Vườn hoa Lý Thái Tổ bên bờ hồ Gươm ở Hà Nội từng mang nhiều cái tên khác nhau trong quá khứ. Mỗi cái tên lại gắn với một câu chuyện lịch sử của thủ đô…
Nằm bên bờ hồ Gươm – trái tim của thủ đô Hà Nội – có thể nói vườn hoa Lý Thái Tổ là vườn hoa nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Xung quanh lịch sử vườn hoa này có nhiều câu chuyện mà không phải ai cũng biết.
Theo đó, vườn hoa Lý Thái Tổ nguyên là phần đất của một ngôi chùa cổ – chùa Phổ Giác, tức chùa Tàu của làng Hậu Lâu. Năm 1883, thực dân Pháp chuyển chùa này tới vườn viện Thái y, nay ở phố Ngô Sĩ Liên để lấy chỗ xây dựng toà Đốc Lý, Kho bạc, Bưu điện và một vườn hoa.
Năm 1886, sau khi Tổng công sứ Paul Bert qua đời, chính quyền thực dân lấy tên ông này đặt cho vườn hoa. Vườn hoa Paul Bert, hay Pôn Be – theo cách phiên âm của người Việt – chính là tên gọi đầu tiên của vườn hoa Lý Thái Tổ. Đến năm 1890, người Pháp đúc tượng Paul Bert đặt trên một bệ đá, mặt nhìn ra Hồ Gươm.
Đằng sau tượng có dựng một toà nhà bát giác làm chỗ cho nhạc binh biểu diễn những chiều chủ nhật, mà người Hà Nội thướng gọi là nhà Kèn.
Năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, thị trưởng Trần Văn Lai cho hạ tượng Paul Bert. ông Trần Văn Lai chủ trương thay đổi các tên phố và vườn hoa từ tên tiếng Pháp sang tên tiếng Việt, nên vướn hoa Paul Bert đổi tên thành vườn hoa Chí Linh.
Chí Linh là tên một vùng núi ở phía Tây Thanh Hoá, một căn cứ của nghĩa quân Lê Lợi (đầu thế kỷ 15). Đặt tên này vì công viên gần Hồ Gươm liên quan tới truyền thuyết về vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) trả gươm cho thần Kim Quy, và ở bờ hồ phía đối diện có tượng đài vua Lê.
Hai phố chạy hai bên công viên Chí Linh được đặt tên là Lê Lai và Lê Thạch, cùng các con phố gần đó mang tên Nguyễn Xí, Trần Nguyên Hãn, Đinh Lễ, Đinh Liệt… đều là tên các danh tướng của phong trào Lam Sơn.
Đến năm 1984, để thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ, vườn hoa Chí Linh đổi tên thành vườn hoa Indira Gandhi. Bà Indira Gandhi (1917-1984) là Thủ tướng Ấn Độ từ năm 1966 – 1977 và 1980 – 1984. Bà bị ám sát ngày 31/10/1984.
20 năm sau đó, nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2004) và chào đón kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thành phố Hà Nội đã quyết định xây dựng tượng đài vua Lý Thái Tổ tại vườn hoa lịch sử này.
Tượng đài vua Lý được khởi công ngày 17/08/2004, khánh thành ngày 7/10/2004, do nhà điêu khắc Vi Thị Hoa sáng tác. Được làm bằng đồng nguyên chất, đúc liền khối, nặng 32 tấn (tượng 12 tấn, bệ 20 tấn), cao 10,1m (tượng cao 6,8 mét, bệ cao 3,3 mét), hướng nhìn ra hồ Hoàn Kiếm.
Trong lịch sử Việt Nam, vua Lý Thái Tổ (974 – 1028) được coi là một trong những vị vua vĩ đại nhất, người khởi lập thành Thăng Long và tạo dựng nên mảnh đất ngàn năm văn hiến. Vào năm 1010, ông đã để chuyển kinh đô của nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư ra thành Đại La (Thăng Long – Hà Nội sau này).
Từ khi tượng đài vua Lý Thái Tổ được dựng, người dân Hà Nội đã gọi vườn hoa quanh tượng đài là vườn hoa Lý Thái Tổ, và tên gọi này đã được coi như một tên gọi chính thức.
Ngày nay, vườn hoa Lý Thái Tổ là một địa điểm tụ họp quen thuộc của người dân thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước.
Đến với vườn hoa này, du khách sẽ được thả mình trong bầu không gian khoáng đạt của quảng trường rộng lớn hướng ra bờ hồ, được quanh bọc bởi màu xanh của cỏ cây…
…Hoặc ngắm nhìn các hoạt động đời thường muôn màu muôn vẻ của đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp dân chúng thủ đô.
Dấu ấn lịch sử của vườn hoa xưa còn được lưu giữ qua một thế kỷ là nhà Kèn, giờ đây là một địa điểm sinh hoạt văn hóa quen thuộc của giới trẻ.
Dù diện mạo vườn hoa đã thay đổi nhiều theo thời cuộc, hàng cây cổ thụ ở nơi đây vẫn xanh tươi và lưu giữ những ký ức không bao giờ mờ phai của nhiều thế hệ người Hà Nội…
Một số hình ảnh khác về vườn hoa Lý Thái Tổ.