Hàng rong trên đường phố Hà Nội xưa và nay

Xưa

Hàng rong không chỉ ở Hà Nội mới có nhưng hàng rong trên đường phố Hà Nội đã tạo nên nét đẹp riêng trong văn hóa của phố thị. Ở nơi đây người ta đi bán rong đủ mọi thứ thực phẩm: rau, củ, quả, tào phớ, xôi, chè, bánh mì…; đồ gia dụng: xoong, nồi, rổ, rá, chổi, thảm…; sửa chữa rong, mài dao kéo, thu mua phế liệu… Đặc biệt là những hàng hoa rong trên phố như tô điểm cho bức tranh phố xá thêm phần thi vị, đã tốn nhiều giấy mực của thi sỹ. Trước đây, người bán hàng rong chủ yếu đi bộ, gánh quẩy hàng trên vai hoặc đội trên đầu; nhiều mặt hàng được nhận diện với tiếng rao có âm điệu rất đặc trưng. Ngày nay, tuy siêu thị và cửa hàng tiện ích có ở khắp mọi nơi nhưng hàng rong vẫn rất phong phú, len lỏi vào các ngõ nhỏ của Hà Nội. Người bán hàng không chỉ đi bộ mà còn dùng xe thồ, xe đạp, xe máy. Nhiều loại hàng rong có tiếng rao được người bán hàng ghi âm rồi phát qua loa như: thu mua phế liệu, bán trái cây, bán dép, bán chổi…

Gánh hàng lòng lợn tiết canh rong

 © Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp

Phở gánh xuất hiện và dần phổ biến trên các con phố Hà Nội từ đầu thế kỷ 20. Nhà văn Thạch Lam đã khắc họa hình ảnh và hương vị của phở gánh: “…nước dùng trong và ngọt; bánh dẻo mà không nát; thịt mỡ gầu giòn chứ không dai; rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, lại điểm thêm chút cà cuống…”. Hình ảnh và hương vị đó đã in sâu vào ký ức của bao thế hệ người dân Hà Nội.

© Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp

       

Hàng nước giải khát rong, 1953. Người đàn ông sử dụng đôi gánh bán phở để làm phương tiện bày bán các loại nước ngọt đóng chai, bia, rượu… đặt trên mặt bàn. Các quán giải khát lưu động như vậy vẫn còn thấy trên đường phố Hà Nội đến những năm 1960.

 © TT Lưu Trữ Quốc Phòng Pháp

Mưu sinh trên đường phố Hà Nội còn có lực lượng đông đảo là trẻ em:

             

Hai bé gái bán thạch hoặc chè đỗ đen rong. Một loại thức uống giải nhiệt vào mùa hè. Người bán thường cho thêm chút tinh dầu chuối hoặc dầu nhài và vài viên đá mát lạnh vào cốc.

 © Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp

         

Bé trai bán kem đựng trong phích giữ nhiệt, mỗi phích đựng được 20 que kem. Những năm 50 của thế kỷ 20 nhà máy nước đá ở Hàng Vôi có sản xuất kem đậu xanh nhưng sản xuất chậm và số lượng ít. Kem que là món quà yêu thích của số đông trẻ em hàng phố thời bấy giờ. Cứ mỗi khi nghe thấy tiếng rao đầy chất hài hước của người bán: “Kem một hào hai chiếc, một chiếc năm xu đâyyyyy” hoặc “Kem hào đôi, lôi thôi hào bốn, lỗ vốn hào năm đâyyyyy” là đôi chân của trẻ con hàng phố lại rộn ràng, xốn xang muốn chạy ngay ra thưởng thức. Sau này đến những năm 90 bán kem dạo ở vùng ngoại ô, người bán không sử dụng phích đựng kem nữa mà sử dụng hộp xốp, đi xe đạp và dùng kèn bóp tay tự chế thay cho tiếng rao. Giờ đây âm thanh này đã trở thành kỷ niệm đẹp gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 7X, 8X vào những ngày hè oi bức.

© TT Lưu Trữ Quốc Phòng Pháp

Hàng bán muối rong trước Ô Quan Chưởng sáng mùng 1 tết, 2010. Người dân Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung quan niệm đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi. Mua muối đầu năm với mong muốn mang lại may mắn và hạnh phúc đến trong cả năm. Vì vậy những người bán muối rong đi khai xuân bán hàng với mong muốn mang lại may mắn cho mọi người nhiều hơn là mục đích kiếm tiền.

© Nguyễn Hữu Bảo

Hàng rong trên đường phố Hà Nội từ xưa đến nay bán các mặt hàng rất phong phú và đa dạng. Xưa chợ ở Hà Nội nhiều nhưng họp theo phiên gây khó khăn cho người dân vì thế nên hàng rong ra đời gắn với tiếng rao với đủ các âm vực vùng miền. Vào năm 2009 hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đã có văn bản cấm bán hàng rong ở 63 tuyến phố nhằm xây dựng hình ảnh tuyến phố văn minh hiện đại. Ngày nay chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại có ở nhiều nơi nhưng hàng rong không vì thế mà mất đi. Các con ngõ của Hà Nội rất nhỏ và sâu là cơ hội cho hàng rong phát triển, len lỏi vào từng ngõ ngách, tạo nên sự tiện lợi cho người dân.

Phạm Biển, Phòng Trưng bày – Tuyên truyền