Những câu nói nổi nhất thời bao cấp: “Cá không ăn muối cá ươn – Chồng cãi lại vợ ra đường bơm xe”

Xưa

Thời nào cũng có những kỉ niệm, những niềm vui riêng. Cho đến thời điểm này, thời bao cấp chỉ là hoài niệm, là kí ức. Thế nhưng, mỗi khi nhắc lại những điều vui vẻ và đặc biệt của thời ấy, người ta vẫn thấy thú vị, vẫn đâu đó sự bồi hồi.

Những câu nói bất hủ thời bao cấp!

Ở thời ấy, người ta có những câu nói cửa miệng bất hủ, mà mỗi khi nhắc lại vẫn khiến không ít người phải bật cười. Có thể nói, Cuối thời kỳ 70, đầu 80, những câu nói này đã đi vào từng nhịp thở của cuộc sống.

  • Cá không ăn muối cá ươn – Chồng cãi lại vợ ra đường bơm xe
  • Hoan hô các cụ trồng cây, mười cây ch.ế.t chín, một cây gật gù/ Chúng mày có mắt như m.ù, mười cây c.h.ết hết, gật gù ở đâu

  • Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi lơ

(Lơ: xe đạp Pơ-giô (Peugeot – Pháp) loại xe đạp cao cấp nhất, một thứ “hàng hiệu” thời bao cấp, hơn hẳn xe đạp Thống Nhất sản xuất trong nước hay Phượng Hoàng (Trung Quốc), nhưng sẽ phải nhường bước trước xe Cúp (Honda Cub) từ Miền Nam mang ra sau 1975)

  • Mặt rỗ đi lơ không bằng lưng gù đi cúp

(Cúp ở đây là Honda Super Cub, là xe máy của hãng Honda Nhật Bản, sản xuất từ năm 1958, và rất thịnh hành ở miền Nam trước năm 1975. Sau 1975, Honda Cub được mang ra ngoài Bắc và trở nên rất được ưa chuộng với các loại “cúp 50” (một chiếc xe máy khác cũng rất nổi là Honda 67). Có Honda Cub để đi thời bao cấp là biểu hiện của “đẳng cấp” và “sang trọng”)

  • Một người làm việc bằng hai, để cho chủ nhiệm mua đài mua xe. Một người làm việc bằng ba, để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân
  • Làm trai cho đáng nên trai, có pha – vơ – rít, có đài giắt lưng
  • Râu dài thì mặc râu dài, có pha vờ rít, có đài đeo hông

(Trong mắt cô gái xưa, chàng trai lý tưởng, “đáng mặt” đàn ông phải có đài (radio) mang theo mình và “pha-vơ-rít” (Favorite – loại xe của Tiệp Khắc cũ). “Pha-vơ-rít” được ví như đồ “hàng hiệu” của dân chơi thời bao cấp.)

  • Đẹp trai thì mặc đẹp trai, cơ quan không tiếp tóc dài quần loe

(Ca dao mô tả một trào lưu xã hội khá cụ thể, cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, có mốt để tóc dài, mặc quàn ống loe trong một số thanh niên, là lối ăn mặc do sinh viên đi du học mang về từ các nước XHCN cũ như Liên Xô, Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc… Mốt này thoạt đầu được coi là “ăn chơi đua đòi”, nên đã có những đội thanh niên cờ đỏ được lập ra để nhắc nhở rồi sau đó xử lý bằng cách cắt tóc, rạch quần loe đối với những ai ăn mặc như vậy.)

  • Bắt cởi trần phải cởi trần, cho may ô mới được phân may ô

(Thời bao cấp, đàn ông được phân phối vải, giày dép và đôi khi cả áo may ô. Từ đó, dân gian có câu than rằng: “Bắt cởi trần phải cởi trần, cho may ô mới được phần may ô”.)

  • Xe không phanh mời anh đứng lại/Không đứng lại làm hại người ta/Mất tí da là ba đồng sáu/ Mất tý máu là sáu đồng tư/ Mất tý gân là gần chục bạc

(Đồng dao vui thời bao cấp, hầu như em nhỏ nào cũng thuộc, thời những chiếc xe thồ “cà tàng” không phanh, thường dùng dép đạp vào lốp để phanh xe)

  • Đầu đội áp suất/ Chân đi bàn là/ Trông xa cứ tưởng là ma/ Lại gần thì hóa đi Nga mới về

(“Thần tượng đi tây thời bao cấp” – những người sang nước ngoài học tập và làm việc. Khi đi, họ chỉ mang vật dụng gọn nhẹ, đơn giản. Khi về, họ xách đủ vật dụng lỉnh kỉnh – hàng “hot” thời bao cấp như: bàn là, nồi áp suất…)

  • Cứng như mo nang/ Nhọn ngang tên lửa

(Mô tả hài hước áo nịt ngực (coóc-xê) của phụ nữ thời bao cấp. Lúc ấy chưa có áo lót với mút may sẵn. Áo lót được may ở các hiệu may, độn nhiều vải cho cứng, nhọn là mốt một thời)

  • Bụng to trấn hơi/ Hay nói ba hoa/ Đi xe Volga/ Ăn gà Tôn Đản

(Mô tả hài hước một cán bộ cỡ trung, cao cấp có tiêu chuẩn ô tô riêng (xe Volga của Liên Xô), và có chế độ phiếu thịt ở cửa hàng mậu dịch dành cho cán bộ cấp cao trên phố Tôn Đản, Hà Nội)

  • Chồng già thì mặc chồng già, có phiếu Tôn Đản, có nhà ở riêng

(Ám chỉ những người phụ nữ vật chất, cưới những ông chồng già tuổi cha tuổi chú, chỉ cần có phiếu thịt ở Tôn Đản – dành cho cán bộ cấp cao, có nhà ở)

  • Có vợ mà cho đi Tây, như xe không khóa để ngay bờ hồ

  • Miếng thịt nó bịt cái mồm
  • Ban ngày cả nước lo việc nhà, ban đêm cả nhà lo việc nước
  • Thủ kho to hơn thủ trưởng

Chỉ từ những câu nói trên, hy vọng bạn đã hồi tưởng một chút về thời bao cấp – thời mà mọi người đều nghèo khó, nhưng niềm vui luôn đầy ắp!