Những ngày đầu tháng 10 năm 2020, khi người dân Hà Nội triển khai các hoạt động kỷ niệm ngày bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô, tự nhiên tôi lại nhớ về những ngày gia đình tôi ở phố Hàng Lọng (nay là đường Lê Duẩn).
Một gia đình làm lọng và thêu tay ở phố Hàng Lọng xưa
Kể cũng khó giải thích vì sao vào những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 1954 ấy, khi tôi mới chỉ có 3 – 4 tuổi mà bao nhiêu năm sau, cho đến tận bây giờ vẫn nhớ hình ảnh hàng ngày những chuyến tàu hỏa chở xe tăng, súng pháo lớn phủ bạt chạy ầm ầm qua quãng đường sắt trước cửa nhà tôi. Sau này lớn lên tôi mới biết, đó là những chuyến tàu chở vũ khí của quân Pháp kéo xuống tập kết ở cảng Hải Phòng để đưa về nước trước ngày bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô! Và rồi sau ngày ấy, bố mẹ tôi cũng quyết định bỏ phố về quê ở để tránh bị một số người suốt ngày đến dụ dỗ, quấy nhiễu, thậm chí thúc ép di cư vào Nam!
Phố Hàng Lọng xưa trong ký ức của tôi cho đến bây giờ chỉ có như thế! Tuy nhiên, lớn lên, đi học, đi bộ đội, đi làm, với đặc thù công việc của nghề làm báo, tôi đã “lọ mọ” tìm hiểu thì mới biết vì sao bố tôi, vốn làm nghề thợ may ta, đã chọn cho gia đình ở một con phố khá đặc biệt như thế!
Theo các tư liệu lịch sử, phố Hàng Lọng xưa (nay là đoạn đầu của đường Lê Duẩn đến ngã tư phố Khâm Thiên, có thời gian gọi là đường Nam Bộ) được xây dựng trên nền đất thuộc các thôn: Vĩnh Xương, Nam Môn, Hoa Ngư, Tứ Mỹ, là con đường cái quan dẫn các vị quan từ các tỉnh “thượng kinh” vào cửa Nam của kinh thành. Có lẽ vì thế ở đoạn phố này có nghề làm lọng để phục vụ các quan dùng.
Phố Hàng Lọng cũng có một cái tên khác là “Hàng Tàn” thể hiện qua câu ca dao cũ: “Qua Hàng Thợ Nhuộm thẳng dong Hàng Tàn”. Thật ra, “Tàn” hay “Tán” đều là vật dụng che mưa nắng, không khác mấy với nghĩa “Lọng”.
“Lọng” được sách “Việt Nam tự điển” của Hội Khai trí tiến đức (1931) định nghĩa là “Đồ hành nghi, làm bằng tre, phất giấy dùng để che cho các quan nên cái lọng được biểu trưng cho sự danh giá”. Chẳng thế mà ca dao có câu:
Làm nên quan thấp, quan cao/ Làm nên lọng tía, võng đào nghênh ngang.
Khung lọng làm bằng tre nứa với kết cấu có thể xòe cụp dễ dàng, lợp bằng loại giấy dai và bền rồi quét sơn ta lên để chống thấm nước rất tốt. Tất cả được sơn vẽ bằng màu sắc và họa tiết làm nên sự sang trọng theo thẩm mỹ đương thời.
Nghề làm lọng ở nước ta bắt đầu từ thời Lê – Mạc. Ngày xưa, việc đi lại hằng ngày hay công cán của vua quan đều sử dụng lọng. Tùy theo cấp bậc của quan mà chuyến đi công cán sẽ được bố trí bao nhiêu lọng và có màu sắc gì. Có một bức ảnh tư liệu lịch sử cho thấy quan Tổng đốc Hà Nội được che 4 chiếc lọng.
Do lọng khá kềnh càng nên việc che mưa nắng về sau này được thay bằng những chiếc ô hay dù gọn nhẹ hơn nhưng chiếc lọng thì vẫn không thể thay thế được trong những đám rước lễ hội, các lễ nghi cúng tế mang đậm tín ngưỡng dân gian. Lọng cũng vẫn được bày dựng trong các đình, đền, miếu như một thứ đồ tế tự trang trọng không thể thiếu. Chính vì vậy mà nghề làm lọng vẫn tồn tại đến bây giờ, nhất là ở cố đô Huế.
Ngày nay, nhắc đến phố Hàng Lọng ít ai còn nhớ đây từng là con phố với nghề làm lọng và nghề thêu tay truyền thống nổi tiếng một thời, tập trung nhiều nghệ nhân thêu – chủ yếu đến từ Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ.
Ở Phố Hàng Lọng trước đây từng có đền thờ ông tổ nghề lọng, thêu là Lê Công Hành. Lê Công Hành, tên thật là Trần Quốc Khái, người xã Quất Động, tổng Bình Lăng, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ (nay là thôn Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội), đỗ tiến sĩ đời vua Lê Chân Tông (1643- 1649). Ông sinh ngày 18/1 năm Bính Ngọ (1606), mất ngày 12/6 năm Tân Sửu (1661), thọ 56 tuổi. Chính vì vậy, ngày giỗ Lê Công Hành 12/6 âm lịch hàng năm được xem là ngày giỗ ông tổ nghề lọng, thêu.
Tên phố Hàng Lọng được cho là xuất hiện vào khoảng cuối triều Lê đầu triều Nguyễn và đã qua nhiều lần đổi tên. Thời Pháp, phố này được gọi là đường Quan Lộ (Route Mandarine), sau đó lại đổi tên là đường De Lattre de Tassigny (tên vị tướng Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam) nhưng người ta vẫn goi là phố Hàng Lọng, kể cả trên các các loại giấy tờ giao dịch. Giấy khai sinh của tôi và mấy anh chị tôi là một minh chứng.
Sau năm 1954, chính quyền Hà Nội đổi tên phố Hàng Lọng thành đường Nam Bộ bởi đây là con đường có ga Hà Nội, nơi xuất phát của các chuyến tàu vào Nam. Cái tên đường Nam Bộ kết hợp với các địa danh khác quanh khu vực như Công viên Thống Nhất, đường Giải Phóng, đảo Hòa Bình (trong Công viên Thống Nhất)… đã tạo thành một quần thể địa danh thể hiện khát vọng thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta thời đó.
Năm 1988, để tưởng nhớ Tổng Bí thư Lê Duẩn sau khi ông qua đời, chính quyền Hà Nội quyết định nhập đường Nam Bộ và phố Kim Liên thành đường Lê Duẩn bắt đầu từ đường Điện Biên Phủ đến ngã tư đường Giải Phóng – Đại Cồ Việt, dài 2.600m. Đây là một đường phố chính ở cửa ngõ phía nam Hà Nội, có tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy song song.
Đoạn đầu phố Hàng Lọng gần nhà bố mẹ tôi ngày xưa có hai công trình kiến trúc từ thời Pháp khá đặc biệt mang dấu ấn lịch sử qua các thời kỳ của con phố nhỏ.
Công trình thứ nhất là tòa nhà của nhà máy in Taupin ở góc đường Nam Bộ – Nguyễn Thái Học. Đây là một trong hai nhà in lớn nhất của người Pháp ở Đông Dương trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Để phục vụ chính quyền cách mạng in tiền mới, tháng 11/1945, nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện đã bỏ ra một khoản tiền lớn mua lại nhà in này hiến tặng cho Chính phủ. Chính tại nơi đây, những tờ giấy bạc đầu tiên của nhà nước Việt Nam mới đã ra đời. Những năm hòa bình ở miền Bắc, tòa nhà này trở thành cửa hàng Bách hóa số 5 Nam Bộ (vì ở nhà số 5) – một cửa hàng bách hóa nổi tiếng phong phú và đa dạng của thủ đô thời bao cấp, chỉ sau Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền. Khi nhà nước xóa bỏ chế độ tem phiếu, cửa hàng Bách hóa số 5 Nam Bộ được chuyển về Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và trở thành siêu thị mang tên Hapro Mart. Vào dịp này năm 2019, trên nền đất của siêu thị Hapro Mart đã khánh thành một tòa tháp hoành tráng được UBND thành phố Hà Nội trao Giấy chứng nhận công trình tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Đó là tòa tháp DOJI Tower của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, cao 16 tầng và có 3 tầng hầm; trong đó từ tầng 1 tới tầng 5 được thiết kế trở thành Trung tâm Vàng bạc đá quý và trang sức với không gian hiện đại.
Còn chếch phía bên kia đường trước cửa nhà bố mẹ tôi ngày xưa là chợ Cửa Nam – một cái chợ có lịch sử khá lâu đời ở đất Kẻ Chợ. Theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú thì chợ Cửa Nam là 1 trong 8 chợ lớn của Thăng Long từ thế kỷ thứ XVIII. Đến những năm cuối thế kỷ XIX, chợ Cửa Nam cùng với một số chợ khác ở Hà Nội được xây cổng, làm cầu chợ với mái che chắc chắn. Cách đây 10 năm, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chợ Cửa Nam với cổng và mái chợ thấp lụp xụp đã bị đập bỏ để thay bằng một Trung tâm thương mại vẫn mang tên Chợ Cửa Nam có quy mô 13 tầng nổi, 4 tầng hầm nhưng nghe nói sức mua bán bị suy giảm đi rất nhiều so với trước kia.
Đúng là “thế gian biến cải, vũng lên đồi”…! Tuy nhiên, chỉ mỗi đoạn đường sắt cắt qua quãng phố Hàng Lọng trước cửa nhà bố mẹ tôi ngày xưa thì có lẽ hơn 100 năm nay vẫn không có gì thay đổi kể từ khi tuyến đường tàu hỏa Hà Nội – Hải Phòng được xây dựng năm 1901 và chính thức khai thác ngày 16/6/1902!
NGUYỄN HỮU MÃO