ngay trên đầu cầu để bảo toàn khí tiết.
Ngày nay đền chính thờ vua và chị gái ở xã Quốc Tuấn, huyện An Hải (Hải Phòng), nơi đây còn có lăng mộ của Bạch Đầu Đế, hàng năm nhân dân vẫn tổ chức lễ giỗ Ngài vào ngày mùng 7 tháng 12 âm lịch.
PV (Theo Zing)