Từ năm 1739, Hoàng Công Chất – người Anh hùng áo nâu đã tập hợp nông dân nghèo nổi dậy hoạt động ở vùng Sơn Nam, với sở trường đánh du kích “khi tan, khi hợp” vô cùng tài tình, vang danh sử sách.
Hoàng Công Chất tên thật là Hoàng Công Thư, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Hoàng Xá, huyện Thư Trì, trấn Sơn Nam Hạ, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Vào giữa thế kỉ 18, chính quyền Đàng Ngoài suy sụp. Vua Lê, Chúa Trịnh mục nát, đời sống nhân dân cực khổ. Khởi nghĩa Hoàng Công Chất diễn ra trong bối cảnh này.
Đây là cuộc khởi nghĩa nông dân dài nhất, hoạt động trong phạm vi rộng nhất, tập hợp được các cư dân dân tộc khác nhau, không chỉ có tính chất phản phong mà còn tác dụng bảo vệ Tổ quốc chống ngoại xâm và duy trì được 30 năm (1739 – 1769).
Hoàng Công Chất dựng cờ khởi nghĩa với mục đích: “Bảo quốc, an dân”, diệt cường hào ác bá, lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo, với hoài bão xóa bỏ bất công, lập lại kỷ cương, phục hưng đất nước, thống nhất giang sơn, thái bình muôn thuở.
Sử sách có ghi: Từ năm 1739, Hoàng Công Chất – người Anh hùng áo nâu đã tập hợp nông dân nghèo nổi dậy hoạt động ở vùng Sơn Nam. Nghĩa quân có sở trường về thuật đánh du kích “khi tan, khi hợp”. Giặc đóng ở trong các vùng cỏ rậm rạp, quan quân đến phía trước thì lần ra phía sau; quan quân chọn phía tả thì chạy sang phía hữu.
Trong các năm 1740 và 1743, nghĩa quân Hoàng Công Chất đánh bại những cuộc đàn áp của quân triều đình; năm 1748 Hoàng Công Chất vào Thanh Hóa liên kết với phong trào khởi nghĩa của Lê Duy Mật…, sau đó sang Lào và chuyển lên vùng Tây Bắc lập căn cứ tại Mường Thanh (Điện Biên).
Cùng thời gian đó, tại Mường Thanh xuất hiện giặc Phẻ từ phương Bắc tràn xuống, cướp phá, giết hại dân lành. Chúng cướp phá khắp nơi. Hoàng Công Chất đã phối hợp với các thủ lĩnh người dân tộc đánh tan giặc Phẻ.
Sau khi giải phóng Mường Thanh, Hoàng Công Chất tính đường cố thủ lâu dài để chống lại triều đình dưới xuôi và chống ngoại xâm. Ông quyết định xây dựng đền Chiềng Lề (nay gọi là Thành Bản Phủ, thuộc xã Noọng Hẹt – Điện Biên).
Thành Bản Phủ một kỳ công của Hoàng Công Chất. Thành rộng 80 mẫu, dựa lưng vào dòng sông Nậm Rốm, có đường thành đắp bằng đất trồng tre gai đem từ Thanh Hóa lên vây kín, bên ngoài có hào rộng từ 4 – 5 m, sâu 10 m, cao 5 m, mặt thành rộng 4- 6 m.
Thành có 4 cửa. Ở mỗi cửa có đắp đồn cao, có vọng tiêu là nơi lính đóng. Ở đây Hoàng Công Chất cho đào tới 133 giếng và ao để trữ nước cho quân lính dùng. Giữa thành có phủ là nơi các thủ lĩnh nghĩa quân đóng.
Trong khoảng thời gian từ 1754 – 1769, Hoàng Công Chất đã biến Mường Thanh thành khu trung tâm văn hóa, chính trị của đất Tây Bắc. Ông chia ruộng đất cho dân, bảo vệ dân, duy trì an ninh trật tự trong vùng.
Đặc biệt, ông còn giúp giữ yên bờ cõi của Tổ quốc, tránh được nạn xâm lăng của người Miến vào những năm 1753 – 1765 đô hộ toàn bộ vương quốc Luông Pha Băng và uy hiếp an ninh của vài nước xung quanh trên bán đảo Đông Dương.
Ngoài ra, ông còn khống chế được những cuộc nhũng nhiễu, lấn đất, cướp bóc của bọn giặc cỏ từ phương Bắc tới. Đồng thời, ông tổ chức quân lính để chống lại triều đình nhà Lê đã thối ruỗng.
Năm 1767, Hoàng Công Chất mất, con trai là Hoàng Công Toản lên thay tuy nhiên nhanh chóng trước các cuộc tấn công của triều đình.
Để tỏ lòng biết ơn người anh hùng áo vải lập nhiều chiến tích oanh liệt, nhân dân Mường Thanh đã lập đền Hoàng Công Chất. Đền thờ gắn với thành Bản Phủ trở thành một địa điểm tín ngưỡng linh thiêng.
Hàng năm, lễ hội thành Bản Phủ – đền Hoàng Công Chất được tổ chức quy mô lớn trong 2 ngày là 24 – 25/2 âm lịch.