Võ Đình Tú, người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn. Con nhà giàu, tính hào phóng, lòng dạ chân thật, can đảm hơn người. Từ thuở nhỏ, gia đình đã rước thầy về nhà dạy Võ Đình Tú học văn lẫn võ. Năm 14 tuổi, trong thôn bỗng xuất hiện một nhà sư mặt mày xấu xí, ăn bận rách rưới, thường đến ngồi ở ngõ nhà họ Võ. Trẻ con trong làng hễ trông thấy nhà sư thì kéo nhau đến chọc ghẹo. Mặc lũ trẻ hò reo, làm nhiều điều phiền toái, nhà sư vẫn ngồi xếp bằng tĩnh tọa, mắt nhắm nghiền. Chọc chán mà không thấy phản ứng, chúng bèn kéo nhau bỏ đi.
Riêng Võ Đình Tú thì lại có thái độ rất kính trọng và thương mến nhà sư. Khi nhà sư đến thì Tú hoặc bưng cơm nước, hoặc bánh trái đến cúng dường. Nhà sư hoan hỉ mà nhận. Tuy nhiên, hai người không hề nói với nhau một lời. Một hôm, trời nổi mưa to gió lớn, mọi người không ai dám ra đường. Mưa tầm tã suốt ngày. Đêm đến, mưa tạnh gió ngừng, người trong nhà không thấy Tú đâu cả, ngoài ngõ nhà sư cũng biệt tăm.
Gia đình cho người đi khắp nơi, hết ngày này đến ngày khác vẫn không tìm thấy tung tích. Người nhà quyết đoán là Tú đã bị nhà sư bắt cóc. Đành thắp nhang cầu trời phật gia hộ cho Tú mà thôi. Mười năm sau, Tú trở về và khi ấy đã thành một thanh niên vạm vỡ, sức mạnh như hùm và vẫn giữ được tính tình nhân hậu, chất phát. Mới trông qua không ai biết rằng đó là một võ lâm cao thủ.
Tú về nhà đóng cửa đọc sách, không giao du với ai, trừ Võ Văn Dũng. Hai người là bạn tâm đắc. Gặp nhau ngoài chuyện bàn luận võ nghệ còn thường hay đàm luận thời thế. Nhà giàu, võ nghệ cao cường, song Tú vẫn không thích lập gia đình. Nhiều lúc đóng cửa đi giao du hàng tháng mới về.
Về võ nghệ, Tú thông thạo đủ mọi loại: Côn, kiếm, thương, quyền… Về quyền thì thiên về ngạnh quyền, môn này rất thích hợp với thân vóc và sức mạnh của Tú. Ngoài môn cưỡi ngựa bắn cung, Tú nổi danh về môn sử dụng thiết côn. Khi múa côn giữa trời mưa, người Tú không hề dính một hạt nước. Một mình Tú có khả năng đánh cả hàng ngàn người. Bà Bùi Thị Xuân có tặng Võ Đình Tú một lá cờ đào thêu bốn chữ vàng “Thiết côn tướng quân”.
Khi Võ Văn Dũng về với Tây Sơn, Dũng đã giới thiệu Tú cùng Tây Sơn vương. Vương thân hành cưỡi ngựa đến nhà thăm và mời về hợp tác. Trong doanh trướng Tây Sơn, Tú rất tâm đắc với Nguyễn Huệ, được Huệ thương yêu như ruột thịt. Ngày ngày cùng nhau đàm đạo võ nghệ, binh pháp. Khi nhà Tây Sơn khởi nghĩa, Võ Đình Tú được phong chức Đại Tổng lý cùng Bùi Thị Xuân quản lý vùng Tây Sơn và phòng thủ doanh trại.
Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng đế, phong Võ Đình Tú chức Thái úy. Vua Quang Trung khi ra Thuận Hóa thì đem Tú theo. Khi ấy Bùi Đắc Tuyên mới làm Thị Lang bộ Lễ, nhưng vì là em ruột của Bùi hoàng hậu nên được ra vào cung cấm tự do. Tuyên thường bày nhiều trò chơi để mua lòng Thái tử Nguyễn Quang Toản. Vốn biết Võ Đình Tú có tài nhảy cao, Tuyên xúi Quang Toản yêu cầu Tú biểu diễn cho xem.
Một hôm khác, Võ Đình Tú cùng Đặng Xuân Phong vào cung bệ kiến vua Quang Trung. Biết rằng đó là hai tướng nổi danh tuyệt kỹ về đánh côn, Bùi Đắc Tuyên liền tìm cách mua vui cho thái tử. Tuyên lấy tư cách người đồng châu, mời Võ, Đặng đến nhà riêng uống rượu. Thái tử cũng được rước đến. Tiệc rượu được khoản đãi vào buổi chiều. Tiệc xong, thái tử đòi xem hai vị đại thần đấu côn.
Sau cuộc đấu côn này, dư luận xôn xao. Lớp thì khen hai vị công thần tài nghệ tuyệt luân, xứng danh với “Tây côn lưỡng thần công”. Lớp thì chê bai hai vị đại thần không biết tự trọng. Lời thị phi bay đến tai vua Quang Trung. Nhà vua liền quở trách thái tử và hai vị đại thần Võ, Đặng, rồi cấm Bùi Đắc Tuyên không được bày các trò vui làm mất thể thống các quan đại thần như thế nữa.
Lời bàn:
Theo các tài liệu còn lưu truyền thì Võ Đình Tú là một trong thất hổ tướng của Nguyễn Huệ. Và khi triều đình Tây Sơn được thành lập, Nguyễn Huệ lên làm vua, Võ Đình Tú trở thành một trong những vị khai quốc công thần theo nhà Tây Sơn từ thuở còn áo vải. Ấy vậy mà muốn lấy lòng thái tử Quang Toản khi đó mới chỉ là một đứa trẻ, nhưng Bùi Đắc Tuyên đã yêu cầu Võ Đình Tú phải múa võ làm trò mua vui. Có lẽ vì đạo quân thần và thái tử Toản sau này là vị vua tương lai nên Võ Đình Tú không dám bất tuân lệnh. Thế mới hay rằng, đã là kẻ nịnh thần và gian thần thì chúng không trừ một thủ đoạn nào để lấy lòng chủ nhân, ngay cả khi chúng biết việc làm ấy có thể làm nhục và thậm chí làm mất mạng đồng liêu, nhưng chúng vẫn cứ làm.
Tiếc rằng vua Quang Trung ngày ấy thiếu nghiêm khắc trong việc dạy bảo thái tử và quần thần, đặc biệt là đối với những người là hoàng thân, quốc thích như Bùi Đắc Tuyên. Chính sai lầm này đã dẫn đến sự lộng quyền của Bùi Đắc Tuyên và cũng là nguyên nhân chính làm cho triều đại Tây Sơn nhanh chóng bị diệt vong. Vẫn biết rằng đây là cái giá quá đắt đối với nhà Tây Sơn, nhưng là bài học hữu ích cho hậu thế trong việc dùng người.