Hồi ức dải pháo đỏ giòn giã ngày xuân xưa: Một thời tươi đẹp!

Xưa

Tết xưa trong kí ức của những người cũ, ngoài cây mai, cành đào, bánh chưng, bánh tét thì không thể thiếu được tiếng pháo nổ đì đùng. Ngày nay, tiếng pháo đỏ giòn giã ngày xuân chỉ còn lại trong kí ức và kỉ niệm đã xa.

Đã hơn chục năm nay, những ngày tết hiện đại không còn nghe thấy tiếng pháo, những đứa trẻ mới, trong tuổi thơ của chúng đã không còn có những bánh pháo tép, những tiếng nổ đì đùng giòn giã khắp các thôn làng, ngõ xóm.

Pháo dã trở thành một điều tốt đẹp bị mai một trong hiện tại
Pháo dã trở thành một điều tốt đẹp bị mai một trong hiện tại

Pháo tép dây nổ giòn giã trong những ngày tết

Từ ngày 8.8.1994, khi Chỉ thị số 406-TTg, về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo được ban hành đến nay không khí tết đã không còn những tiếng pháo nổ giòn giã. Tết hiện đại trở nên nhẹ nhàng và lặng lẽ hơn xưa. Kí ức về pháo giờ đây đã trở thành một phần rất riêng tư của những đứa trẻ sinh ra trước năm 1994.

Đêm giao thừa, thay vì nô nức ra đường để đến những tụ điểm bắn pháo hoa, người Việt nhà nào cũng tự sắm cho mình đôi ba bánh pháo. Khi kim đồng hồ điểm thời khắc giao thừa, mỗi nhà không ai bảo ai đều mang pháo ra trước cửa nhà mình đốt. Tiếng pháo nổ cứ thế giòn giã khắp các ngõ xóm, liên tục, liên hồi không dứt, trẻ con cũng thế mà thức cho đến gần sáng chạy đi khắp xóm xem nhà nào đốt pháo.

Ngày mùng một tết đầu năm mới, nhà nào cũng treo trước cửa một dải pháo tép. Nhà này châm lửa đốt xong thì lại đến nhà khác đốt tiếp, tiếng pháo nổ cứ thế lan truyền khắp cả khu phố. Bọn trẻ con trong khu phố, thường không đợi cho đến khi đám khói của pháo nổ tan, chúng nô đùa ùa ra để nhặt những tép pháo, những đoạn pháo lép.

HÌnh ảnh đám trẻ nhặt xác pháo
HÌnh ảnh đám trẻ nhặt xác pháo

Được một lúc sau, những đứa trẻ sẽ mang những viên pháo lép đó chạy đến một góc sân, chúng buộc những viên pháo vào một que nhang đang cháy dở và đợi cho đến khi pháo nổ rồi cười thích thú. Việc đó cứ lặp đi lặp lại cho suốt 3 ngày tết.

Những ngày mùng 1, mùng 2 tết, khắp các con đường trong làng, trong phố đều là những xác pháo đỏ. Người người mặc áo đỏ, nhà nhà khoác lên mình những câu đối đỏ, con đường con phố cũng mang màu đỏ của xác pháo. Hình ảnh tết hiện lên đậm đà mà rộn ràng vui tươi.

Rộn ràng tiếng pháo kèm múa lân trong những ngày tết xưa

Tiếng pháo tết có lẽ chỉ kết thúc sau tháng giêng, tháng 2, khi mọi người quay lại nhịp sống thường ngày. Còn sau tết, lại đến những ngày hội làng, tiếng pháo vẫn tiếp tục nổ đì đùng trong tiếng hân hoan, tiếng lễ hội, tiếng hát, tiếng dò hô của những người đi chơi lễ.

Kí ức này, giờ với những đứa trẻ đã lớn chỉ còn là hoài niệm. Cảm giác về những hình ảnh đỏ hồng của những đoạn pháo tép, về những tiếng nổ đì đùng và cái mùi của khói pháo khi tan vẫn còn vô cùng đậm nét.

Ngày tết, trong cái lãng đãng của tiết trời xuân, của cái rét vô cùng nhẹ nhàng, của những bộ quần áo mới, nồi bánh chưng đang sôi, những lời chào câu thăm hỏi đầu xuân không thể thiếu được tiếng nổ đì đùng, rộn ràng của những bánh pháo. Những hình ảnh ấy, giờ là kỉ niệm để kể cho con, cháu chúng ta về một thời tết xưa rộn ràng khác với ngày nay như thế nào.

Mỗi thời đại một khác, chúng ta hoài niệm về pháo không phải là cố gắng để mang tiếng pháo quay lại thời hiện đại này, mà đơn giản chỉ là chúng ta yêu thương hơn những kỉ niệm đẹp trong ngày tết của chính chúng ta ở trong tuổi thơ mình.

Nguồn: Lao Động