Hà Nội có bao nhiêu cửa ô?

Xưa

Các cửa ô là một phần lịch sử của Hà Nội, và người nay khi nhắc tới 36 phố phường thì cũng thường nhắc tới 5 cửa ô.

Hà Nội có bao nhiêu cửa ô?

Hà Nội có bao nhiêu cửa ô? - Ảnh 1.

Hình ảnh cửa ô Quan Chưởng xưa trong kho sưu tập của Viện Thông tin Khoa học xã hội.

Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, trưng bày “Hà Nội và những cửa ô” diễn ra tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long đang thu hút đông đảo công chúng đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử – văn hóa Hà Nội.

Nơi giao tiếp bên trong với bên ngoài

Các cửa ô là một phần lịch sử của Hà Nội, và người nay khi nhắc tới 36 phố phường thì cũng thường nhắc tới 5 cửa ô. Tuy nhiên, sự thật không phải chỉ có 5 cửa ô như trong câu ca, lời hát quen thuộc. Tất cả đều được giải mã qua trưng bày “Hà Nội và những cửa ô”.

Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, câu chuyện về những cửa ô luôn là đề tài hấp dẫn gắn liền với lịch sử Thăng Long. Cửa ô – danh xưng độc đáo, riêng biệt chỉ có ở Hà Nội thường được mở ở nơi tiếp giáp với sông Hồng, với chức năng như một cửa khẩu buôn bán và được canh phòng cẩn mật.

Cách đây 70 năm, ngày 10/10/1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại đoàn tiên phong tiến về giải phóng Thủ đô, mở ra thời kỳ mới vẻ vang trong lịch sử Thăng Long – Hà Nội. Từ đó, hình ảnh “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” đã in đậm trong ký ức nhiều người. Đó cũng là lý do trưng bày về những cửa ô nhân kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô trở nên thiết thực, không chỉ gợi nhớ ký ức hào hùng, mà còn gợi mở thêm giá trị lịch sử đã bị lãng quên.

Trưng bày giới thiệu 200 tài liệu, hình ảnh được lưu trữ tại Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội, các nguồn sử liệu, hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, tài liệu viết bằng chữ Hán Nôm và tiếng Pháp… được giải mật bởi đội ngũ chuyên gia, nhằm đem đến cho công chúng những góc nhìn mới và sâu sắc nhất về cửa ô Hà Nội.

Nguồn sử liệu cho biết, thành Thăng Long – Hà Nội được xây dựng theo kiểu “tam trùng thành quách” – ba vòng thành bao bọc. Vòng thành ngoài (Đại La thành) vốn là lũy đất mượn thế dòng chảy của sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu với chức năng vừa chống lụt vừa phục vụ quân sự. Đầu thời Mạc, vòng thành Đại La được xây dựng kiên cố với thành đất, lũy tre và hào nước bảo vệ.

Năm 1749, chúa Trịnh Doanh cho đắp một tòa thành đất bao bọc khu Hoàng thành Thăng Long, xung quanh bên ngoài có hào nước sâu cắm chông. Trên thân thành đất mở ra 8 cửa để cho người dân qua lại. Kiến trúc mỗi cửa được thiết kế gồm một cửa chính và hai cửa phụ, trên có vọng lâu canh gác. Tất cả đều có kích thước, hình dạng giống nhau.

Các chuyên gia cho biết, từ “cửa ô” trong tiếng Việt vốn được dịch từ “ô môn” trong tiếng Hán. Từ “môn” nghĩa là “cửa”, “ô” được Hán ngữ từ điển giải thích âm đọc là “ổ” với ý khu đất trũng, xung quanh đắp cao tạo thành vật che chắn (thôn ổ, trúc ổ). Đồng thời còn có ý nghĩa là cửa giao tiếp từ bên trong với bên ngoài.

Tên gọi các cửa ô căn cứ vào tên các thôn xã có đặt cửa ô. Mỗi cửa ô lại có đặc trưng riêng biệt nên còn có tên gọi dân gian, như cửa ô Thịnh Quang còn được gọi là ô Cầu Dừa. Thời xưa, đây là các cửa ra vào kinh thành, ban đêm đều có tuần phiên canh gác.

Hà Nội có bao nhiêu cửa ô? - Ảnh 2.

Bản đồ Hà Nội năm 1873 với phần chú giải tên 15 cửa ô Hà Nội.

Hà Nội từng có 21 cửa ô

Theo nghiên cứu, điểm đặc biệt nhất là các cửa ô xưa đều thông ra sông Hồng và sông Tô Lịch. Phía Tây có 2 cửa, phía Nam có 3 cửa ra sông Tô Lịch; lối ra sông Hồng có 11 cửa. Lý do là bởi thời đó, đường giao thông nối Thăng Long với các vùng khác chủ yếu là đường sông. Dọc sông Hồng có nhiều bến, phố xá đông đúc, nhiều hiệu buôn lớn của người Việt và người nước ngoài tập trung tại đây.

Dưới triều Nguyễn, Thăng Long – Hà Nội nhiều lần được điều chỉnh quy hoạch. Theo “Bắc thành dư địa chí” soạn hồi đầu thế kỷ 19, Hà Nội có 21 cửa ô. Khi nhà Nguyễn hạ cấp kinh thành Thăng Long xuống chỉ còn là Bắc thành thuộc tỉnh Hà Nội, thì số cửa ô chỉ còn 16. Trong bản đồ Tòa thành Hà Nội năm 1831 có ghi vị trí và tên của 16 cửa ô này.

Ngoài ra, trên tòa thành đất bao bọc vòng ngoài còn xác định được 2 cửa ô là Trung Hiền (ngã tư Bạch Mai – Đại La – Trương Định – Minh Khai) và cửa ô Tây Dương (trước cây cầu Giấy bắc qua sông Tô). Đến năm 1866, bản đồ “Tỉnh thành Hà Nội” vẽ đời vua Tự Đức chỉ còn 15 cửa ô và không còn cửa ô Nhân Hòa.

Năm 1873, số lượng 15 cửa ô vẫn được giữ nguyên, được đánh số từ 1 đến 15 và được thể hiện bằng hai ngôn ngữ trên bản đồ. Năm 1888, Pháp ép vua Đồng Khánh cắt đất lập khu nhượng địa và gọi là thành phố Hà Nội. Như vậy ngoài tỉnh Hà Nội lập thời Minh Mạng còn có thành phố Hà Nội thuộc Pháp.

Hà Nội có bao nhiêu cửa ô? - Ảnh 3.

Trưng bày “Hà Nội và những cửa ô” giới thiệu nhiều tư liệu quý giá về 21 cửa ô xưa của Hà Nội.

Địa giới thành phố Hà Nội hẹp hơn địa giới kinh đô Thăng Long cũ, bắt đầu từ dốc Yên Hoa (nay là Yên Phụ) theo chiều kim đồng hồ xuống Cơ Xá Nam (cảng Hà Nội hiện nay), vòng ra cửa ô Thanh Bảo (khu vực bến xe Kim Mã) rồi vòng trở lại dốc Yên Hoa.

Năm 1889 chính quyền Pháp thành lập khu ngoại thành Hà Nội, từ Yên Phụ vòng ra Nhật Tân chạy ra Cầu Giấy theo sông Tô Lịch đến khu vực Lương Yên ngày nay. Từ khi lập khu ngoại thành, chính quyền Pháp cũng lập thêm đồn chốt tại chợ Bưởi, Cầu Giấy, đầu phố Yên Hoa, ngã tư Vọng, đầu phố Bạch Mai, và chỉ cho những người có thẻ ra vào.

Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, các cửa ô của Thăng Long – Hà Nội đến nay gần như không còn dấu tích, chỉ còn lại duy nhất ô Quan Chưởng (tên chữ Hán là “Đông Hà môn”). Theo ghi chép, cổng được xây dựng năm 1749 để phòng thủ kinh thành mặt sông Hồng. Cổng có một cửa chính, trên có tháp canh và hai cửa phụ. Trên tường cửa chính gắn tấm bia đề năm Tự Đức thứ 34 (1882) cấm lính gác đòi tiền người qua lại.

“Những cửa ô xưa như ô Đông Mác, Yên Phụ, Cầu Dền, Đồng Lầm, Chợ Dừa, Cầu Giấy… nay đã trở thành những nút giao thông hoặc những khu vực quan trọng của Thủ đô. Tuy vậy, hình ảnh cửa ô xưa vẫn hiện hữu đâu đó như những kí ức không thể quên trong tâm thức người Hà Nội, dù bóng dáng của những cửa ô này chỉ còn lại qua hình ảnh của ô Quan Chưởng”. PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam