Bí mật của một con sông trong chiến tranh Tống – Việt lần thứ nhất 980/981

Lịch Sử
  1. Giới thiệu chung

Chiến tranh Tống – Việt năm 980/981 là trận đụng đầu lịch sử trực diện đầu tiên, giữa một nhà nước phong kiến nhỏ bé của người Việt ở phương nam với một nước lớn gấp nhiều lần ở ngay biên giới phía bắc. Kết quả là nước nhỏ đã đại thắng. Trong trận đó toàn bộ bộ tướng của quân Tống bị đánh tan. Tên chủ tướng là Hầu Nhân Bảo cùng hai tên tướng khác bị giết ngay tại trận, bắt sống được hai tên khác, có 2 tên về đến nước Tống thì bị tử hình, 1 tên bị giam vào ngục tối,  các tên còn lại đều bị giáng chức và sau đó ít lâu thì ốm chết [1]. Trong ba vạn quân Tống xâm lược năm ấy, phần nhiều phải bỏ xác lại ở nước Việt, chỉ còn một số ít chạy về được. Sau trận này các bậc tiền bối còn để lại một bài thơ giữ nước nổi tiếng, đó là bài “Sông núi nước Nam, Vua nam ở ” mà ngày nay được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.

Thắng lợi lớn là vậy, nhưng ngày ấy chưa có người chép sử, cho nên các sử liệu sau này đã để lại một số thông tin không chính xác hoặc trái ngược nhau. Chẳng hạn, trong di chúc năm 1300  của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn thì chỉ nhắc đến việc xây dựng tòa thành Bình Lỗ [2].  Còn các sách cổ sử thì chỉ chép về  một trận đánh lớn ở trên một con sông. Riêng về vị trí, hình dạng và kích thước của thành Bình Lỗ đã được giới thiệu trong báo cáo nghiên cứu của Hôi đồng Họ Lê Việt Nam [3]. Trong bài này sẽ đi sâu khám phá bí mật của con sông ghi trong các sử liệu cổ, nhờ nó mà đã dẫn đến chiến thắng quân Tống năm 981.

  1. Trận phá Tống trên sông năm 981 qua sử liệu

Có nhiều sách cổ sử chép về trận phá Tống trên sông vào năm 981. Ở Việt Nam có các sách sau:

–         Sách Thiền Uyển Tập Anh (TUTA), xuất bản khoảng năm 1228, trong đó có truyện Đại sư Khuông Việt. Truyện này đã ghi như sau: “Năm Thiên Phúc thứ 1 (981), binh Tống đến quấy nước ta. Vua (Lê Đại Hành) biết rõ việc đó, liền sai Sư (Đại sư Khuông Việt) đến bàn thờ cầu đảo. Quân giặc kinh hãi, rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ” [4].

–         Việt Điện U Linh Tập (VĐULT) xuất bản năm 1329, trong “Bài ký sự tích Sóc Thiên Vương” đã chép “quân Tống tự nhiên kinh hãi, kéo lui đóng ở Chi Giang, lại gặp sóng cả gió to, giao xà nổi dậy, quân đều kinh sợ mà bỏ chạy” [5].

–         Việt Sử Lược (VSL, bản do GS Trần Quốc Vượng dịch), xuất hiện lần đầu năm 1377 chép rằng: “Vua tự làm tướng đi chống Tống, sai người cắm cọc ngăn sông. Quân Tống lui giữ Ninh Giang. Vua sai trá hàng để dụ Nhân Bảo. Quân Tống bị thua, ta bắt chém được Nhân Bảo. Bọn Khâm Tộ nghe tin quân thua, bèn rút lui” [6]. Trong sách này, ở phần chép về Lê Long Đĩnh có nhắc đến cái tên Chi Ninh Giang (tức sông Chi Ninh), đó là tên con sông mà vua (Long Đĩnh) đến chơi.

–         Đại Việt Sử Lược (ĐVSL) gồm nhiều tập xuất bản từ năm 1377 đến 1388, cũng chép tương tự như VSL, cụ thể như sau:`  “Vua tự làm tướng đem quân ra chống cự. Vua cho cắm cọc cứng dưới sông. Quân Tống rút về giữ mặt Ninh Giang. Vua sai người sang trá hàng để dụ Hầu Nhân Bảo. Quân Tống thua trận, Hầu Nhân Bảo bị bắt và bị chém. Bọn Trần Khâm Tộ nghe tin thất trận phải rút lui” [7]. Ở phần chép về Long Đĩnh cũng nhắc đến cái tên sông Chi Ninh, là nơi Long Đĩnh đến chơi.

