Thứ bậc của cung tần, mỹ nữ
Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, phần lớn cung tần, mỹ nữ được tiến cung đều là con cái của những quan đại thần trong triều và thường cũng chỉ các quan đại thần mới được đưa con gái tiến cung.
Con của vị quan nào có phẩm trật cao sẽ được tuyển vào cấp bậc cao và ngược lại. Tiêu biểu như bà Từ Dụ vốn là con của đại thần Phan Đăng Hưng nên mới vào cung 6 năm đã được phong làm Hoàng quý phi.
Về thứ bậc, nhà Nguyễn từ thời Minh Mạng phân chia các cung tần, mỹ nữ thành 9 bậc: Nhất giai phi, Nhị giai phi, Tam giai tân, Tứ giai tân, Ngũ giai tiệp dư, Lục giai tiệp dư, Thất giai quý nhân, Bát giai quý nhân, Cửu giai tài nhân. Dưới Tài nhân là Tài nhân vị thập giai – đây là những người đang chờ đợi để được tuyển làm tài nhân. Kế dưới là cung nga thể nữ.
Hoàng quý phi là người đứng đầu các bà phi, là vợ chính nhà vua, được hưởng nhiều quyền lợi hơn cả. Mỗi năm Hoàng quý phi được lãnh 1.000 quan tiền, 300 quan lúa, 60 cây lụa… Hoàng quý phi là người duy nhất được sống trong điện Khôn Thái (sau điện Càn Thành).
Những bà phi khác sống ở viện Trịnh Minh, các bà Tân sống ở điện Đoàn Huy, các bà Tiệp dư ở viện Thuận Huy, những người còn lại sống trong các viện như Đoan Trang, Đoan Hòa, Đoan Thuận, Đoan Tường.
Theo sách “Đời sống trong cung đình triều Nguyễn”, thái giám chính là những người lo việc giao thiệp, trao đổi thông tin giữa vua với cung tần, mỹ nữ. Họ rất ít khi viếng thăm nhau.
Khi di chuyển, các bà hoàng dùng võng và có một đoàn nữ tỳ hộ tống theo sau. Các nô tỳ đi theo sau võng, cầm các đồ dùng sinh hoạt cho các bà hoàng như dép, cơi trầu, hộp thuốc… Võng có 4 người khiêng và 4 người đàn bà cao lớn được cử cầm lọng.
Do vua có hàng trăm cung tần, mỹ nữ nên những cung phi mới được tuyển vào mâu thuẫn chưa gay gắt, trong khi những bà đã vào cung lâu năm, việc ghen tuông, đố kỵ là chuyện thường ngày. Trong những lần như vậy, Hoàng quý phi thường nhận được sự thiên vị của vua.
Nỗi buồn phía sau lầu son, gác tía
Ngoại trừ những bà Hoàng hậu, Hoàng quý phi có cuộc sống sung túc, cao sang, tráng lệ, rất nhiều cung tần, mỹ nữ triều Nguyễn có cuộc sống ảm đạm, họ phải chôn vùi tuổi xuân sau những vách tường âm u, lạnh lẽo.
Kể từ ngày bước chân vào cung cấm, cung phi xem như đã tách hẳn với cuộc sống bên ngoài. Họ không được phép về thăm gia đình, trừ khi cha mẹ ốm nặng. Ngược lại, cha mẹ cũng hiếm khi được vào thăm con, nếu có thì chỉ đứng ngoài rèm nói chuyện, không gặp trực tiếp.
Sau ngày tiến cung, cung tần, mỹ nữ phải liên tục học hỏi từ cách ăn nói, trang phục, sinh hoạt… cung phi trong Tử Cấm Thành phải kiêng đủ thứ. Giọng nói phải tập sao cho nhẹ nhàng, không được nói theo giọng Huế mà buộc phải nói theo giọng Phường Đúc – nghĩa là nửa giọng Huế, nửa giọng Nam Bộ.
Quần áo phải theo đúng theo nghi thức quy định. Trang phục không được sử dụng màu đen (màu tang tóc), màu trắng chỉ được dùng làm quần áo lót, màu đỏ và màu lục được dùng nhiều nhất. Trong khi màu vàng chỉ dành cho vua.
Tóc rẽ giữa, bịt khăn vành, móng tay để dài, răng nhuộm đen. Trong sinh hoạt hàng ngày, tuyệt đối không được nói chữ xấu, gở, thô tục như đui, què, phong, hủi, máu me, chết… Khi vua đau ốm phải gọi là “se”, “siết”, “vi dạng”; vua thức dậy gọi là “tánh”, vua đi chơi là “ngự dạo”, vua chết là “băng hà”. Ngoài ra, vô số chữ húy phải kiêng kỵ, nếu lỡ gọi nhầm sẽ mắc tội, nhất là phải kiêng tên vua, hoàng hậu, gia đình hoàng tộc…
Trong cuộc đời mình, cung phi nếu may mắn, chỉ được tiếp xúc một người đàn ông. Đó chính là nhà vua. Ngoài ra, họ không được đụng chạm bất cứ người đàn ông nào khác.
Ngay cả khi mắc bệnh nặng, ngự y trong cung đến thăm khám, bốc thuốc, cũng không được tiếp xúc làn da của các bà hoàng. Khi họ bắt mạch, thái giám sẽ đứng bên cạnh để canh. Ngự y phải đặt một mảnh lụa mỏng lên tay của cung phi để bắt mạch, không được nhìn, hỏi thăm bệnh nhân nên rất khó xác định bệnh tình để đưa ra cách chữa trị hợp lý. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến các cung phi thường mắc bệnh, chết sớm.
Khi vua qua đời, các bà phải lên chăm lo hương khói trên lăng vua, ở tại lăng. Vua Tự Đức băng hà, có đến 103 bà lên Khiêm Lăng sống và lo hương khói. Vua Khải Định băng hà, các bà Tần trở xuống đều phải lên Ứng Lăng, sau hai năm mới được về ở cung Diên Thọ, phục vụ Hoàng Thái hậu.
Sau khi qua đời, các bà vương phi sẽ được thờ chung hoặc thờ riêng tại một số ngôi đền ngoài Hoàng thành.
Các vua triều Nguyễn thường chủ yếu tuyển chọn cung phi, hoàng hậu là người miền Nam. Từ thời Minh Mạng, vua không còn tấn phong Hoàng hậu nên suốt thời gian trị vì của nhà Nguyễn (1802 – 1945) chỉ có 2 người được phong làm Hoàng hậu khi còn sống là bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu Tống Thị Lan, vợ vua Gia Long và Nam Phương Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan, vợ vua Bảo Đại.
Nam Phương Hoàng hậu cũng là bà hoàng duy nhất của chế độ quân chủ Việt Nam theo đạo Công giáo và từng đi du học ở nước ngoài.
Nguyễn Thanh Điệp (Theo Giáo dục và Thời đại)