Sau một Đại Cồ Việt với 86 năm mang đậm những dấu ấn để xây dựng một Nước Việt Vĩ Đại, thì chắc hẳn phải là một Đại Việt với sự huy hoàng và vĩ đại thật sự trong suốt 800 năm, thế sao lại là “những năm tháng điêu tàn”??? Nếu chỉ nghe những lời xưng tụng và tung hô, chúng ta sẽ dễ sống trong những ảo tưởng và tự phụ hư ảo, chỉ khi nhìn lại những sự thật được phơi bày trần trụi trong quá khứ, chúng ta mới biết những bài học mà tiền nhân muốn dành lại cho chúng ta. Vậy, một Đại Việt Vĩ Đại với 2 lần phá Tống, 3 lần “đập” Mông – Nguyên và “xử đẹp” Minh, Thanh mỗi triều đại Trung Hoa một lần, thì có những gì điêu tàn để phải nhớ!? Điêu tàn chính là từ sau những năm tháng sau huy hoàng trên đây.
Năm 1054, Lý Thánh Tông đổi quốc hiệu Đại Cồ Việt thành Đại Việt, mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ của nền văn hiến Đại Việt trong lịch sử Việt Nam. Từ sự kiện đó, Nhà Lý – triều đại đầu tiên thịnh trị kéo dài đến hơn 200 năm trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu trải qua những năm tháng huy hoàng của mình với sự hùng mạnh không chỉ về quân sự mà còn cả về kinh tế, chính trị. Chính quyền trung ương được xác lập vững mạnh tại Thăng Long và nhanh chóng thu phục các châu, động vùng xa. Nền văn hiến được mở rộng với những trường đại học Văn Miếu và Quốc Tử Giám, cùng khoa thi nho học đầu tiên được mở ra cho tất cả mọi người dân. Sức mạnh quân sự hùng mạnh của Nhà Lý đã đánh bại cuộc xâm lược của Nhà Tống ở phía Bắc, đẩy lui các quân đội Đại Lý, Nam Chiếu, Đế quốc Khmer và củng cố một vị thế hùng mạnh của người Việt vào lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, kể từ khi Lý Anh Tông qua đời vào năm 1175, triều đại Nhà Lý dần đi vào con đường suy vong và kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình vào năm 1225. Trong 50 năm cuối cùng của triều đại đó, các vị Hoàng đế Nhà Lý đã không còn là những minh quân sáng suốt hết mực chăm lo cho dân, cho nước. Thay vào đó, bằng việc những quyền thần và các hoàng hậu, hoàng phi tranh chấp quyền lực đã dẫn đến sự bi đát, tang thương cho Dòng dõi của Lý thái Tổ.
Lý Cao Tông lên ngôi năm 3 tuổi giữa những mưu toan tranh chấp quyền lực trong triều của mẹ mình và các hoàng phi của cha. Trụ cột Tô Hiến Thành qua đời qua sớm – khi Cao Tông chỉ mới 6 tuổi, đã để lại một khoảng trống không gì bù đắp được cho sự chống giữ của vương triều. Đỗ An Di, Đàm Dĩ Mông lần lượt bước vào quyền lực chính trị và nhanh chóng thao túng triều chính. Nạn mua quan bán tước – khi những chức quan không còn được lựa chọn bằng tài đức mà được mua bán bằng tiền bạc, đất nước của Họ Lý đã đến ngày tàn lụi quá cận kề. Những thú chơi bời, hưởng lạc, lạ thú của chính Cao Tông và quan chức mua bằng tiền của Nhà Lý lại càng làm cho triều chính thành một nơi họp chợ hơn là nơi chăm lo vận mệnh quốc gia. Ngân khố được đầy dư bằng những của tiền nhuốm đầy máu, nước mắt và tang thương của nhân dân. Tiền của cho những cuộc hưởng lạc và truy hoan của vua, quan không biết bao nhiêu mà kể thì trái ngược vời đời sống cùng cực, khốn khổ của người dân.