–         Sách ĐVSKTT, kỷ nhà Tiền Lê, mục Đại Hành hoàng đế,  xuất bản năm 1697 cũng chép:  “Vua tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông Chi Lăng . Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Nhân Bảo, đem chém. Bọn Khâm Tộ nghe tin quân thủy thua trận, dẫn quân về” [8]. Nơi Long Đĩnh đến chơi thì ĐVSKTT ghi là sông Ninh.

–         Còn sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (KĐVSTGCM) xuất bản năm 1884 thời vua Tự Đức (nhà Nguyễn) thì ghi như sau: “Khi quân Tống kéo đến sông Chi Lăng, nhà vua sai người trá hàng, dụ bắt được Nhân bảo, đem chém. Bọn Lưu Trừng rút lui. Khâm Tộ nghe tin, rút quân chạy về” [9].

–         Việt Nam Sử Lược (VNSL) của Trần Trọng Kim, xuất bản năm 1919, là bộ thông sử chi tiết đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, các sử liệu trước nó đều bằng chữ Hán. Sách này chép như sau: “Bấy giờ lục quân của bọn Hầu Nhân Bảo tiến sang đến Chi Lăng  (thuộc Ôn Châu, Lạng Sơn), vua Đại Hành sai người sang trá hàng để dụ Hầu Nhân Bảo đến chỗ hiểm bắt chém đi” [10].

Cả 7 quyển sách cổ sử nêu ở trên đều chép về một trận đánh Tống vào năm 981, trong đó 6 quyển ghi rõ trận này xảy ra trên một con sông. Tại đây nhà vua đã dùng kế trá hàngđóng cọc ngăn sông rồi dụ quân Tống vào đó để tiêu diệt. Thời điểm và tình tiết của trận đánh rất giống nhau cho nên có thể đoán rằng đó chỉ là một trận và 4 cái tên sông Hữu Ninh,  Chi GiangNinh Giang và  sông Chi Lăng  chỉ  là một hoặc chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Các sách cổ Trung Hoa cũng thú nhận về trận đại bại của quân Tống trên một khúc sông ở nước ta vào năm 981:

–         Sách An Nam chí của Cao Hùng Trưng đã ghi như sau: “Nhân Bảo (chủ tướng của quân Tống năm đó) đem vạn quân xông vào trước bị thế giặc rất mạnh, viện quân phía sau đến cứu không kịp, trận thế bị vây hãm,  Nhân Bảo bị loạn quân giết chết quẳng xác xuống sông” [11].

–         Sách Tống sử cũng xác nhận: “Nhân Bảo bị giặc vây đánh rất hăng, quân viện đến cứu không kịp, nên Nhân Bảo bị giết chết ở giữa sông” [12].

Với những dẫn chứng nêu ở trên cho phép khảng định trận đánh quyết định năm 981 đã xảy ra trên một con sông.  

  1. Giải ảo về tên con sông trong trận phá Tống năm 981

Nếu xét 4 cái tên sông (sông Hữu Ninh, Chi Giang, Ninh Giang và  sông Chi Lăng)  thì có thể phủ nhận ngay khi xưa không có con sông nào (hay đường bộ nào) có tên là Chi Lăng xuyên qua từ Lạng Sơn (nơi có ải Chi Lăng) đi về phía Nam. Trong Tống sử cũng không thấy nhắc đến trận đánh nào xảy ra hồi đó ở Chi Lăng thuộc Lạng Sơn. Mãi đến thời Lý Thái Tổ, nhà Lý mới cho làm đường bộ sang Trung Hoa đi qua Lạng Sơn, còn trước đó những đội quân đông người không thể đi qua đây mà phải sử dụng tuyến đường bộ khác, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh. Vả lại cái tên sông Chi Lăng chỉ xuất hiện bắt đầu từ sách ĐVSKTT (năm 1697), còn trong các quyển sách cổ sử trước nó chỉ có sông Hữu Ninh,  sông Chi Ninh,  Chi  Ninh Giang  hay Chi Giang mà thôi.

Trong những cái tên nêu ở trên thì thấy chữ Hữu chỉ xuất hiện trong TUTA, đó là quyển sách cổ nhất, sau đó vị trí này bị thay bằng chữ Chi. Nếu so sánh  chữ  Hữu (友) và chữ Chi (支) trong tiếng Trung thì thấy hai chữ này có tự dạng rất giống nhau nên chắc chữ Hữu đã bị người đời sau chép nhầm thành chữ Chi. Còn chữ Lăng trong Chi Lăng chép ở sách ĐVSKTT, sách này xuất bản năm 1697. Đó là thời kỳ trị vì của nhà Lê Trung Hưng (1533 – 1789).  Được biết vua đầu tiên của triều đại này tên là Lê Duy Ninh. Thời đó người ta thường kiêng húy của vua, nên chắc các nhà chép sử đã phải đổi Ninh (寧) thành Lăng (稜). Nghĩa là Chi Lăng  (支稜) trong ĐVSKTT chính là Hữu Ninh (友寧) ở TUTA.  Và trận quyết chiến chiến lược  năm 981 đã xảy ra ở sông Hữu Ninh chứ không phải  ở sông Chi Lăng.

