Những dân “anh chị” khuấy đảo Hà Nội xưa

Xưa
Dân “anh chị” ở Hà Nội đầu thế kỷ 20 mở rộng địa bàn bằng cách đánh nhau, không chỉ dân “anh chị” người Việt đánh nhau mà có khi bọn họ còn “chiến” cả Tây để lấy số má.

Gái Hàng Khoai, trai Hàng Lược

Năm 1889, Hội đồng thành phố Hà Nội cho lấp sông Tô Lịch làm chợ Đồng Xuân thay cho chợ Cầu Đông đã quá chật hẹp. Và thôn Huyền Thiên cạnh đó trở thành phố Hàng Khoai.

Khi chưa xây, chợ Đồng Xuân họp ở khoảng đất rộng, có rào tre quây xung quanh để thu thuế người vào bán hàng. Hàng Khoai cũng thành nơi bán lá thuốc và các mặt hàng tiêu dùng vặt vãnh.

Rồi Đồng Xuân được xây cất bằng khung sắt. Vì thuế là nguồn thu quan trọng cho ngân sách thành phố nên chính quyền cho họp hàng ngày và họp theo phiên. Vào phiên, bà con ngoại thành mang nông sản vào bán ngồi tràn ra cả Hàng Khoai.

Những dân "anh chị" khuấy đảo Hà Nội xưa - Ảnh 1.

Phố Hàng Khoai , gần chợ Đồng Xuân đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu.

Ngày 23 tháng Chạp, chợ hoa họp ở cửa chợ Đồng Xuân kéo sang cả Hàng Khoai. Kẻ mua người bán choán hết cả con đường nhỏ che chắn các cửa hàng khiến các bà, các cô ngồi sạp bực tức, thế là họ mắng mỏ, xua đuổi. Và phiên chợ nào cũng xảy ra những chuyện như vậy nên hình ảnh không đẹp về các cô bán hàng lan truyền trong dân đi chợ.

Tuy nhiên giọt nước tràn ly chính là hai người đàn bà tai tiếng là Tư Đòn và Voi Xanh. Cả hai sống ở Hàng Lược nhưng đất làm ăn lại ở Hàng Khoai.

Mụ Voi Xanh chỉ huy lũ đàn em thuê trọ ở ngõ Hàng Khoai chuyên móc túi và ăn cắp đồ của dân đi chợ phiên. Ai tố cáo, Voi Xanh sai đàn em xông vào đánh nhừ tử. Và câu “Gái Hàng Khoai” truyền từ người này sang người khác.

Vì sao có câu “Trai Hàng Lược”? Năm 1898, người Pháp cho làm cầu Long Biên nên Hàng Lược gần các gầm cầu dẫn.

Dân lang bạt tứ chiếng tụ tập ở các khoang gầm cầu này. Ít nhất có ba gã trùm du côn sống ở Hàng Lược gồm: Tư Đậu, Năm Bông và Ba Lập Lờ. Bọn họ tác oai tác quái ở bến tầu thủy, bến Nứa và xung quanh chợ Đồng Xuân.

Dưới trướng ba gã có lũ đàn em sống ở gầm cầu. Ai thuê đánh nhau thì cả bọn mang gậy gộc đi chiến, có khi ngứa mắt ai đó bọn này cũng sai đàn em ra tay. Thi thoảng du côn Hàng Lược ra đánh nhau với du côn phố Chợ Gạo do gã tên là Khuể cầm đầu.

Khuể bảo kê cánh buôn gạo ở khu vực này. Có đêm hai bên dàn trận ở Cột đồng hồ (đường Trần Nhật Duật ngày nay) đánh nhau bằng gây gộc, xà beng gây náo loạn hàng phố. Để chỉ sự hung hãn, côn đồ của bọn này, dân quanh vùng gộp lại thành câu “Gái Hàng Khoai, trai Hàng Lược”

Bảo kê cô đầu Khâm Thiên

Đầu thế kỷ 20, Hàng Giấy vẫn đông đúc các quán trù. Ban đêm, phố nhộn nhịp, xe tay đưa đón khách, thỉnh thoảng lại xảy ra chuyện ghen tuông nên chính quyền đã để mắt. Năm 1915, cảnh sát Hà Nội lập bót Hàng Đậu.

