Danh tướng nhà Trần nào là em trai Trần Ích Tắc, nhưng công lao hiển hách?

Lịch Sử
Khi tiếp xúc với các sứ thần nhà Nguyên, Trần Nhật Duật vui vẻ, tự nhiên trò chuyện suốt cả một ngày, khiến sứ giả nhà Nguyên có người cho rằng ông là người Hán ở Chân Định (nước Triệu cũ và gần Bắc Kinh ngày nay) sang làm quan bên Đại Việt.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là hoàng tử và là tướng của nhà Trần. Ông là người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và lần thứ ba. Ông sinh ra và lớn lên ở thành Thăng Long.

Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật sinh năm Ất Mão – 1255, là con trai thứ sáu của vua Trần Thái Tông và là em của Trần Thánh Tông. Ông cũng là anh em cùng mẹ với Trần Ích Tắc (người đã bỏ trốn sang Trung Quốc trong đại chiến Nguyên Mông, người mà sau này Trần Thánh Tông đã ra chỉ dụ gọi là Ả Trần).

Vị vương tử nhà Trần nào bị sứ giả nhà Nguyên nhầm là người Hán ở Bắc Kinh? - Ảnh 1.

Tượng danh tướng Trần Nhật Duật.

Theo sử sách, từ nhỏ ông đã nổi tiếng là hiếu học và “sớm lộ thiên tri, ham thích hiểu biết về các tiếng nói và các giống người”. Truyền rằng khi mới sinh, trên tay Trần Nhật Duật có bốn chữ “Chiêu văn đồng tử”. Sau vua Trần lấy đó mà đặt vương hiệu cho ông là Chiêu văn (có nghĩa là đón, gọi cái đẹp).

Trần Nhật Duật nổi tiếng hiểu nhiều biết rộng. Ngoài việc thông thạo nhiều ngoại ngữ, ông còn có sự hiểu biết sâu rộng về các nước láng giềng. Ông học tiếng Tống và tiếng Chiêm Thành, nên Trần Nhật Duật chẳng những sử dụng thành thạo các ngôn ngữ ấy mà còn am hiểu nhiều mặt của các nước đó, kể cả phong tục, tập quán của họ. Đối với các dân tộc trong nước, Trần Nhật Duật không những hiểu tiếng mà còn hiểu cả tâm tư người khác.

Ngoài 20 tuổi, Trần Nhật Duật đã được triều đình nhà Trần giao đặc trách những công việc về các dân tộc có liên quan. Khi tiếp xúc với các sứ thần nhà Nguyên, ông vui vẻ, tự nhiên trò chuyện suốt cả một ngày, khiến sứ giả nhà Nguyên có người cho rằng Trần Nhật Duật là người Hán ở Chân Định (nước Triệu cũ và gần Bắc Kinh ngày nay) sang làm quan bên Đại Việt.

Năm 1280, chúa đạo Đà Giang (thuộc miền Tây Bắc ngày nay) là Trịnh Giác Mật nổi lên chống lại triều đình. Cùng lúc đó, nhà Nguyên đang sửa soạn đại binh đánh Đại Việt. Với nhu cầu cấp bách phải dẹp ngay mối bất hòa trong nước, vua Trần đã phái Trần Nhật Duật làm Trấn thủ Đà Giang ra quân đi dẹp.

Hay tin, Trịnh Giác Mật họp thủ hạ bàn kế cự chiến. Giác Mật định ám hại ông nên sai người đưa thư dụ Trần Nhật Duật:

– Giác Mật không dám trái lệnh triều đình. Nếu ân chủ một mình một ngựa đến, Giác Mật ra hàng ngay.

Các tướng can ngăn e Giác Mật tráo trở, ông chỉ nói nếu có như vậy thật thì triều đình sẽ cử một vương khác tới làm tướng. Nói rồi ông một mình một ngựa đến trại của Giác Mật và chỉ mang theo mấy tiểu đồng cắp tráp đi hầu. Thản nhiên đi giữa lớp lớp gươm giáo và đám lính sắc phục kỳ dị cố ý phô trương uy hiếp của Giác Mật, Trần Nhật Duật nói với chúa đạo bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của dân tộc Đà Giang:

– Lũ tiểu đồng của ta khi đi đường thì nóng tai trái, vào đây thì nóng tai phải.

Ngay lúc đó, từ Giác Mật đến các đầu mục đều kinh ngạc trước sự am hiểu tiếng nói và tục lệ của dân tộc Đà Giang của ông. Rồi Giác Mật sai bưng mâm rượu lên. Giác Mật mời ông uống. Trần Nhật Duật không chút ngần ngại, cầm thịt ăn rồi vừa nhai vừa ngửa mặt, cầm gáo rượu từ từ dốc vào mũi hết sức thành thạo.

Một lần nữa Trịnh Giác Mật phải kinh ngạc thốt lên:

– Chiêu Văn Vương là anh em với ta rồi!

Nhật Duật nói: “Chúng ta xưa nay vẫn là anh em”.

Sau đó, Giác Mật đem gia thuộc đến doanh trại quy hàng. Khi về kinh đô, Trần Nhật Duật đem Giác Mật cùng vợ con vào chầu. Nhà vua khen ngợi, các quan tỏ lòng kính phục vì không mất một mũi tên mà bình được đạo Đà Giang. Sau đó vua cho Giác Mật về quê và được tiếp tục quản trị đạo Đà Giang. Nhờ đó, nhà Trần giữ được yên ổn biên giới Tây Bắc để tập trung chống quân Nguyên Mông.

Lời bàn:

Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với giai đoạn vinh quang nhất của nhà Trần. Tài năng, đức độ cùng sự nghiêm minh, ngay thẳng của ông cũng như các tướng văn, võ trong thân tộc nhà Trần cùng thế hệ với ông (Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải…) đã góp phần không nhỏ vào sự tồn tại và hưng thịnh của nước Đại Việt thời nhà Trần. Và chính hàng ngũ tướng lĩnh kiệt xuất của vương triều Trần đã góp phần tạo nên những chiến công lừng lẫy trong lịch sử dân tộc, Thượng tướng Trần Nhật Duật được biết đến như một vị danh tướng độc đáo và đặc sắc bậc nhất.

Bình luận về ông, Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Ông là bậc thân vương tôn quý làm quan bốn triều (Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông). Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với giai đoạn vinh quang nhất của nhà Trần, một triều đại đã làm nên những chiến công vĩ đại vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Vì vậy, ông đã được nhân dân nhiều vùng trong cả nước lập đền, đình, miếu thờ; nhiều trường học mang tên “Trần Nhật Duật”. Tên tuổi của ông mãi là tấm gương sáng cho hậu thế.