Còn KĐVSTGCM xuất bản sau cũng dùng 2 chữ Chi Lăng, đó là do chép theo ĐVSKTT. Riêng VNSL của Trần Trọng Kim thì hiểu sai hoàn toàn, bởi vì từ cái tên sông Chi Lăng trong ĐVSKTT và KĐVSTGCM ông này lại gán thành vùng núi Chi Lăng của tỉnh Lạng Sơn. Điều đáng tiếc là trong 7 tài liệu cổ thì chỉ có VNSL viết bằng tiếng Việt, nên sau này các sách phổ thông đều chép theo. Từ đó các thế hệ người Việt cứ thế nối tiếp nhau chép theo cái sai này, cho rằng trận đánh Tống năm 981 đã xảy ra ở Chi Lăng (Lạng Sơn) và quân Đại Cồ Việt đã chém được đầu Hầu Nhân Bảo ở ngay ải Chi Lăng giống như Lê Lợi đã chém Liễu Thăng cũng tại nơi đó.

Những cái tên còn lại như Chi Giang (VĐULT), Ninh Giang (VSL) hay sông Chi Ninh (ĐVSL), nếu kết hợp đối chiếu trên bản đồ khu vực cửa sông Cà Lồ (Hình 1)  thì thấy có thể giải thích như sau: Chi Giang trong VĐULT cũng là do chép nhầm chữ hữu (友) thành chữ chi (支), đúng ra phải là Hữu Giang, nghĩa là nhánh sông bên phải. Cái tên sông Hữu Ninh trong TUTA cũng có nghĩa là nhánh sông bên phải, tức bên phải của sông Ninh. Còn Ninh Giang trong VSL và ĐVSL, theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc [13], thì nó chính là một cái tên cũ của sông Cầu ngày nay. Vậy Chi Giang (VĐULT) là con sông bên phải thì sông Chi Ninh chính là con sông bên phải của sông Cầu. Trên thực tế chúng vẫn là con sông Hữu Ninh trong TUTA và thấy rất rõ trong bản đồ cổ (Hình 1) của khu vực cửa sông Cà Lồ.

Từ đó có thể khảng định ĐVSL chép sự kiện quân Tống “rút về giữ mặt Ninh Giang” vẫn rất đúng, bởi vì khi đó quân Tống đã lọt vào trong cửa sông Cà Lồ, chúng cố đánh lên thành Bình Lỗ không được và chạy ra sông Cầu cũng không xong, chỉ có thể dồn ra phía cửa sông để hy vọng thoát ra sông Cầu (tức sông Ninh). Cho nên nghĩa của đoạn này cũng là “rút về giữ sông Hữu Ninh” như trong TUTA  mà thôi.

Qua đó cho thấy trận đánh Tống trên sông năm 981, tuy được ghi với những cái tên sông khác nhau nhưng trên thực tế vẫn là một con sông duy nhấtĐó là sông Hữu Ninh. Vậy sông Hữu Ninh nằm ở đâu và nó có gì đặc biệt ?

  1. Vị trí, hình dạng và các dấu tích trên sông Hữu Ninh

Trong sách TUTA, cái tên sông Hữu Ninh xuất hiện cùng với địa danh quận Bình Lỗ, quận này tương ứng với huyện Sóc Sơn thuộc Hà Nội ngày nay. Vừa qua nhân dịp kỷ niệm 1400 năm (981 – 2021) chiến thắng chống Tống thời Lê Đại Hành, Hội đồng Họ Lê Việt Nam đã tổ chức đi tìm dấu tích của tòa thành Bình Lỗ [3].  Kết quả đã tìm thấy vị trí của tòa thành này tại bờ nam sông Cà Lồ, cách cửa sông 2 km.  Ở huyện Sóc Sơn chỉ có sông Cà Lồ là lớn chảy qua cho nên sông Hữu Ninh cũng là sông Cà Lồ, nhưng chỉ là đoạn hạ lưu của con sông này vì nó nằm ngay bên phải của sông Ninh (tức sông Cầu).  Sau khi chảy vòng quanh và ôm lấy 2/3 chu vi của thành Bình Lỗ thì đoạn sông Cà Lồ này tách thành 2 nhánh, nhánh lớn tạm gọi là Hữu Ninh 1 và nhánh nhỏ gọi là Hữu Ninh 2. Cả hai đều dẫn nước chảy vào sông Cầu. Nhánh 1 nay vẫn còn, riêng nhánh 2 nhỏ hơn và bị các con đê chặn cả hai đầu nên từ lâu đã bị vùi lấp. Tuy nhiên trên bản đồ cổ in năm 1927 vẫn thấy hình dạng của nhánh 2, nó dài khoảng 3 km, chạy từ vị trí thành Bình Lỗ đến cuối bến đò Như Nguyệt.

