Nữ tướng Bùi Thị Xuân (?-1802) quê thôn Xuân Hòa, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn (nay thuộc thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Từ khi còn trẻ, bà đã nổi tiếng xinh đẹp, khéo tay, viết chữ đẹp, giỏi kiếm thuật, bắn cung, cưỡi ngựa và đặc biệt là kỳ tài luyện voi đánh trận.
Sau khi phong trào nông dân Tây Sơn bùng nổ năm 1771, Bùi Thị Xuân cùng chồng là Trần Quang Diệu nhanh chóng trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong công cuộc dựng nghiệp của nhà Tây Sơn. Sau này, chồng bà được phong Thiếu phó, còn bà trở thành Đô đốc của nghĩa quân.
Nhờ tài năng quân sự xuất chúng, cộng với lòng dũng cảm, bà lập được nhiều chiến công, trở thành nữ tướng kiệt xuất của nghĩa quân Tây Sơn, với tư cách là người chỉ huy đội tượng binh dũng mãnh.
Tương truyền mỗi khi ngọn cờ thêu bốn chữ “Tây Sơn nữ tướng” giương cao ở bất kỳ nơi đâu, quân giặc ở đó khiếp đảm bỏ chạy giẫm đạp lên nhau mà chết. Chính Nguyễn Huệ cũng thừa nhận bà rất xứng đáng với danh xưng đó và còn ban tặng cho Bùi Thị Xuân thêm bốn chữ “Cân quắc anh hùng” – bậc nữ lưu có khí phách.
Trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút (tháng 1.1785), Bùi Thị Xuân đã chém bay đầu tướng Xiêm là Lục Côn.
Voi chiến quân Tây Sơn – nỗi khiếp đảm của giặc phương Bắc. Ảnh: Bảo tàng quân sự Việt Nam.
Theo sách Võ nhân Bình Định, trước khi gia nhập nghĩa quân Tây Sơn, nhờ tài cao, chí lớn, cộng với sự ủng hộ của phụ thân, nữ tướng hội tụ được dưới trướng của mình nhiều nữ quân. Bà mua được hai con voi ngà tại vùng Tây Sơn. Sau khi đã tập luyện thuần thục, bà thường cưỡi voi đi săn tại các khu Đồng Sim, Đồng Trăng, Thuận Ninh.
Có giai thoại kể rằng một hôm, đang cưỡi voi đi săn ở Đồng Sim, bà nghe tiếng voi kêu thét đau thương. Tới nơi, Bùi Thị Xuân thấy con voi trắng ngà dài đến hai thước đang bị con trăn to quấn chặt bốn chân.
Tiếng voi thét yếu dần lẫn trong tiếng thác nước ầm ầm. Lập tức, Bùi Thị Xuân bắn ngay mũi tên vào mắt con trăn. Đau quá, trăn bỏ mồi quăng mình tấn công bà.
Bà phóng ngay ngọn lao vào miệng đang há của trăn. Ngọn lao xuyên thấu đầu và ghim chặt trăn vào gốc cây. Quá đau, con trăn quấn chặt thân cây siết mạnh. Cây đổ, trăn duỗi mình chết. Con voi trắng đứng lên rồi quỳ gối gục đầu trước bà.
Biết rõ đặc tính của voi, Bùi Thị Xuân hiểu con vật tạ ơn và thuần phục, bà vỗ lên đầu nó rồi nói một cách thân ái: “Bạch tượng, từ đây chúng ta sẽ trở thành bạn thân nhé!”. Con voi trắng đưa vòi cạ vào vai Bùi Thị Xuân rồi đứng dậy vươn vòi thét lên mấy hồi.
Từ phía xa, tiếng chân chạy rầm rập, cây rừng xào xạc, rồi một đàn voi xuất hiện xung quanh bạch tượng. Sau tiếng thét dài của bạch tượng, đoàn voi đồng loạt quỳ xuống, co vòi như hành lễ bái kiến Bùi Thị Xuân.
Đàn voi theo bà về làng. Bà thường đem trên 10 con voi ra tập trận tại gò Xuân Hòa nên nhân dân địa phương còn gọi là gò Tập Voi.
Sau khi Tây Sơn khởi nghĩa, các sắc dân miền núi đem tặng nhiều thớt voi nữa, đàn voi có trên trăm con. Quản tượng đa số là nữ binh, chỉ có một vài nam binh điều khiển khi tập luyện.
Để điều khiển, bà thường dùng ngọn cờ đỏ có cán dài. Khi bà chưa ra thao trường, voi đi lại lộn xộn. Lúc nữ tướng xuất hiện, con voi đầu đàn vội chạy lại đứng nghiêm chỉnh trước mặt, chân trước co lên.
Bà nhảy lên, chân điểm nhẹ trên đầu gối voi rồi tung mình vút lên lưng con vật. Được vỗ nhẹ hai cái trên đầu, con voi đầu đàn rống lên một tiếng dài. Cả đàn răm rắp chạy đến xếp hàng ngay ngắn trước mặt voi đầu đàn. Bà dùng cờ phất ngang, dọc, trước sau để điều khiển đàn voi tiến tới, rẽ sang phải, sang trái, tới, lui, nhịp nhàng đều đặn.
Khi tập voi đánh trận, ban đầu, bà tập từng thớt một. Mỗi thớt có một nữ quản tượng, khi thuần thục rồi mới tập thành đoàn. Khi đó, nữ quản tượng nào đi kèm voi nấy. Hàng ngũ chỉnh tề rồi, các nữ quản tượng mình mặc áo quần gọn gàng, đầu chít khăn đỏ, theo lệnh phất cờ đồng một lượt nhảy vút lên mình voi.
Cờ hiệu được tung lên, khi nam, khi bắc, lúc tả, lúc hữu. Cờ hiệu phất cao, buổi diễn tập chấm dứt, đoàn voi lại xếp hàng ngay ngắn và nữ quản tượng nhảy xuống cũng lẹ làng, nhịp nhàng với những nụ cười xinh tươi đắc ý.
Sau này, khi vua Quang Trung qua đời, vợ chồng Bùi Thị Xuân vẫn hết lòng phò tá vua Cảnh Thịnh cho đến khi vương triều Tây Sơn sụp đổ, gia đình bà bị bắt và bị Nguyễn Ánh trả thù.
Giáo sư sử học Nguyễn Khắc Thuần từng đánh giá: “Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và lịch sử quân sự Việt Nam nói chung, Bùi Thị Xuân là một hiện tượng rất đặc biệt. Cùng với chồng và hàng vạn các nghĩa sĩ Tây Sơn, bà đã đi suốt cuộc trường chinh ba chục năm trời, anh dũng chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, một lòng dạ vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Từ một phụ nữ bình thường, Bùi Thị Xuân đã trở thành danh tướng được đời đời kính trọng…”.