Theo các tài liệu chính sử, Nguyễn Biểu (1350-1413) là tiến sĩ trong giai đoạn cuối nhà Trần. Ông có công giúp nhà Trần đánh đuổi quân Minh xâm lược. Trong chuyến đi sứ sang trại quân Minh năm 1413, viên tướng tàn ác Trương Phụ rất khinh bạc, ngạo mạn, bạc đãi… Tuy vậy, ông vẫn chứng tỏ được trí tuệ, bản lĩnh của mình.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, chứng kiến hành động và trí tuệ của Nguyễn Biểu, Trương Phụ thán phục, có ý thả ông về. Sau đó, thấy tài Nguyễn Biểu có thể đánh bại được quân Minh nên Trương Phụ lập kế giết ông bằng cực hình. Chúng dìm Nguyễn Biểu xuống sông.
Theo sách “Việt sử giai thoại”, Nguyễn Biểu quê ở làng Bình Hồ, huyện La Sơn, trấn Nghệ An, nay thuộc xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Sau khi qua đời, Nguyễn Biểu được nhân dân suy tôn làm Nghĩa Vương, lập đền thờ phụng, lưu danh muôn đời. Các triều đại sau cũng đều truy phong ông làm Phúc Thần.
Vua Lê Thái Tổ, sau khi chiến thắng quân Minh, đã cho lập đền thờ ông ở Nội Diên (hiện nay tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ), phong là Nghĩa Liệt Hiển ứng Uy Linh Trợ Thuận đại vương – tức Nghĩa sĩ Đại Vương. Đến đời vua Lê Thánh Tông sai lập miếu thờ Nghĩa sĩ ở Bình Hồ (Đức Thọ – Hà Tĩnh).
Hiện nay, nhiều địa phương nước ta có những cung đường mang tên Nguyễn Biểu như Hà Nội, Đà Nẵng, Hà Tĩnh… Đền Nguyễn Biểu tại quê nhà đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991, được tu sửa nhiều lần.
Ngoài Nguyễn Biểu, Hà Tĩnh còn có cha con danh tướng, có công giúp nhà Hậu Trần đánh đuổi quân Minh xâm lược cho đến lúc hy sinh là Đặng Tất và Đặng Dung. Ngoài ra, nhà Hậu Trần còn có 2 cha con danh tướng là Nguyễn Cảnh Chân và Nguyễn Cảnh Dị.