Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, Thân Văn Quyền là người ở huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên – Huế). Ông là người nổi tiếng hay chữ nhưng không đi thi nên chẳng đỗ đạt gì. Ông sinh năm Tân Mão (1771), mất năm Đinh Dậu (1837), thọ 66 tuổi.
Vào đầu thời kỳ vua Minh Mạng trị vì, nhờ quan đại thần Trịnh Hoài Đức tiến cử, ông đã được triều đình giao cho giữ chức Giáo thụ ở phủ Thăng Hoa. Lúc bấy giờ, viên quan Quốc tử giám Tư nghiệp là Nguyễn Đăng Sở bị biếm chức, cho nên quan Tham tri bộ Lễ là Hoàng Kim Hoán đã xin đề cử Thân Văn Quyền vào thay. Nhưng ngay trong kỳ khảo hạch năm đó, học trò của trường Quốc Tử Giám không có ai đạt hạng ưu, nhà vua cho rằng nguyên nhân là do Thân Văn Quyền làm việc không có kết quả, bèn giáng ông làm Chủ sự ở bộ Lại.
Cũng bắt đầu từ đây, hoạn lộ của Thân Văn Quyền bắt đầu gieo neo. Sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” có đoạn chép về Thân Văn Quyền như sau:
Năm Minh Mạng thứ chín (tức năm 1828 – NKT), ông được bổ làm Thị lang bộ Hộ rồi thăng đến chức Thự hữu Tham tri. Lúc ấy, có tên lái buôn xảo quyệt người nhà Thanh (Trung Quốc) tên là Liêu Ninh Thái muốn lĩnh trưng việc thu thuế cửa ải ở Bắc Kỳ. Quan Tả Tham tri là Lý Văn Phúc đã nhận của hắn 100 lạng bạc hối lộ để tâu xin giùm hắn. Sự việc bị phát giác, Lý Văn Phúc bị tước chức. Còn Thân Văn Quyền vì xong việc mới nhận phần tiền hối lộ nên chỉ bị giáng làm Hàn lâm Thị độc.
Năm Minh Mạng thứ mười một (tức năm 1830) ông được đổi đi làm Tham hiệp ở Quảng Bình, sau được thăng làm Thư Hiệp trấn, làm Phó chủ khảo trường thi Hương ở Gia Định và Thị lang của bộ Hộ.
Trước đó, Cục Bảo Tuyên ở Bắc Thành đúc tiền phần nhiều bị thiếu hụt, bị bộ Hộ hạch tội. Thân Văn Quyền cho quan Viên ngoại lang là Lưu Công Nghị và quan Tư vụ là Nguyễn Doãn Thông đến tiếp tục lo việc đúc tiền. Việc tiến hành chưa được bao lâu thì Thân Văn Quyền lại tâu xin giảm nhẹ lượng đồng đúc tiền. Vua nói rằng, Thân Văn Quyền lập bè đảng để mưu lợi tiếng thơm cho riêng mình, bèn cách chức và bắt phải lập công chuộc tội.
Về sau, ông lại được cho phục chức từ hàm Biên tu rồi Giáo tập ở nhà Quảng Phúc. Các vị vương tước đương thời như Thương Sơn và Vĩ Dã lúc nhỏ cũng từng là học trò của ông. Sau ông lại được thăng làm Thị độc Học sĩ rồi Án sát vùng Tuyên Quang. Ông giữ chức này được hơn một tháng thì lại được thăng làm Thị lang bộ Hộ, sung biện các việc ở Nội các.
Vào năm Minh Mạng thứ mười bốn (tức năm 1836), quan Án sát sứ ở vùng Hưng Yên là Nguyễn Trữ trót dại nghe lời xúi giục của các quan dưới quyền và bỏ bớt lời khai của bọn tội phạm, vì thế mà bị quan Tuần phủ là Phạm Bá Đạt hạch tội và tâu lên nhà vua nên bị kết án phải đi đày. Nhưng sau đó, nhà vua lại cho là chưa đủ chứng cứ để nói là nhận hối lộ, vậy nên đã đặc cách cho ông được hưởng án cách chức để lập công chuộc tội.
Thấy vậy, Thân Văn Quyền nghĩ rằng, Nguyễn Trữ là tiến sĩ xuất thân, cho nên tâu xin giảm nhẹ tội hơn nữa. Vua ghét và cho là Thân Văn Quyền có ý muốn che chở liền sai vệ sĩ lôi ra chém. Nhưng khi Thân Văn Quyền sắp sửa bị chém đầu thì nhà vua lại xuống lệnh đem ông tống giam để chờ đến mùa Thu sẽ xét xử. Sau đó, ông được tha nhưng buộc phải phục dịch trên chuyến tàu đi Lã Tống (tức Philippines) để chuộc tội.
Lời bàn:
Người xưa có câu “Nhân vô thập toàn”. Ý nói đã là người thì không có ai là toàn diện cả, cũng như trên cõi đời này không có ai mà cả một đời lại không mắc lỗi hay sai lầm dù là nhỏ. Và quan đại thần nhà Nguyễn ở đầu thế kỷ 19 là Trịnh Hoài Đức cũng là người không phải ngoại lệ. Có thể sai lầm của ông nhiều, nhưng một sai lầm dẫn đến tai hại lớn cho cả một thế hệ đương thời là ông đã tiến cử Thân Văn Quyền, một người không có học vị, tức là không qua trường thi mà được ngồi vào ghế hiệu trưởng của trường Quốc Tử Giám. Thầy không có năng lực thì trò thi kết quả không cao là lẽ đương nhiên. Chính vì thế mà Thân Văn Quyền đã bị vua Tự Đức trách phạt. Chưa hết, lần thứ hai Thân Văn Quyền còn phạm tội nhận hối lộ. Lần thứ ba là ông đồng tình với những kẻ xấu để ăn bớt công quỹ ở lò đúc tiền. Lần thứ tư, ông đã bao che cho kẻ có tội là Nguyễn Trữ, vì ông này xuất thân là tiến sĩ.
Cứ theo nội dung của giai thoại trên, thì Thân Văn Quyền là một người mà từ năng lực đến phẩm chất đều không thể chấp nhận được. Ấy vậy mà ông ta cứ sau mỗi lần bị trách phạt, giáng chức thì sau đó lại được thăng chức cao hơn. Chính vì cái sự bất minh trong thưởng phạt của vua Tự Đức đã vô tình gieo mầm họa cho triều đình về sau. Đây cũng là bài học cho hậu thế, vì ở đâu không minh bạch, công khai về quyền lợi thì ở đó ắt sẽ bất ổn. Và nơi nào bất ổn thì ở đó sẽ không bao giờ có hòa khí, mà đã không có hòa khí thì chẳng bao giờ có tài, lộc…