Con đường khoa cử của người Việt
Lịch sử khoa cử của người Việt chính thức được bắt đầu vào năm 1075, dưới thời vua Lý Nhân Tông.
Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú chép “Lý Nhân Tông, năm Thái Ninh thứ 4 (1075), tháng 2, hạ chiếu chọn những người tài giỏi kinh học rộng và thi nho học ba trường”. Kỳ thi chọn người tài đầu tiên của người Việt chính thức ra đời.
Tại kỳ thi này, người đỗ đầu là Lê Văn Thịnh, quê thôn Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
Thi tam giáo là xét những người thông hiểu cả đạo Nho, đạo Lão, đạo Phật. Kỳ thi năm 1075, triều Lý chỉ chọn ra người đỗ đầu, chưa đặt danh hiệu tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) nên Lê Văn Thịnh chỉ là người đỗ đầu của kỳ thi đầu tiên, chưa phải là trạng nguyên đầu tiên của nước Việt.
Sau khi đỗ đạt, ông ra làm quan, trải qua nhiều chức vụ khác nhau, thăng dần đến chức Thái sư triều Lý.
Cũng theo sử gia Phan Huy chú, sau kỳ thi đầu tiên năm 1075, nhà Lý còn tổ chức các kỳ thi tiếp theo vào các năm 1086, 1152, 1165, 1185, 1193 và năm 1195.
Sau khi lên thay nhà Lý (1225), triều Trần tiếp tục với con đường khoa cử, tiến cử để tuyển dụng người tài cho đất nước.
Vào năm Kiến Trung thứ 8 (1232), lần đầu tiên nhà Trần tổ chức kỳ thi thái học sinh, cho đỗ danh hiệu tam giáp (nhất giáp, nhị giáp, tam giáp). Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” của sử gia Ngỗ Sĩ Liên chép “phép thi nước ta chia ra giáp và đệ là bắt đầu từ đây, nhưng niên hạn chưa định, phép thi chưa rõ, vì bắt đầu xây dựng phải như thế. Về sau mới định 7 năm một khoa, đặt ra tam khôi, ân điển ngày một long trọng, công danh do đó mà ra, nhân tài đầy rẫy, so với nhà Lý trước đó thịnh hơn nhiều”.
Đến năm 1247, nhà Trần tổ chức kỳ thi đại tỷ chọn ra trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa và thái học sinh (tiến sĩ), tất cả 48 người. Như vậy, danh hiệu tam khôi của các kỳ thi nho học ở nước ta chính thức ra đời thời vua Trần Thái Tông vào năm 1247.
Tại kỳ thi này, người đỗ trạng nguyên là Nguyễn Hiền, Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ thám hoa. Tuy nhiên, lịch sử khoa bảng Việt Nam ghi nhận Nguyễn Quan Quang (Nguyễn Quán Quang) người đỗ đầu tài kỳ thi năm 1246 là trạng nguyên đầu tiên của nước Việt.
Thể lệ chọn trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa
Phép khoa cử của người Việt tiếp tục tồn tại như thế dưới các triều đại phong kiến kế tiếp như nhà Lê sơ, nhà Mạc, Lê Trung Hưng. Đến thời Nguyễn, triều đình không lấy còn lấy danh hiệu trạng nguyên nữa, do không ai đạt được “văn lý mười phân”, người đỗ đầu trong kỳ thi Đình được gọi là Đình nguyên tiến sĩ.
Theo “Lịch triều hiến chương loại chí”, từ năm 1396, nhà Trần bắt đầu ra thể lệ về thi Hương, thi Hội, thi Đình. Dưới thời Hậu Lê, thể lệ của 3 kỳ thi này càng được hoàn thiện, tổ chức chặt chẽ, thường cứ 3 năm tổ chức thi một lần.
Những người đỗ thi Hương sẽ được tham gia kỳ thi Hội, đỗ kỳ thi Hội sẽ được tham gia kỳ thi Đình chọn ra trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Để đạt được danh vị trạng nguyên, sĩ tử phải vượt qua 3 kỳ thi gồm thi Hương, Hội, Đình có khi có tới 5.000-6.000 sĩ tử dự thi trong cả nước.
Thi Đình là kỳ thi cuối cùng, được tổ chức ngay tại sân điện của nhà vua. Hôm diễn ra kỳ thi Đình “vua đội mũ xung thiên, mặc hoàng bào, đeo đai ngọc lên ngồi ngự tọa, chúa đội mũ xung thiên, mặc áo bào tía, đai ngọc” ngự tọa trong sân rồng để làm nghi lễ khai mạc hội thi.
Thời Hậu Lê, kỳ thi Đình do vua đích thân ra đề, chấm thi. Đề thi Đình thường liên quan đến đạo trị nước, sử dụng hiền tài, nho sinh thường được thể hiện hết những suy nghĩ, trăn trở của mình trước vận mệnh, thời cuộc của quốc gia hay những vấn đề đại sự. Ý kiến nêu ra trong bài thi sẽ được vua xem xét, đánh giá, từ đó chọn ra người đỗ cao nhất.
Người đỗ đầu được gọi là Đình nguyên (có thể được gọi là trạng nguyên nếu đủ xuất sắc, xứng đáng). Tuy nhiên, cũng có nhiều kỳ thi không ai xứng đáng đỗ trạng thì Đình nguyên là bảng nhãn hoặc thám hoa, có khi là hoàng giáp. Từ năm 1428-1789, có hơn 100 kỳ thi được tổ chức. Người đỗ tiến sĩ được vua ban lễ xướng danh tiến sĩ, ban mũ, áo, đai, ban yến, lạy tạ vinh quy và khắc bia tiến sĩ trong Văn Miếu để lưu truyền muôn đời.
Nhận xét về kỳ thi Đình, sử gia Phan Huy chú viết rằng: “Phép thi Hội còn thuộc về các quan trường vâng mệnh nhà vua, mà các thể lệ công việc còn do Hữu ty làm. Đến ngày thi Đình nhà vua tự ra văn sách vấn, thể chế rất long trọng. Khi đã đỗ rồi, ban áo hốt, ban yến tiệc, ơn vua nhuần thấm, thực là sự đãi ngộ vẻ vang đối với nho sĩ, điển lễ vẻ vang với vua chúa. Các nghi thức đều có tiết thứ, các triều theo nhau mà làm. Nay chép rõ ra đây, để biết rõ những ân điển đại khoa là như thế”.
Nguyễn Thanh Điệp (Theo Tri Thức Trực Tuyến)