Mạc Đăng Dung (Mạc Thái tổ) là người tạo dựng nên vương triều nhà Mạc, nhưng sau ông, người có công lớn nhất trong việc gánh vác giang sơn triều Mạc lại là một người không ngồi trên ngai vàng – đó là Mạc Kính Điển – con thứ ba của Mạc Đăng Doanh. Khi mới sinh ông hay ốm đau, sài đẹn, nhưng sau này lại là một dũng tướng, một nhà chính trị thao lược tài ba.
Mạc Đăng Dung chỉ ở ngôi 3 năm thì nhường cho con là Mạc Đăng Doanh, còn mình làm Thượng hoàng và mất khi mới 59 tuổi. Mạc Đăng Doanh làm vua được 10 năm thì bị bệnh chết. Con trưởng là Mạc Phúc Hải lên làm vua và cũng chỉ ở ngôi được 5 năm thì mất. Triều đình nhà Mạc bắt đầu xảy ra chuyện tranh giành ngôi vị.
Mạc Kính Điển được anh là Mạc Phúc Hải gửi gắm phò trợ con thơ còn nhỏ tuổi là Mạc Phúc Nguyên lên nối ngôi. Nhưng giữa triều, Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi lên tiếng: “Hiện nay trong lúc thiên hạ rối loạn, triều đình nên lập vua lớn tuổi để điều hành. Người đó phải là con thứ của Thái tổ tức Hoằng Vương Chính Trung, người đã nhiều phen cầm quân chinh chiến”. Mạc Kính Điển cùng các tướng Nguyễn Kính, Lê Bá Li không nghe, vẫn tuân theo di chiếu của vua trước, tôn Mạc Phúc Nguyên lên làm vua.
Phạm Tử Nghi bất mãn bèn cùng Mạc Chính Trung khởi loạn. Chính Trung tự xưng tôn hiệu và được một số quần thần đi theo, lực lượng khá hùng mạnh, đánh vào kinh đô. Triều đình phải đưa Mạc Phúc Nguyên đi lánh nạn. Mạc Kính Điển và Nguyễn Kính khởi binh đánh Phạm Tử Nghi, ban đầu bị thất thế, nhưng sau đó tập trung được các đạo quân thủy bộ, tấn công làm quân của Phạm Tử Nghi tan vỡ. Mạc Chính Trung và bộ sậu chỉ còn hơn một trăm người chạy sang Khâm Châu và Quảng Đông (Trung Quốc) làm loạn bên đó. Nhà Minh lúng túng đối phó, sai người sang trách cứ nhà Mạc. Mạc Kính Điển cử quân vây ép, Phạm Tử Nghi phải đưa Chính Trung trở lại vùng Yên Quảng. Mạc Kính Điển đem quân bao vây và sai người lừa bắt được Phạm Tử Nghi đem chém. Mạc Chính Trung lại trốn sang Trung Quốc và chết ở đó.
Mạc Kính Điển đã mười phen cầm quân tiến đánh vào Thanh Hoa (Thanh Hóa), căn cứ địa của quân Lê – Trịnh. Ngược lại, Trịnh Kiểm cũng đã sáu phen tiến quân ra Bắc mà kết quả vẫn chưa phân thắng bại. Năm 1551, do mâu thuẫn trong triều, Lê Bá Li đem quân về theo nhà Lê làm cho lực lượng nhà Mạc bị tổn thất nặng nề. Trịnh Kiểm mở cuộc tấn công bao vây, đánh chiếm được kinh thành. Mạc Kính Điển phải bảo vệ đưa xa giá vua an toàn sang sông lánh về Kim Thành (Hải Dương) và ông quay trở lại đốc thúc quân chống cự buộc Trịnh Kiểm phải rút quân về Thanh Hoa.
Năm 1557, Mạc Kính Điển lại đánh phá các nơi ở xứ Nghệ. Quân Trịnh dùng tượng binh tập kích phía sau. Một tướng Trịnh nhảy qua thuyền đâm Mạc Kính Điển, ông nhảy xuống sông thoát chết. Mạc Kính Điển phải lẩn trốn trong hang núi Dân Sơn, nhịn đói suốt ba ngày đêm, sau đó ôm cây chuối xuôi dòng trốn thoát được về. Năm 1562, Mạc Tuyên Tông mất, con là Mạc Mậu Hợp mới 2 tuổi lên nối ngôi. Mạc Kính Điển cử người em út là Mạc Đôn Nhượng làm nội phụ chính giúp lo đỡ việc bên trong để ông tập trung lo việc quân cơ bên ngoài. Tháng 10/1580, Mạc Kính Điển mất.
Sau khi Thái tổ Mạc Đăng Dung mất, Mạc Kính Điển là trụ cột lớn nhất của triều đình nhà Mạc và sau khi ông mất thì không có người thay thế xứng đáng. Ông mất đi nhưng ảnh hưởng của ông đối với người trong nước vẫn còn, người ta nhớ đến ông mà không nhớ Mạc Mậu Hợp. Tuy nhiên, cái chết của Mạc Kính Điển là tổn thất không thể bù đắp với nhà Mạc. Bởi vậy chỉ hơn 10 năm sau khi ông mất, nhà Mạc bị vua Lê – chúa Trịnh đánh bại vào năm 1592..
Lời bàn về Mạc Kính Điển
Việc nhà Mạc thay thế nhà Hậu Lê không còn đủ năng lực và bị thiên hạ chán ghét khi đó là tất yếu của sự phát triển của lịch sử. Và nếu dòng họ Mạc không nổi dậy thì các dòng họ thế tộc khác cũng làm điều tương tự trong bối cảnh lúc đó. Theo sử sách, thời Mạc không có một cuộc khởi nghĩa nông dân nào. Điều đó cho thấy nhà Mạc được lòng dân. Mặc dù nắm triều chính chỉ có 66 năm (1527-1593) nhưng nhà Mạc đã để lại nhiều dấu ấn và chứng tích oanh liệt trong lịch sử. Và người có công lao to lớn đối với sự phát triển và tồn vong của nhà Mạc là Mạc Kính Điển. Tài năng, đức độ của Mạc Kính Điển chẳng những khiến người trong triều Mạc tôn kính mà ngay phía đối phương cũng phải nể sợ.
Theo sử cũ thì tuy không một ngày ngồi trên ngai vàng, suốt đời Khiêm vương Mạc Kính Điển đã cúc cung tận tụy giữ cho ba đời vua Mạc đứng vững giữa phong ba bão táp. Cho dù nhà Mạc là kẻ thù không đội trời chung với nhà Hậu Lê, thế nhưng trong sách Đại Việt sử ký toàn thư do các sử gia nhà Lê soạn đều đã thừa nhận rằng: Mạc Kính Điển là người nhân hậu, dũng lược, thông minh, tài trí, nhạy bén, hiểu đời, từng trải nhiều gian nan nguy hiểm, cần lao, trung thành. Còn trong sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn cũng ghi nhận: Mạc Kính Điển là người nhân hậu, linh mẫn, dũng cảm có thừa. Vâng, với cuộc đời của một con người thì có lẽ chẳng còn lời đánh giá tốt đẹp nào hơn được nữa.
Đ.T (Theo Báo Bình Phước)