Trong cuốn “Ngô Quyền và các danh tướng trong trận Bạch Đằng lịch sử”, tác giả cho biết góp phần vào chiến thắng lững lẫy trên sông Bạch Đằng năm 938 có công sức của tướng Lã Tá Đường, người sau này trở thành một sứ quân thời loạn.
“Ngô Quyền và các danh tướng trong trận Bạch Đằng lịch sử” do tác giả Lê Thái Dũng biên soạn. Cuốn sách viết về chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền và các tướng lĩnh của ngài… Trong cuốn sách, tác giả dành một phần để nói về tướng Lã Tá Đường.
Các tư liệu để lại cho thấy Lã Tá Đường tên thật là Lữ Minh (hoặc Lã Minh) tên tự là Vinh Thuận, người quê Bắc Ninh. Từ nhỏ Lữ Minh đã nổi tiếng học giỏi. 18 tuổi ông đã nổi tiếng võ nghệ, am tường binh thư.
Khi tướng Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết để cướp quyền, Ngô Quyền từ Ái Châu mang quân ra Bắc để diệt trừ tên phản thần. Lúc đó, Lữ Minh- Lã Tá Đường còn trẻ nhưng rất hăng hái tham gia, ông tự đứng ra chiêu mộ dân binh rồi tìm đường vào Ái Châu gặp Ngô Quyền.
Được Lữ Minh và các hào kiệt giúp sức, Ngô Quyền giết chết Kiều Công Tiễn. Với công lao của mình, Lữ Minh được Ngô Quyền khen ngợi và phong làm tướng quân.
Tại trận Bạch Đằng lịch sử, tướng Lữ Minh được lệnh mang một cánh quân nhanh chóng tiến vào cửa sông Bạch Đằng phối hợp cùng lực lượng khác huy động dân chúng địa phương thực hiện kế hoạch đã định sẵn.
Khi chiến thuyền của quân Nam Hán tiến vào sông Bạch Đằng, quân ta dùng thuyền nhỏ ra khiêu chiến, giả thua, quân giặc mắc bẫy đuổi theo bị dẫn vào trận địa cọc ngầm được bố trí sẵn. Khi thủy triều rút, thuyền của giặc bị mắc cạn và cọc đâm thủng. Lữ Minh chỉ huy một đạo quân chủ lực từ chỗ mai phục tiến nhanh ra đánh, thuyền giặc cái bị chìm, cái bị đốt…
Sau chiến thắng, Ngô Quyền lên ngôi vua, các tướng có công trong đó có Lữ Minh được ban quan tước. Khi Ngô Quyền mất, cục diện rối ren hình thành 12 sứ quân trong đó Lã Đường xưng Lã Tá Công chiếm cứ Tế Giang (Văn Giang).
Như vậy, trong số 12 sứ quân, nhân vật có tên gọi là Lã Đường tự xưng là Lã Tá Công chính là Lữ/Lã Minh hay Lã Tá Đường, Lã Đại Liệu.
Khi Đinh Bộ Lĩnh phất cờ dẹp loạn, thống nhất đất nước không thấy sử sách chép gì về việc đánh dẹp sứ quân Lã Tá Đường. Tuy nhiên, theo một số tư liệu tài, ông mất năm Đinh Mão (967).
Sau khi ông qua đời, người dân một số nơi đã lập đền thờ tự, được các triều đại phong kiến sau này ban sắc phong làm Đại Vương, Thượng đẳng Phúc thần. Ngoài đình Cự Chính (Hà Nội), đình Phụng Công (Hưng Yên), một số di tích khác cũng thờ phụng Lã Tá Đường…