Theo sách “Đại Nam Thực lục Tiền biên”, mùa Thu tháng 8 năm Canh Tý – 1660, Nguyễn Hữu Tiến đem quân sang sông Tam Chế để đánh tướng Trịnh là Quận công Lan đang đóng quân ở xã Do Nha. Khi ấy, trong đội quân của Nguyễn Hữu Tiến có nhiều người ở Nghệ An là quân của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài mới đến hàng, nên phần lớn đều không có chí đánh nhau và đã có nhiều người bỏ trốn. Vì thế, Nguyễn Hữu Tiến đành cho rút quân về đóng ở bờ Nam của sông.
Nhân cơ hội này, tướng của chúa Trịnh là Quận công Lan đem quân giữ lũy Đồng Hôn. Trước đó, Nguyễn Hữu Tiến cùng các tướng họp quân nhưng không cho Nguyễn Hữu Dật biết về việc này. Đến khi Nguyễn Hữu Dật nghe tiếng súng nổ, sai người chạy đến hỏi thì Nguyễn Hữu Tiến mới cho Nguyễn Hữu Dật đem quân đến đánh lũy Đồng Hôn. Nguyễn Hữu Dật lập tức đem quân bản bộ đánh nhau với Lan và Quận công Lan thua phải bỏ chạy.
Mùa Đông, tháng 10 năm ấy, từ sau khi tướng Trương Phúc Hùng (tướng của chúa Nguyễn) thua trận, Nguyễn Hữu Tiến dò biết được rằng, tướng sĩ Nghệ An mới hàng đều mang chí khác, bèn họp các tướng lại để hỏi kế. Tống Hữu Đại nói: Binh cần phải nghiêm, xin tra xét trong quân, hễ có kẻ mưu phản thì giết ngay một vài tên để răn bảo kẻ khác. Tôn Thất Tráng cũng dựa theo đó mà khuyên như thế.
Nghe vậy, Nguyễn Hữu Dật nói: Lời hai ông vừa nói chỉ hợp với phép hành binh chứ việc dụng binh thì cốt yếu lại là ở nhân hòa. Hễ có nhân hòa thì đánh đâu thắng đó. Vậy, chỉ nên lấy ơn nghĩa mà thu dụng, lấy sự tin cậy mà cảm hóa, như thế người ta ắt sẽ vui theo, chém giết làm gì?
Cùng lúc đó, tướng giữ chức Tham mưu là Võ Đình Phương nói: Nay bọn đã hàng thì hai lòng, thế địch thì còn mạnh, cho nên tốt hơn cả là hãy rút quân về, sau sẽ tính tiếp. Nguyễn Hữu Tiến thấy bàn bạc không xong, bèn định ngày bí mật rút quân nhưng vẫn giận lời nói của Nguyễn Hữu Dật.
Khi Nguyễn Hữu Tiến đã quyết định rút quân, nhưng vẫn nói phao là sai các tướng theo đường thủy, đường bộ mà tiến. Đã thế, Nguyễn Hữu Tiến còn báo cho Nguyễn Hữu Dật đem quân đến tiếp ứng, hẹn đến trống canh ba hôm sau thì cùng tiến tới An Trường để đánh quân Trịnh. Xong, Nguyễn Hữu Tiến dặn riêng các tướng đợi đến đêm thì rút quân về châu Nam Bố Chính, chỉ không cho một mình Nguyễn Hữu Dật biết mà thôi.
Đêm ấy, Nguyễn Hữu Dật sửa soạn binh giáp để chờ, khi biết tin Nguyễn Hữu Tiến rút quân rồi thì cũng là lúc quân Trịnh đã sang sông, tiến sát phía ngoài dinh trại của Nguyễn Hữu Dật. Nguyễn Hữu Dật liền giả vờ cho hát xướng và bí mật rút lui. Khi ấy, Trịnh Căn ở ngoài nghe tiếng đàn sáo thì ngờ vực, không dám đến gần. Nguyễn Hữu Dật nhân đó thong thả rút quân về, đến Hoành Sơn thì gặp Nguyễn Hữu Tiến. Quân Trịnh đuổi gấp nên theo kịp, hai bên giao chiến, quân Trịnh bị thương và chết rất nhiều. Trịnh Căn cho lui lại hai mươi dặm rồi mới đóng đồn.
Sau đó, Nguyễn Hữu Tiến cũng lui đóng ở cửa Nhật Lệ và để Nguyễn Hữu Dật ở lại phía sau. Nguyễn Hữu Dật liền sai người kéo cành cây, chạy trong rừng, cát bụi mù mịt, lại cho treo nhiều cờ lên cây để nghi binh. Tướng Trịnh là Nguyễn Đễ thấy vậy lấy làm ngờ vực không dám tiến, các tướng nhờ đó rút quân an toàn về châu Nam Bố Chính. Việc này báo lên, chúa Nguyễn đã hạ lệnh chia quân đóng đồn ở những nơi hiểm yếu để phòng ngự. Từ đấy, 7 huyện ở vùng Nghệ An mà quân Nguyễn chiếm đóng từ nhiều năm trước lại trở về dưới sự cai quản của vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.
Lời bàn:
Từ thượng cổ đến nay, nhân loại đã thừa nhận rằng trong cuộc chiến với quân thù, nếu là vị tướng giỏi thì phải là người biết rõ quân địch và quân ta, đồng thời phải đưa ra chiến thuật để lừa địch vào thế bị động. Còn đối với đồng đội cùng chiến lũy, nếu các tướng trong một bộ chỉ huy… mà không tin nhau, lại còn lừa nhau và hại nhau thì quả là không còn gì tai hại bằng và rẻ rúng hơn. Và trong hoàn cảnh ấy, nếu ai tin kẻ tiểu nhân, rồi hào phóng đem tặng nghĩa tình một cách vô lối cho kẻ tiểu nhân thì trước sau gì cũng phải gánh họa. Một tướng quân có tài và đã nhiều năm xông pha trận mạc như Nguyễn Hữu Dật mà vẫn bị đồng liêu lừa thì quả là đáng trách. Bởi lẽ đời sinh ra kẻ tiểu nhân là để hại người trung, người ngay và kẻ đã nuôi tâm hại ai thì ắt sẽ hại đến cùng.
Hơn nữa, từ cổ chí kim có kẻ tiểu nhân nào phản bạn, hại đồng liêu lại chỉ có một lần mà thôi đâu. Ví như nhân vật Tôn Thất Tráng trong giai thoại trên thì sẽ rõ. Vì chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Tôn Thất Tráng đã mấy lần hãm hại Nguyễn Hữu Dật khiến ông lúc thì phải ngồi tù, lúc thì chỉ chút xíu nữa là phải bỏ thây nơi chiến trận. Quả là sống ở trên đời này, nếu có bao nhiêu kẻ tiểu nhân thì cũng có bấy nhiêu người ngay bị hãm hại. Và những kẻ tiểu nhân ấy vẫn còn đất sống là bởi thời nào mà chẳng có người bụng dạ hẹp hòi, ưa ganh tỵ nhưng lại thích được tâng bốc. Vâng, thế mới hay rằng, những ai quyền cao chức trọng mà sao lãng việc tu thân, khiến cho cái đức bị mỏng dần, thì sẽ là “mảnh đất màu mỡ” cho những kẻ tiểu nhân, những kẻ gian xảo có chỗ dung thân.