Chiến thắng Bạch Đằng lần thứ ba: Trận đánh kinh động thế giới

Lịch Sử

Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là chiến công lớn nhất trong ba lần chống quân xâm lược Mông – Nguyên của quân và dân Đại Việt, gây chấn động thế giới thời kỳ đó.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, mùa xuân năm 1287, Thoát Hoan (con trai Hốt Tất Liệt) thêm một lần nữa mang 50 vạn quân (một số tài liệu ghi 30 hoặc 35 vạn) tái xâm lược nước ta, viện cớ đưa Trần Ích Tắc về làm An Nam quốc vương.

Từ bài học sau hai lần thất bại trước đó, Hốt Tất Liệt nhận ra rằng khó khăn lớn nhất của quân Nguyên là lương thực. Vua Nguyên đã cử Trương Văn Hổ dẫn đoàn thuyền lương di chuyển bằng đường biển để tiến vào nước ta tiếp ứng cho Thoát Hoan.

 

Những cọc nhọn được cho là đã được quân Đại Việt dùng để tiêu diệt thủy quân Nguyên. Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Kế hoạch của chúng nhanh chóng thất bại khi đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị tướng Trần Khánh Dư đánh chìm ở Vân Đồn (QuảngNinh).

Sức cùng lực kiệt, thiếu lương thực và binh lính nản lòng, Thoát Hoan quyết định rút quân về nước.

Sau những thất bại nặng nề vào các năm 1258, 1285, trong lần thứ ba này, khí thế của quân Nguyên đã giảm hẳn, đúng như câu nói nổi tiếng “năm nay đánh giặc nhàn” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Đoán được âm mưu của giặc, Hưng Đạo Vương đã sai Nguyễn Khoái dẫn quân lẻn qua đường tắt lên mé thượng lưu sông Bạch Đằng chặt gỗ, đẽo nhọn đầu, bịt sắt (một số tài liệu cho rằng cọc lần này không bịt sắt) đóng trên sông rồi đặt phục binh chờ đợi đến lúc thủy triều lên thì đem thuyền ra khiêu chiến.

Tướng quân Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thế Nghĩa dẫn quân mai phục ở ải Nội Bàng (Lạng Sơn) chờ quân bộ của Thoát Hoan đến.

Sáng 9.4.1288, thủy quân giặc tiến vào sông Bạch Đằng. Tướng Nguyễn Khoái dẫn chiến thuyền từ bờ sông ra khiêu chiến.

Ô Mã Nhi thúc quân đuổi theo, Nguyễn Khoái quay thuyền chạy. Đang lúc thủy triều lên cao, mặt sông rộng mênh mang, quân địch không nhận ra trận địa mai phục. Chờ quân Nguyên qua chỗ đóng cọc, Nguyễn Khoái mới ra lệnh quay thuyền quyết chiến.

Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, trận chiến trên sông diễn ra ác liệt. Đích thân thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Anh Tông và Trần Quốc Tuấn cầm quân tham chiến.

Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp thấy quân tiếp viện rất đông, liền quay thuyền chạy ngược lại. Nước thủy triều rút, cọc nhọn nhô lên, thuyền của quân Nguyên vỡ tan tành.

Trận Bạch Đằng năm 1288 hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ tiêu diệt đạo quân rút lui đường thủy do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy. Đây được xem là trận quyết chiến lớn nhất trong kháng chiến chống quân Mông – Nguyên lần ba.

Trận đánh này cũng chứng tỏ nhãn quan chiến thuật quân sự của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, vị chỉ huy xuất sắc của cả bộ lẫn thủy binh. Đặc biệt, trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng có sự phối hợp chặt chẽ giữa quân thủy và bộ, giữa quân chủ lực với quân địa phương và dân binh.

Sau trận thua ở Bạch Đằng, nhà Nguyên phải từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Đó đồng thời là một trong những chiến công vẻ vang nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, một trận đánh gây chấn động của thế giới thời kỳ đó.

Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing