Cái chết “vì sắc hại thân” của quan đại thần đầu triều Tô Trung Từ là một minh chứng cho việc nhà Lý đã sắp mạt, chính sự rối ren, quan tướng tranh nhau tầm ảnh hưởng khiến xã hội lầm than…
Thời vua Lý Cao Tông ham mê săn bắn, xây nhiều cung điện, không quan tâm đến cuộc sống người dân. Bấy giờ Đoàn Thượng nổi loạn chống triều đình. Lý Cao Tông sai các tướng đi trấn áp, trong đó có Phạm Du. Không ngờ Phạm Du nhận của đút của Đoàn Thượng, xin tha cho Đoàn Thượng, rồi sau lại tìm cách liên kết cùng Đoàn Thượng chống lại triều đình.
Vua Lý Cao Tông liền sai Phạm Bỉnh Di đi dẹp loạn, cuối cùng đánh bại Đoàn Thượng và Phạm Du.
Trước tình thế này, Phạm Du cho người dùng tiền về triều đút lót các quan, để họ tâu với Vua lời tốt về mình và đổ hết mọi sự do Phạm Bỉnh Di. Vua Lý Cao Tông sai đưa Phạm Du về triều. Phạm Du vào triều nói về sự tàn ác của Phạm Bỉnh Di và cho rằng mình bị oan, vua Lý Cao Tông tin lời, gọi Phạm Bỉnh Di vào phụng mệnh.
Dù có người khuyên can, cha con Phạm Bỉnh Di vẫn đi thẳng vào kinh thành. Vua Lý Cao Tông sai người bắt cả hai cha con.
Bộ tướng của Phạm Bỉnh Di là Quách Bốc hay tin liền cho quân tấn công cứu chủ tướng. Trong tình thế nguy ngập, Phạm Du liền giết cả hai cha con Phạm Bỉnh Di, rồi cùng vua Lý Cao Tông bỏ chạy khỏi kinh thành. Quách Bốc chiếm được kinh thành, lập con thứ của Vua là Lý Thầm lên ngôi.
Lý Cao Tông phải bỏ chạy vào vùng Quy Hóa (thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay). Thái tử Sảm chạy đến Hải Ấp (nay là Lưu Xá, huyện Hưng Hà, Thái Bình), đây là địa bàn hoạt động của Trần Lý, lúc này là một cự tộc có thế lực rất lớn.
Trần Lý cùng người em vợ của mình là Tô Trung Từ phò tá cho thái tử Sảm. Thái tử nhận thấy Trần Lý có cô con gái là Trần Thị Dung xinh đẹp liền lấy làm vợ.
Trần Lý tập hợp Hương binh, cùng hai con trai là Trần Thừa, Trần Tự Khánh và Tô Trung Từ dẫn quân đến kinh thành. Trần Lý là người kế tục chính tông dòng võ Đông A của họ Trần, số quân đi theo mình đều rất tinh nhuệ, nhờ đó mà đánh bại được Quách Bốc. Tuy nhiên sau khi đánh bại Quách Bốc thì Trần Lý lại bị một đám loạn quân khác bất ngờ giết chết.
Tô Trung Từ thấy thái tử Sảm đang được Trần Thừa và Trần Tự Khánh phò giúp, nên không chọn thái tử Sảm mà chọn phò giúp đưa vua Lý Cao Tông về kinh thành trở lại ngôi Vua. Trong khi đó thái tử Sảm vẫn nương nhờ họ Trần ở Hải Ấp.
Tô Trung Từ được phong làm Điện tiền Chỉ huy sứ, trở thành người có công lớn nhất và có ảnh hưởng nhất đối với triều đình nhà Lý lúc đó.
Đầu năm 1210, vua Lý Cao Tông bị bệnh nặng, muốn thái tử Sảm trở về. Tô Trung Từ lại đích thân về Hải Ấp để nắm lấy thái tử Sảm từ tay hai người cháu của mình là Trần Thừa và Trần Tự Khánh. Sau đó vua Lý Cao Tông cho người đến Hải Ấp đưa thái tử trở về.
Cuối năm 1210, vua Lý Cao Tông mất, trước khi mất giao mọi quyền triều chính cho Đỗ Kính Tu là người dạy dỗ vua Lý Cao Tông từ nhỏ, và nhờ chăm sóc thái tử. Sau đó thái tử Lý Sảm lên nối ngôi, hiệu là Huệ Tông.
Lý Huệ Tông nghe lời vua cha nên tôn Đỗ Kính Tu làm thái úy đầu Triều. Tuy nhiên thế lực của Tô Trung Từ rất mạnh, đã có công lớn với cả vua Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông, cháu ông là Trần Thị Dung cũng là người được vua Lý Huệ Tông yêu quý nhất.
Tháng 12 năm 1210 có lũ lớn, Đỗ Kính Tu tập hợp dân chúng các làng cùng đào ngòi Trầm Động từ Đồng Trầm thuộc thôn Hậu Ái, qua địa phận các thôn Kim Hoàng, An Trai, Hòe Thị, Thị Cấm, đến cửa chùa Linh Ứng ra sông Nhuệ.
Tuy nhiên trong triều có người tâu Đỗ Kính Tu tập hợp dân chúng mưu phản, vua Lý Huệ Tông liền xét tội. Đỗ Kính Tu uất ức trầm mình xuống bãi Quân Thần mà chết.
Sau cái chết của Đỗ Kính Tu, Tô Trung Từ được phong làm thái úy, quyền hành lớn nhất trong triều. Một số quan lại cũ từ thời vua Lý Cao Tông không phục theo Tô Trung Từ đều bị dùng quân đánh dẹp.
Nhưng Tô Trung Từ lại ham nữ sắc. Biết công chúa Thiên Cực đã có chồng là quan nội hầu Vương Thượng nhưng ông ta vẫn tìm cách quan hệ bất chính. Vương Thượng biết được và giết chết Tô Trung Từ. Theo luật nhà Lý lúc bấy giờ thì nếu nam nữ quan hệ bất chính, người chồng biết được có thể giết kẻ kia mà không bị tội.
Từ một thái úy quyền uy đầu Triều, không ai ngờ Tô Trung Từ phải nhận cái chết bi đát, “vì sắc hại thân”, lưu lại tiếng xấu muôn đời trong lịch sử.
Còn vua Lý Huệ Tông sau đó phải dựa vào thế lực họ Trần, cuối cùng truyền ngôi cho Lý Chiêu Hoàng rồi nhà Lý bị nhà Trần thay thế.
Theo Trần Hưng/Tri thức