Trận kỳ chiến gắn với bậc kỳ nhân thứ hai tại Bạch Đằng giang diễn ra trong giai đoạn chiến tranh Tống – Việt năm 981, vị thống soái giành chiến thắng là vua Lê Đại Hành. Sau thảm bại, nhà Tống chấp nhận lui binh và chính thức thừa nhận vua Lê Đại Hành là Hoàng đế Đại Cồ Việt.
Hoàng đế Lê Đại Hành (tên húy là Lê Hoàn) sinh năm 941 tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lại mang tướng mạo khác thường nên viên quan án sát họ Lê đã nhận ông về nuôi dưỡng. Lớn lên, vua theo giúp Đinh Liễn – con trai trưởng của vua Đinh Tiên Hoàng.
Vốn là người trí dũng, tướng quân Lê Hoàn được vua Đinh Tiên Hoàng giao quyền thống soái hàng chục ngàn quân. Năm 971, ông được sắc phong phẩm hàm võ quan cao nhất là Thập đạo tướng quân, Điện tiền đô chỉ huy sứ của triều Đinh.
Cuối năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng và thế tử Đinh Liễn bị ám sát, con thứ Đinh Toàn mới 5 tuổi lên nối ngôi, triều đình nhà Đinh suy yếu. Nhân cơ hội này, nhà Tống ráo riết tập trung binh lực chuẩn bị xâm lược nước ta.
Đứng trước vận mệnh nguy nan của đất nước, triều đình đã suy tôn Lê Hoàn làm vua (tức vua Lê Đại Hành), lập nhà Tiền Lê năm 980. Ông đặt niên hiệu là Thiên Phúc, quốc hiệu vẫn là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư, ổn định tình hình nội bộ, rồi chia quân phòng giữ các nơi hiểm yếu.
Nhà Tống lấy cớ vua Lê Hoàn tự xưng Đế, đổi niên hiệu để đem quân thôn tính nước ta. Mùa xuân năm 981, 4 vạn quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy theo hai đường thuỷ bộ đánh chiếm nước ta. Hoàng đế Lê Đại Hành thân chinh làm tướng cầm quân, cho xây thành Bình Lỗ, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông dựa vào địa thế hiểm trở của sông Bạch Đằng.
Sau hơn hai tháng tiến đánh, không chiếm được Đại La và kinh đô Hoa Lư, quân địch lúng túng vì chịu nhiều tổn thất nặng nề, vua Lê Đại Hành quyết phản công. Ngày 28/4/981, trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng diễn ra, Lê Đại Hành cho một cánh quân ra khiêu chiến với quân địch, Hầu Nhân Bảo trúng kế đuổi theo và lọt vào trận địa mai phục.
Lúc này, các chiến binh Đại Cồ Việt từ khắp các nẻo đường đổ về sông Bạch Đằng vây đánh quân Tống quyết liệt. Hầu Nhân Bảo bị giết chết. Nghe tin thuỷ quân thua trận, các cánh quân khác vội vã tháo chạy, bị quân Đại Cồ Việt truy kích tiêu diệt quá nửa, quân Tống bị quét sạch khỏi bờ cõi nước ta. Đại thắng Bạch Đằng năm 981 khiến nhà Tống phải kính nể tài năng và bản lĩnh của Lê Đại Hành, xuống nước thừa nhận đức ngài là hoàng đế Đại Cồ Việt
Đền Tràng nhìn ra sông Bạch Đằng -Ảnh: hoangtuananh
Cổng vào đền Tràng Kênh. -Ảnh: tuancanon
Cột đá ở đền Tràng Kênh. -Ảnh: cungphuot
Cổng đền Tràng Kênh. -Ảnh: hoangtuananh
Đền Tràng Kênh Vọng Đế là nơi tôn thờ hoàng đế Lê Đại Hành – Thập đạo Tướng quân đã tổ chức và giành chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 2 năm 981, người có công đánh Tống bình Chiêm xây dựng Đại Cồ Việt hùng mạnh đứng bên Đại Hán. Có câu thơ ca ngợi công lao to lớn của Ngài rằng:
“Đánh đâu được đó, khởi Tiền Lê
Nội loạn, ngoại xâm,… vốn bộn bề
Chém chúa Chiêm Thành, yên xã tắc
Diệt quân triều Tống, ấm làng quê”
Den tho Le dai hanh
Sử sách còn ghi về chiến công lẫy lừng của trận Bạch Đằng lần thứ 2 do đích thân hoàng đế Lê Đại Hành cầm quân ra trận. Trong 92 ngày đêm, 6 trận đánh lớn đã diễn ra, trong trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng ngày 28 tháng 4 năm 981, một trận địa cọc lớn đã được thực hiện, Lê Đại Hành còn khôn khéo dùng kế trá hàng, giết chết chủ tướng Hầu Nhân Bảo, tiêu diệt hoàn toàn quân Tống, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất, bảo toàn độc lập cho Đại Cồ Việt.
Chín mươi hai ngày đêm cũng là khoảng thời gian khoét núi xây đền, dựng lên không gian kiến trúc văn hóa tâm linh Đền Tràng Kênh. Đền Tràng Kênh được khởi công xây dựng ngày 7/7/2009, khánh thành ngày 6/10/2009, với thiết kế 3 gian tiền tế, 1 gian hậu cung, cảnh quan kiến trúc uy nghi mà hài hòa thơ mộng.
Gian hậu cung bằng gỗ lim xanh, du khách đặt chân tới nơi uy nghiêm này hẳn sẽ ấn tượng với bức tượng thờ Đức Ngài Lê Đại Hành bằng đồng, dát vàng, cao 1m76, nặng 1,2 tấn. Bên tả tượng Đức Ngài thờ vương phụ, vương mẫu và cộng đồng gia tiên; bên hữu thờ thái hậu Dương Vân Nga.
Ba gian tiền tế là nơi thờ tự Công đồng tướng sỹ, chư vị quan văn và chư vị quan võ… mọi chi tiết đường sơn nét khắc, tươi mới khang trang mà vẫn đậm hồn văn hóa Việt.
Trước đền là khoảng sân rộng 300m2, xung quanh là tường đá, cổng cung đình bằng đá liền khối với hoa văn tinh xảo.
Đặc biệt trước cổng đền còn nhánh cây đa có tuổi ngàn năm, tương truyền dưới gốc cây đa này trước khi đi đánh quân Nguyên Mông năm 1288, đức thánh Trần đã lập đền tế lễ và cầu đức Vương Ngô Quyền và hoàng đế Lê Đại Hành uy linh tiếp sức.
Hàng năm, vào ngày kỵ 8/3 của Lê Đại Hành hoàng đế và ngày khánh thành ngôi đền ngày 16/8 âm lịch, Đền Tràng Kênh vọng đế lại tổ chức đại lễ để nhân dân và du khách thập phương cùng về ngưỡng vọng.
Cũng trong khuôn viên của đền thờ vua Lê Đại Hành, phía bên trái là Đền thờ tướng công Lê Duy Mật- vị hoàng tử đời Hậu Lê, người hy sinh cả cuộc đời và gia đình vì dòng chí Tôn, vì những người nông dân nghèo khổ.
Ban quản lý di tích Bạch Đằng Giang