“Dân chơi” đến ca quán thấy cảnh sát Tây lững lững cũng ngại nên các ca quán ngày càng vắng khách. Rồi nhà đất ở Hàng Giấy tăng cao kéo tiền thuê nhà cũng cao, nhiều ca quán không kham nổi đã tìm vị trí xa trung tâm. Và Thái Hà là địa điểm được lựa chọn. Thái Hà thuộc tỉnh Hà Đông nhưng sát ngay Hà Nội, thuận tiện việc đi lại và tiền nhà cũng rẻ nên các ca quán ùn ùn về đây thuê.

Tuy nhiên các ca quán bị tên Tiến, con trai Trần Vương, một trùm du côn khét tiếng khu vực này quấy phá. Gã chọc ghẹo ả đào, đòi tiền bảo kê các quan viên và gây sự với khách.

Lúc này phố Khâm Thiên mới hình thành, có khá nhiều nhà xây, vì thế một số nhà hát đã chuyển sang Khâm Thiên, nhờ Cửu Khê và Bát Chắm che chở.

Bát Chắm là lý trưởng làm nghề bán thuốc đông y điều kinh, ông ta có mối quan hệ rộng và có nhiều tay chân. Cửu Khê là tay anh chị có tiền. Hai người này có công mở mang phố Khâm Thiên bằng cách bỏ tiền mua đất giá rẻ làm nhà cho thuê.

Việc xuất hiện các ca quán đã làm tăng giá nhà đất ở phố này nên Bát Chắm và Cửu Khê tung đàn em bảo vệ vì thế các quan ca trù được yên ổn làm ăn.

Hỗn chiến rằm Trung thu

Đã là dân “anh chị” kẻ nào cũng muốn mở rộng địa bàn và cách hiệu quả nhất là đánh nhau. Vào Tết Trung thu, đây là dịp kiếm ăn nên bọn họ đứng ra tổ chức múa sư tử và múa rồng. Đạo cụ được chở trên nhiều xe bò nhưng xe cuối cùng bao giờ cũng là “chiến cụ” gồm: Xà beng, xẻng, cuốc, dao gậy tre…nếu bị đám khác cướp địa bàn là tất cả nhanh chóng lấy “chiến cụ” lao vào đánh đuổi.

Đám du côn đi múa ăn mặc như phưởng tuồng, lại có bọn mặc giống như Lương Sơn Bạc để ra oai. Vì sao bọn họ lại có hoạt động văn hóa này? Dưới danh nghĩa múa sư tử, chúng cho đàn em chặn trước cửa hàng, đánh trống và múa cho đến khi chủ cho tiền mới đi.

Rồi chúng sang cửa hàng khác, lại đánh trống, lại múa, lại vòi tiền,hết phố này thì chuyển sang phố khác. Với các nhà buôn lớn ở khu vực phố cổ, chủ treo tiền thưởng rất to ở trên cao, các nhóm tranh nhau múa và không bên nào chịu bên nào sẽ đến choảng nhau. Hai nhóm sứt đầu mẻ trán cùng rút lui cuối cùng nhóm thứ ba hưởng lợi.

Không chỉ dân “anh chị” người Việt đánh nhau mà có khi bọn họ còn chiến cả Tây để lấy số má. Một lần nhóm Ba Sinh và cánh lính nhà thuốc (tức là binh lính làm trong xưởng công binh của Pháp) đưa đơn lên đốc lý thành phố xin phép đánh nhau tại bãi Đồng Nhân (trên bờ sông Hồng). Đốc lý đã đồng ý và hứa sẽ cho lính khố xanh và đội xếp đến giữ trật tự.

Đến giờ giao chiến, hai bên lôi đinh ba, mã tấu, xẻng, cuốc, chiêng, trống và cả những cỗ quan tài ra “chiến trường”. Khi hai bên dàn trận thỉ quan Tây ra lệnh cho hàng trăm lính khố xanh bao vây, bắn súng chỉ thiên bắt gọn người của hai phe, tịch thu hết chiến cụ và quan tài. Sở cẩm phạt mỗi tên một món tiền, tịch thu đồ đạc đem bán đấu giá.

Trong nửa đầu thế kỷ 20 Hà Nội, hầu như khu vực nào cũng có dân “anh chị”. Bãi Phúc Xá có Lẫm, Đức Lùn, Hai Ổi; khu vực Trần Quí Cáp có Ba Sinh; phố Khâm Thiên có Phúc Đen…Báo chí biết nhưng không dám viết vì sợ bọn chúng trả thù nên những chuyện về dân “anh chị” sau năm 1954 mới được mọi người kể lại.

*Bài viết được tác giả khảo cứu qua nhiều tài liệu, tác phẩm viết về Hà Nội.

Theo Danviet