Vì vậy, trong chính những dấu hiệu báo trước sự suy tàn của triều đại đó, khi mà người dân không còn đủ sức chịu đựng một chính quyền tham tàn, vơ vét và hiếp đáp, họ đã bắt đầu vùng lên để chọn lựa cho mình một người lãnh đạo mới. Nhưng hành trình để tìm được người lãnh đạo đó không hề đơn giản mà phải thay bằng máu và nước mắt. 50 năm kể từ khi Lý Anh Tông qua đời năm 1175 cho đến khi Thái sư Trần Thủ Độ sắp xếp cuộc hôn nhân nhường ngôi vô tiền khoán hậu trong Sử Việt, là 50 năm của chiến tranh, loạn lạc, cát cứ và biệt ly của người Việt.
Năm 1207, Đoàn Thượng – một võ tướng trấn thủ của Nhà Lý, nổi dậy ở vùng Hải Phòng, Hải Dương ngày nay để chống lại triều đình. Ông như một sứ quân torng thời kỳ “12 sứ quân” thuở Đinh Bộ Lĩnh và lúc ấy, khi chính quyền trung ương đã suy tàn, sự cát cứ là điều hiển nhiên và tất yếu xảy ra. Trước, trong và sau Đoàn Thượng còn có hàng trăm những cuộc khởi nghĩa nông dân khác, nhưng với sự cát cứ của Đoàn Thường – một quan trấn thủ của triều đình, Nhà Lý mới thật sự đi vào thời kỳ suy vong cuối cùng của mình. Sự suy vong bắt đầu từ chính trong hàng ngũ những tướng lĩnh Nhà Lý đã xem của cải đút lót lớn hơn cả vận mệnh của quốc gia. Một mới dây chuyền hổ lốn của những kẻ tham quan không những đã tự hại chính chúng mà còn đưa đất nước, nhân dân đến loạn lạc, tang thương.
Năm 1207, Đoàn Thượng nổi quân chống triều đình.
Lý Cao Tông sai Phạm Du đến bắt. Thương lấy của cải đút lót để Du xin Vua tha cho và cuối cùng được tha.
Năm 1209, Phạm Du lại dấy quân chống triều đình.
Lý Cao Tông sai cha con Phạm Bỉnh Di đi đánh dẹp. Bỉnh Di thắng trận, Phạm Du dùng của đút lót xin vào gặp Vua để cầu tha mạng, vua tha cho, gọi cha con Bỉnh Di về triều rồi giam và giết đi.
Quách Bốc là tướng của Bỉnh Di, nghe tin chủ bị bắt liền làm loạn rồi đánh Cao Tông phải bỏ chạy ra khỏi Thăng Long.
Chính khi Lý Cao Tổng bỏ chạy khỏi Thăng Long, là lúc Họ Trần bắt đầu bước vào chính trường Đại Việt. Vì lúc bấy giờ, chạy về Hải Ấp, Thái Bình của Trần Lý và để con mình là Lý Hạo Sảm – tức Lý Huệ Tông, kết hôn với Trần Thị Dung – con gái Trần Lý, Cao Tông đã nghiễm nhiên cho người họ Trần quyền bước vào triều chính. Từ đó, bằng khả năng của mình, dòng họ Trần đã dần đánh bại những thế lực cát cứ khác, thu phục lòng dân và lòng nước về một mối. Sự suy vong và tang tóc của Họ Lý đã kết thúc bằng việc Họ Trần lên ngôi. Khi đã không còn đủ khả năng cai trị đất nước, sự lãnh đạo của một Dòng Họ không còn phù hợp với người dân nữa, thì một Dòng Họ khác lên thay. Nhưng để có sự chuyển giao đó, người dân và chính chỉ có người dân đã trả một cái giá quá đất bằng máu, nước mắt và chính mạng sống của mình!