Hình 2: Nội dung trên tấm bia đặt  trong nhà thờ tổ Họ Lê Lục Chi

Đáng chú ý là dọc theo nhánh Hữu Ninh 2, nhân dân trong vùng còn lưu lại những cái tên rất cổ liên quan đến một trận đánh lớn. Đó là  Ngòi Ác, cầu Cửa Ma, Đầm Lâu, Bờ Xác. Đặc biệt nhánh 2 chảy qua vùng đất của một dòng họ định cư ở đây từ lâu. Họ là hậu duệ của Hoàng đế Lê Trung Tông (Tiền Lê) [14]. Theo tộc phả của Họ Lê Lục Chi ở làng Xà Đông (xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), trong đó ghi rõ “cụ tổ xa xưa của  Họ Lê Lục Chi là con của Thái tử Long Việt nhà Tiền Lê. Thái tử là con của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, sau là vua Lê Đại Hành. Khi vua Lê Đại Hành mất Thái tử kế vị được 3 ngày thì bị ám hại. Cụ tổ ta sợ bị làm hại nên đưa gia quyến đến Vũ Bình Khẩu (nay là cửa sông Cà Lồ) ẩn náu tung tích”. Trong tộc phả còn ghi  3 câu chữ Hán, dịch ra như sau: “Tránh cái hiểm họa Long Đĩnh. Chuyển gia quyến về cửa sông Cà Lồ. Giấu tung tích mà lập nghiệp” (Hình 2) [15].

Trong các sách VSL, ĐVSL và ĐVSKTT đều thấy ghi một chi tiết liên quan đến sự ẩn cư của vợ và con Trung Tông ở khu vực cửa sông Cà Lồ. Đó là sự kiện  Lê Long Đĩnh (em cùng mẹ với Lê Long Việt) đến chơi ở sông Hữu Ninh, nội dung như sau:  “Vua đi chơi Chi Ninh Giang (tức sông Hữu Ninh), sông đó nhiều thuồng luồng, vua bèn buộc người ở cạnh thuyền chèo đi chèo lại giữa dòng sông khiến thuồng luồng hại người đó” [6].

Xét mối quan hệ giữa Long Việt và Long Đĩnh thì thấy sử liệu nước ta đều ghi Long Đĩnh là người giết Long Việt cướp ngôi. Tuy nhiên các sách sử không đưa ra được nhân chứng và vật chứng nào mà chỉ thấy ghi lại một tình tiết sau khi Trung Tông (tức Long Việt) bị giết như sau : “Bầy tôi đều chạy trốn, duy có Điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm xác mà khóc”. Cái chết này còn nhiều bí ẩn, vì tại sao tất cả bầy tôi đều phải chạy trốn. Đó là một trọng án xảy ra ngay trong cung đình (tại Hoa Lư) nhưng lại không bắt được thích khách. Sử liệu cho biết Công Uẩn là người được Lê Đại Hành dày công nâng đỡ, bồi dưỡng, gả con gái cho và đưa lên làm chỉ huy cao nhất của quân cấm vệ. Có lẽ do vụ án Trung Tông bị giết có nhiều uẩn khúc nên sau khi lên làm vua, Long Đĩnh đã đến sông Hữu Ninh. Mục đích chuyến đi chắc không phải là tìm vợ và con Trung Tông để giết, bởi vì họ vẫn còn sống và còn để lại cho ngày nay cả một dòng họ lớn ở vùng cửa sông Cà Lồ. Có thể Long Đĩnh cũng không phải là người giết anh như sử liệu đã ghi, vì ở đền Lăng (Liêm Cần, Hà Nam), nơi phát tích sự nghiệp của nhà Tiền Lê, nhân dân ở đây vẫn thờ chung cả 3 vua là Hoàng đế Lê Đại Hành cùng với hai con của ông là Lê Trung Tông và Lê Long Đĩnh. Cho nên việc Long Đĩnh đến sông Hữu Ninh và có hành động như ghi trong sử liệu có thể khi đó các đại thần trung thành của nhà Tiền Lê vẫn còn nghi ngờ ông, không gặp, nên mới như vậy.

Qua đó cho thấy sông Hữu Ninh là có thật, nó nằm ở  khu vực cửa sông Cà Lồ và chảy vòng quanh tòa thành Bình LỗCác tình tiết về trận đánh Tống năm 981 ghi trong sử liệu hoàn toàn phù hợp với thực địa của con sông và khu vực này.

  1. Về thời điểm và nơi phát tích lần đầu của bài thơ Nam quốc sơn hà

Các sử liệu cổ cho biết bài thơ Nam quốc sơn hà (NQSH) xuất hiện hai lần trong 2 trận đánh Tống khác nhau là năm 981 và 1077. Cả hai lần đều có hai vị thần hiện lên đọc bài thơ tại cùng một khu vực, đó là vùng cửa sông Cà Lồ. Vì thế mà nhiều người đã nhầm lẫn về thời điểm xuất hiện của bài thơ. Thực tế là bài thơ NQSH đã xuất hiện ngay trong trận đánh Tống lần thứ nhất, thời Lê Đại Hành.

Theo truyện “Hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt” trong sách Lĩnh Nam Chích Quái [16] thì “Vào năm Tân Tỵ (981)… Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng kéo quân tới sông Đồ Lỗ (tức sông Cà Lồ) cự địch, hai bên đối đầu cầm cự”. Rồi một đêm nhà vua “mộng thấy một người dẫn đoàn âm binh áo trắng từ phía nam sông Bình Giang mà tới, một người dẫn đoàn âm binh áo đỏ từ phía bắc sông Như Nguyệt mà lại, cùng xông vào đánh trại giặc”. Bình Giang là một cái tên cũ của sông Cà Lồ. Nam sông Bình Giang tức phía nam sông Cà Lồ, tại đây có thành Bình Lỗ. Còn bắc sông Như Nguyệt là đoạn sông Cầu bắt đầu từ cửa sông Cà Lồ (tức Vũ Bình Khẩu hay ngã ba Xà ngày nay) ngược lên phía bắc của con sông này.

Khi quân Tống đến Lê Đại Hành đã có mặt ở trên thành Bình Lỗ, ông được 2 vị anh hùng Trương Hống, Trương Hát báo mộng và đã đến giúp đỡ. Theo truyện thì hai vị thần đã hiện lên và làm cho  “quân Tống kinh hoàng”, rồi lớn tiếng đọc 4 câu  thơ: “Sông núi nước Nam vua Nam ở. Thượng đế đã định như vậy trong sách trời. Cớ sao giặc phương Bắc lại tới đây xâm lược. Gươm sáng sẽ chém hết các ngươi tan tành như chẻ tre”. Nếu đối chiếu bản đồ trên hình 1 với sự chỉ dẫn trong truyện này thì thấy bài thơ NQSH đã phát ra từ điểm cao của thành Bình Lỗ.

Ngày nay tại nơi con sông Cà Lồ tách thành 2 nhánh, người dân gọi chỗ này là  Ngòi Ác. Đó cũng chính là điểm đầu của nhánh sông Hữu Ninh 2 và còn là lối lên của thành Bình Lỗ. Từ đây nếu ra đến cửa sông Cà Lồ (khoảng 2 km)  là có thể dễ dàng xuôi đến sông Bạch Đằng. Vì thế mà có sách Trung Hoa đã chép nhầm trận đánh trên sông Hữu Ninh năm 981 thành trận đánh trên sông Bạch Đằng.

Thành Bình Lỗ và sông Hữu Ninh nằm sâu trong nội địa, lòng sông Cà Lồ lại khá nhỏ hẹp nên các thuyền lớn đi biển của quân Tống khó có thể vào được. Vì thế để dụ được quân Tống vào trận địa mai phục sẵn ở đây, Đại Cồ Việt đã phải nghĩ ra một kế là đánh giả hàng. Đó là trận ngày 28/4/981. Sách Tục tư trị thông giám trường biên đã ghi lại như sau: “Ngày Kỷ Mùi tháng ba niên hiệu Thái Bình hưng quốc thứ 6 (tức 28/4/981), Giao Châu hành doanh (Bộ chỉ huy quân Tống xâm lược năm đó) tâu rằng: Phá được quân giặc 15.000 người ở cửa sông Bạch Đằng, chém được hơn 1.000 thủ cấp,  thu được 200 chiến hạm và hàng vạn áo giáp, binh khí” [17].

Sở dĩ nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là trận giả hàng, bởi vì ngay sau trận này quân Đại Cồ Việt vẫn rất mạnh, đủ sức đánh tan cả 3 vạn quân Tống và ngay năm sau (982) còn kéo quân vào Nam đánh phá nước Chiêm Thành.  Các sách cổ Trung Hoa đều ghi lại chi tiết quân Tống “thu được 200 chiến hạm” khá dễ dàng. Cho nên có thể đoán rằng Đại Cồ Việt đã cố ý thua trận này và qua đó khéo léo ‘cấp’ cho quân Tống 200 chiếc thuyền nhỏ hơn để giúp chúng đi nhanh nhất có thể và quan trọng  là vào được sông Cà Lồ.

Do thuận lợi như vậy nên Hầu Nhân Bảo càng thúc quân đuổi theo để bắt Lê Đại Hành đang ‘thua chạy’ ở phía trước. Kết quả là hắn và một vạn quân Tống đã lọt sâu vào sông Hữu Ninh mà không biết. Đến khi phát hiện thành Bình Lỗ và chiến lũy “ngăn sông” ở trước mặt, chúng vội rút lui nhưng không kịp. Khi đó “đoàn âm binh áo đỏ từ phía bắc sông Như Nguyệt” đã quay lại bịt kín cửa sông Cà Lồ. Còn trên dòng sông Cà Lồ, phía trước có cả một bức tường bằng “cọc cứng” chắn ngang không thể vượt qua. Quân Tống buộc phải liều chết xông lên đánh thành Bình Lỗ.

Trên thành Bình Lỗ, khi đó Đại Cồ Việt đã bố trí một đội quân rất mạnh, chỉ chờ quân Tống đến là họ lao xuống như thác đổ. Sau này một nho sĩ họ Đoàn đã mô tả và ghi vào trong sách Lĩnh Nam Chích Quái  như sau: “Quân Tống  bỗng thấy một người xuất hiện giữa sóng gió, cao hơn mười trượng, tóc tai dựng ngược lên, trừng mắt mà nhìn, ánh sáng thần chói lọi. Quân tống thấy mà khiếp sợ, rút về giữa chi giang (tức rút về giữa sông bên phải, ở đây là giữa nhánh sông Hữu Ninh 2)”[18] .

Hình 3: Trong ảnh là Cổng vào khu Thành phủ thuộc thôn Ngọc Hà, bên trong có dấu tích bức tường cổ bằng đất của một tòa thành thời Trương Hống, Trương Hát.

Gò đất cao,  nơi có thành Bình Lỗ nay thuộc thôn Ngọc Hà, xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn. Tại khoảng đất giữa thôn Ngọc Hà và Tiên Tảo còn để lại dấu tích một số bức tường cổ bằng đất của một tòa thành có tên là Thành Phủ. Trên Hình 3 là cái cổng để vào di tích này. Thành Phủ xưa do hai vị anh hùng Trương Hống, Trương Hát cho xây dựng và lập thành một căn cứ kháng chiến để chống quân nhà  Lương vào khoảng giữa thế kỷ thứ 6.

Do có mối liên quan lịch sử này mà trong giấc mộng của nhà vua, hai thần Trương Hống, Trương Hát đã hiện lên phù giúp đánh giặc. Và bài thơ NQSH đã phát  ra từ thành Bình Lỗ, ngay trong trận đánh Tống đầu tiên trên sông Hữu Ninh, nơi có cái tên là Ngòi Ác.

  1. Hầu Nhân Bảo đã chết ở đoạn giữa của nhánh sông Hữu Ninh 2

Sách sử Trung Hoa cho biết Hầu Nhân Bảo đem vạn quân xông vào trước. Sau khi bị đánh phủ đầu ở chân tòa thành Bình Lỗ, nơi được ghi là Ngòi Ác, quân Tống kinh hãi  phải vội rút về giữa nhánh sông Hữu Ninh 2.  Nhánh sông này rất nhỏ, chắc có chỗ quân Tống phải lội xuống nước đẩy thuyền mỗi khi bị mắc cạn, rồi đế lúc gấp quá phải bỏ cả thuyền mà lội theo dòng nước hoặc lên bờ để chạy cho nhanh.  Trong khi đó các đội quân Đại Cồ Việt, từ nhiều tháng trước đã thay phiên nhau nằm phục sẵn hai bên bờ “Đầm Lâu”, khi quân Tống đến họ nhất tề xông ra “vây đánh rất hăng”. Trong đám loạn quân ấy Hầu Nhân Bảo và nhiều binh sĩ Tống đã chết ở đây. Sau này nhân dân thấy hồn ma quân Tống kêu khóc mãi, đã thương tình lập một ngôi nhà nhỏ gọi là cầu Cửa Ma để chúng trú ngụ.

Riêng thủ cấp của Hầu Nhân Bảo, các binh sĩ Đại Cồ Việt được lệnh đem về Hoa Lư làm bằng chứng để lĩnh thưởng. Toán binh sĩ có nhiệm vụ mang về đã ngược theo con đường hành quân đánh Tống mà nhà vua đã đi qua. Dọc đường họ dừng lại nghỉ nên nhiều người dân đã xúm đến xem.  Về sự kiện này sách Sự thực loại uyển (事實類苑) của Giang Thiếu Ngu (江少虞) thời Nam Tống (1127/1279) dẫn từ Tương Sơn dã lục (湘山野錄) đã ghi lại như sau: “Nhân Bảo bị người Giao Chỉ bắt, chém bêu đầu ở huyện Chu Diên  (仁寶為交趾所擒,梟首於朱鳶縣,宜然也)”.  Được biết cái tên huyện Chu Diên xuất hiện từ thời Đông Hán. Khi đó miền Bắc nước ta thuộc Đông Ngô thời Tam Quốc, còn huyện Chu Diên là quê của Thi Sách (chồng bà Trưng Trắc) thuộc  huyện Đan Phượng ngày nay.

  1. Bờ Xác là ngôi mộ tập thể của quân Tống năm 981

Ở cuối nhánh sông Hữu Ninh 2 có một bờ ruộng lớn dài khoảng 1 km,  nổi lên giữa cánh đồng nước trũng. Từ xa xưa nhân dân trong vùng đã gọi là Bờ Xác. Đó là ngôi mộ tập thể của quân Tống nhưng chưa xác định được là mộ quân Tống chết trong trận đánh trên sông Hữu Ninh (năm 981) hay trong trận Như Nguyệt (năm 1077).

Về trận Như Nguyệt, theo Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư, Nhà Lý, ghi như sau: “Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, đến sông Như Nguyệt đánh tan được. Quân Tống chết hơn 1000 người”. Năm đó quân Tống hầu như bị chặn đứng ở bờ sông, số quân Tống  chết chủ yếu trong các trận đánh ở bờ bắc sông Như Nguyệt, còn số chết khi đánh sang bờ nam thì trôi theo dòng sông cả. Trận lớn nhất năm 1077 cũng xảy ra trên cánh đồng làng Mai Thượng (thuộc xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Trong trận này  “số quân Tống chết nằm la liệt trên cái gò nơi họ đóng quân, về sau cư dân địa phương gọi đó là gò Xác hay cánh đồng Xác” [19].

Về trận trên sông Hữu Ninh, sử liệu Trung Hoa đã chép khá rõ “Nhân Bảo đem vạn quân xông vào …bị vây hãm” rồi bị giết. Hàng ngàn xác giặc sẽ trôi theo dòng nước của nhánh sông Hữu Ninh 2 hướng về phía bến đò Như Nguyệt ngày nay. Còn những tên chết nằm rải rác trên cánh đồng hai bên bờ cũng được thu gom và kéo về  đoạn cuối của nhánh Hữu Ninh 2. Người dân khi ấy chỉ có thể lấy bùn đất hai bên đắp lên và nối thành một cái bờ như ngày nay.  Như vậy Bờ Xác chắc là ngôi mộ tập thể của một vạn quân Tống chết năm 981 (Hình 4).

Hình 4: Bờ Xác là ngôi mộ tập thể của một vạn quân Tống chết trong trận sông Hữu Ninh, năm 981, ở cuối làng Xà Đông (Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh)

  1. Kết quả và ảnh hưởng của trận phá Tống trên sông Hữu Ninh

Nghe tin Hầu Nhân Bảo bị giết, Tôn Toàn Hưng hoảng hốt dẫn quân bỏ chạy, đạo quân Trần Khâm Tộ ở Tây Kết lo sợ cũng rút lui. Quách Quân Biện ngược theo sông Cầu chạy đến Vũ Nhai (một huyện miền núi phía đông bắc tỉnh Thái Nguyên) thì bị bắt. Vua đem các tướng đuổi đánh. Quân Khâm Tộ thua lớn, chết hơn phân nửa, thây chất đầy đồng, bắt tướng chúng là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư [1]. Khi về đến nước Tống, các tướng thua trận là Lưu Trừng và  Giả Thực còn bị bêu đầu ở chợ Ung Châu. Tôn Toàn Hưng bị hạ ngục rồi chết. Trần Khâm Tộ, Hách Thủ Tuấn, Thôi Lượng đều bị trách phạt, giáng chức.

Trận đại phá quân Tống trên sông Hữu Ninh đã để lại nhiều bài học quý cho các triều đại sau. Tại đây, quân dân Đại Cồ Việt đã biết lợi dụng điều kiện địa hình sông ngòi, bố phòng hợp lý khiến quân Tống không dùng được kế đánh nhanh thắng nhanh. Nhà vua còn cho thực thi thuật công tâm và kế trá hàng làm cho các tướng giặc không lường trước được. Hiệu quả của trận đánh rất cao làm cho quân Tống hàng chục năm sau vẫn còn sợ hãi. Năm 1005, nhân khi Lê Đại Hành chết tình hình Đại Cồ Việt rối ren, các quan lại nhà Tống xin tiến đánh nước Việt để trả thù, nhưng vua Tống Chân Tông vẫn một mực từ chối.

Chiến thắng trên sông Hữu Ninh là một mốc son chói lọi,  khảng định một nhà nước nhỏ bé ở phương Nam, mới thoát khỏi ách đô hộ 1000 năm của phong kiến phương bắc chưa lâu, nhưng biết đoàn kết và có lãnh đạo sáng suốt nên đã đánh thắng một nước lớn, mạnh hơn nhiều lần. Trận đánh trên sông Hữu Ninh trở thành trận thắng tiêu biểu, mở đầu cho cả một giai đoạn lịch sử 1000 năm giữ nước của nhân dân ta.  Nhờ đó mà cả quốc gia và các dân tộc Việt mới trường tồn được đến ngày nay.

Tại vùng cửa sông Cà Lồ và các làng thuộc Bắc Ninh, Bắc Giang nhân dân còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử và văn hóa. Bài thơ NQSH và tục thờ Thánh Tam Giang (tức hai vị anh hùng Trương Hống, Trương Hát) tìm thấy ở 372 ngôi đền dọc theo sông Cầu và sông Cà Lồ.  Nhiều dấu tích tuy đã phai mờ theo năm tháng nhưng nhân dân vẫn luôn nhớ đến công lao to lớn của Hoàng đế Lê Đại Hành và các dũng sĩ theo ông thời bấy giờ. Họ truyền nhau câu truyện về đội quân của ông, làm thành cái lõi lịch sử cho truyền thuyết Thánh Gióng. Đó là một vị anh hùng chống giặc ngoại xâm từ nhân dân mà ra , huyền bí và sẽ sống mãi trong lòng mỗi người dân đất Việt [20].

  1. Thay lời kết

Chiến thắng vang dội năm 981 và công lao to lớn của Hoàng đế Lê Đại Hành đã làm cho một số thế lực ở nước lớn không hài lòng, họ âm thầm chia rẽ, nói xấu và chống phá nhà Tiền Lê. Vì thế mà đến giây phút cuối đời, nhà vua khi ra đi dường như rất vội,  không kịp mang theo thứ gì cho riêng mình, kể cả thụy hiệu, miếu hiệu. Đến nay, sau 1017 năm (1005 – 2022) ông ra đi, các lớp cháu chắt của ông chạy về thành Bình Lỗ năm xưa để lánh nạn,  vẫn còn cảm thấy xót  xa.

Bài ca giữ nước “Sông núi nước Nam, Vua nam ở” phát ra  từ thành Bình Lỗ thuộc thời đại của ông, người ta cũng sang tên cho triều đại khác. Nhưng chính nhờ có bài ca giữ nước ấy mà đất nước nay mới liền một dải. Vậy mà Thập đạo tướng quân Lê Hoàn vẫn luôn phải mang theo cái tên mượn và như đang trong một chuyến ‘Đại Hành’. Cả những cái tên như thành Bình Lỗ, sông Hữu Ninh, Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên và nơi phát tích của bài thơ bất hủ ấy đến nay vẫn chưa được nước Việt  ghi nhận và đặt vào đúng chỗ của nó.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]  Chiến tranh Tống – Việt lần thứ nhất – Wikipedia. Kết quả.

https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_T%E1%BB%91ng%E2%80%93Vi%E1%BB%87t_l%E1%BA%A7n_th%E1%BB%A9_nh%E1%BA%A5t

[2]  Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển VI, Kỷ Nhà Trần, Anh Tông Hoàng Đế

http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvsktt/dvsktt11.html/

[3] Lê Phúc Nguyên.  Họ Lê Việt Nam và hành trình đi tìm dấu tích thành Bình Lỗ. Chuyên san “Rạng danh Lê Tộc, chào xuân Nhâm dần 2022”. Nhà xuất bản Lao động 12/2021.

[4]  Thiền Uyển Tập Anh (TUTA), xb lần đầu 1337.  Xem bản điện tử pdf,  http://www.thuvienhaiphu.com.vn/   Trình xem:  BE015404.pdf/,  trang 21. Đại sư Khuông Việt (933 – 1011).

[5] Bài ký sự tích Sóc Thiên Vương, sách Việt Điện U Linh Tập (VĐULT). Lý Tế Xuyên, xb lần đầu 1329.  Xem bản điện tử pdf,  trang 91.

[6]  Việt Sử Lược (VSL, bản do GS Trần Quốc Vượng dịch), xb lần đầu 1337. Xem bản điện tử, pdf,  trang 61.

[7] Đại Việt Sử Lược (ĐVSL). Khuyết danh xb từ 1377 đến 1388. Xem bản điện tử, pdf,  trang 30.

[8]  Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), xb lần đầu 1697. Xem bản điện tử pdf, Trang 65/66. Kỷ nhà Tiền Lê, Đại Hành hoàng đế.

[9]  Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (KĐVSTGCM) , xb lần đầu 1884.  Xem bản pdf, trang 89.

[10]  Việt Nam Sử Lược (VNSL) của Trần Trọng Kim, xb lần đầu 1919. Xem bản điện tử pdf, Trang 37.

[11]  An Nam chí của Cao Hùng Trưng. Dẫn theo Nguyễn Hữu Tâm: Đại thắng mùa xuân 981… qua một số thư tịch của Trung quốc. (xem trong Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn).