Võ tướng Đinh Nhạ Hành sống vào thời vua Lê Hiển Tông trị vì (1740-1786). Ông quê ở làng Hàm Giang, huyện Cẩm Giàng (nay thuộc tỉnh Hải Dương). Ông là con trưởng của quan Tư không Đinh Công Phục và quận phu nhân Nguyễn Thị. Từ nhỏ, ông đã là một đứa trẻ thông minh và hiếu học. Thời loạn lạc, ông đành xếp bút nghiên theo việc quân sự và làm đến chức Án trấn đất Hưng Hóa.
Tháng 5, năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Hữu Chỉnh dẫn quân Tây Sơn ra Bắc Hà, khi đó biến loạn xảy ra ở rất nhiều nơi. Khắp vùng Bắc Hà đâu đâu cũng có nghĩa quân theo nhà Lê nổi dậy chống lại quân Tây Sơn. Riêng tại vùng Hưng Hóa, Đinh Nhạ Hành chống giữ oanh liệt. Nguyễn Huệ nghe danh Đinh Nhạ Hành nên đã lấy sắc mệnh của vua Lê để triệu ông về triều đình, nhưng ông không tin và từ chối không đến. Khi Nguyễn Huệ trở về Quy Nhơn, ông về Thăng Long yết kiến vua Lê và được thăng giữ chức Hiệp trấn Hải Dương.
Đinh Nhạ Hành không ưa Nguyễn Hữu Chỉnh. Còn Nguyễn Hữu Chỉnh thì rất kiêng nể ông, nhưng ông cứ lờ đi. Vào tháng 10 năm Đinh Mùi (1787), Đinh Nhạ Hành chống nhau với Võ Văn Nhậm tại vùng Võ Xuyên, thuộc huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) ngày nay. Lúc này ông được trao chức Sơn Nam đạo Bình khấu đại tướng quân, tước hàm Quận Công. Ông đã tổ chức đăng đàn bái tướng tại bờ sông Thuận Giang.
Sau khi nghĩa quân Tây Sơn đại thắng, vua Lê Chiêu Thống sai Trần Danh Án sang cầu viện nhà Thanh. Duy chỉ có Đinh Nhạ Hành vẫn ra sức chống cự với nghĩa quân Tây Sơn. Khi đó, em ông là Đinh Thận Võ đã khuyên nên lui về quê để dưỡng quân, nhưng ông dứt khoát không nghe theo mà vẫn liều chết chống cự. Lúc đó, vua Lê Chiêu Thống ẩn náu quân Tây Sơn ở vùng Lạng Giang và đã sai sứ giả mang sắc phong cho Đinh Nhạ Hành làm Đông đạo thống lãnh thủy bộ chư dinh Bình khấu Đại tướng quân và ủy nhiệm cho ông tiện đường sang Khâm Châu đón quân Thanh. Tháng 9, năm Mậu Tý (1788), ông sang Liêm Châu, Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị bảo ông về trước.
Khi quân nhà Thanh kéo sang, Đinh Nhạ Hành được phong làm Đại tướng và cũng lúc này ông đã nhìn rõ bản chất của quan nhà Thanh là muốn cướp nước ta, chứ không phải kéo quân sang để phò nhà Lê. Vì nghi ngờ quân Thanh nên đã nhiều lần khuyên vua Lê Chiêu Thống phải dè dặt. Nhưng vua Lê Chiêu Thống không quan tâm đến lời của ông. Ngay sau đó ông dâng sớ xin cáo quan về làng. Sau đó, vua Lê Chiêu Thống phải an ủi để lưu ông ở lại. Nhưng cũng từ đấy ông không tin Tôn Sĩ Nghị và quân Thanh, mọi việc với đội quân dưới quyền ông đều tự mình lo liệu lấy. Có lần phẫn chí thái quá, ông đã gieo mình xuống sông tự vẫn, các thuộc hạ vớt lên, nhưng sau đó ông không ngớt buồn phiền.
Năm Kỷ Dậu (1789), Lê Chiêu Thống chạy theo đám tàn quân Thanh sang Trung Quốc, Đinh Nhạ Hành cũng theo phò và đã phải ngậm đắng nuốt cay trước thái độ bạc đãi của triều đình Mãn Thanh. Mùa xuân năm Quý Hợi (1803), nghe tin Gia Long thống nhất đất nước, Đinh Nhạ Hành cùng Lê Quýnh dâng biểu xin về nước cũ. Vua Thanh không cho và bảo chờ có sứ ta sang cầu phong sẽ liệu sau.
Đến tháng 7 năm đó, ông mắc bệnh nặng rồi mất, hưởng dương 52 tuổi, lưu lạc ở Trung Quốc 14 năm. Về sau, con ông rước linh cữu ông cùng theo hài cốt của vua Lê Chiêu Thống về chôn cất tại quê nhà.
Lời bàn:
Với khẩu hiệu phù Lê diệt Trịnh, sau khi lật đổ họ Trịnh, anh em Tây Sơn giao lại Bắc Hà cho vua Lê (1786), rồi rút quân về Nam. Vua Lê lúc ban đầu là Lê Hiển Tông, sau khi qua đời, Lê Duy Khiêm (Lê Duy Kỳ) được kế vị khi 21 tuổi, hiệu là Chiêu Thống. Lê Chiêu Thống là vị vua thứ 16 và là cũng là vị vua cuối cùng của nhà Lê trung hưng, ở ngôi từ cuối tháng 7 âm lịch năm 1786 tới đầu tháng Giêng năm 1789. Lê Chiêu Thống lên ngôi vua cũng là nhờ được Nguyễn Huệ đưa lên. Nhưng mấy năm sau đó, chính Lê Chiêu Thống đã sang cầu viện nhà Thanh đem quân sang đánh Quang Trung với hy vọng trở lại ngai vàng. Việc làm đó của ông đã bị các sử gia đương thời cũng như hậu thế sau này chỉ trích dữ dội, vì việc làm đó của Lê Chiêu Thống là hành vi “bán nước”, “cõng rắn cắn gà nhà”.
Từ Lê Chiêu Thống suy ra mới hay rằng, một người vong ân bội nghĩa thì người đó cũng sẵn sàng bán nước cầu vinh. Thật đáng giận thay, chỉ vì muốn có vương quyền, vì tham quyền cố vị mà Lê Chiêu Thống đã bán rẻ lương tâm, bán rẻ Tổ quốc và ảo tưởng dựa vào ngoại bang để cầu vinh hưởng lạc. Và cũng đáng thương thay, một người không đủ uy tín và tài năng để cai quản đất nước như Lê Chiêu Thống mà Đinh Nhạ Hành vẫn trung thành một cách mù quáng. Đối với hậu thế, đây quả là một tấm gương phản tỉnh cho những ai có ảo tưởng “phục quốc” bằng con đường dựa vào người nước ngoài.