Vua Thành Thái nói đùa câu gì mà khiến người đánh trống sợ đến sinh bệnh?

Lịch Sử

Kể từ đó, ngày nào tay trống ấy cũng luyện tập, nhưng tật lúc lắc đầu vẫn không bỏ được. Anh ta quá lo sợ nên nhuốm bệnh nặng rồi chết. Nghe tin ấy, vua Thành Thái rất thương tiếc một tài năng nghệ thuật và rất hối hận vì câu nói vô tình của mình.

Vua Thành Thái là vị hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ năm 1889 đến năm 1907. Do chống Pháp nên ông cùng với các vua Hàm Nghi, Duy Tân bị đi đày tại ngoại quốc. Vua Thành Thái tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân và là con thứ 7 của vua Dục Đức với bà Từ Minh hoàng hậu Phan Thị Điểu.

Ngày 28/1/1889, vua Đồng Khánh lâm bệnh qua đời. Khi đó con vua Đồng Khánh mới 3 tuổi nên không nối ngôi được, vì thế Bửu Lân mới được chọn lên ngai vàng. Ngày 2-2-1889, Bửu Lân lên ngôi lấy hiệu là Thành Thái. Khi đó Bửu Lân mới 10 tuổi. Là một ông vua trẻ nên Thành Thái có nhiều tính cách đặc biệt. Những ngày đầu, tuy đã là vua nhưng vì còn nhỏ nên ông vẫn thích chơi bời, nghịch ngợm. Một số quan phụ chính giúp đỡ như Tuy Lý Vương, Nguyễn Trọng, Trương Quang Đản thường có lời can ngăn nhưng không được ông nghe. Các bà hậu ở Lưỡng cung rất lo cho Thành Thái đã bắt ông ra ở đảo Bồng Dinh trên hồ Tịnh Tâm và quản thúc ông rất ngặt để đưa vào khuôn phép.

Vua Thành Thái nói đùa câu gì mà khiến người đánh trống sợ quá rồi sinh bệnh chết? - Ảnh 1.

Vua Thành Thái.

Một thời gian sau, ông mới được đưa trở về Đại Nội. Nhưng vì còn trẻ nên vua Thành Thái vẫn thường bộc lộ tính cách có phần ngông nghênh của mình. Đến ngày nay, ở Huế vẫn còn truyền nhau giai thoại về lời nói đùa tai hại của vua Thành Thái. Chuyện kể rằng, trong Đại Nội, nhà vua thường xem tuồng ở Duyệt Thị Đường. Chính Thành Thái là một tay đánh trống tuồng giỏi và ưa diễn tuồng. Nhà vua đã từng đóng vai Thạch Giải Trại trong vở Xảo Tống. Có lần nghe đồn có một tay đánh trống tuồng cừ khôi, nhà vua triệu ngay vào cung, bảo biểu diễn cho vua xem. Sau khi xem xong, vua ban thưởng ngay và thú nhận với đình thần là tài năng tên này hơn cả mình. Sau đó, nhà vua vỗ vai người đánh trống nói đùa:

Ta phục tài đánh trống của nhà ngươi lắm, ta thưởng cho 3 lạng bạc. Nhưng có một điều nhà ngươi cần phải sửa là trong khi đánh trống, nhà ngươi có tật lúc lắc cái đầu trông xấu lắm. Sau tháng Sáu, ngươi trở lại đây biểu diễn, nếu lúc đó cái đầu nhà ngươi vẫn còn lúc lắc thì ta mượn nó đấy.

Kể từ đó, ngày nào tay trống ấy cũng luyện tập, nhưng tật lúc lắc đầu vẫn không bỏ được. Anh ta quá lo sợ nên nhuốm bệnh nặng rồi chết. Nghe tin ấy, vua Thành Thái rất thương tiếc một tài năng nghệ thuật và rất hối hận vì câu nói vô tình của mình. Vua liền lệnh Bộ Lễ ban phát cho gia đình người đánh trống một số bạc lớn để tống táng người chết và mưu sinh cho người thân còn sống.

Giai thoại thứ hai là vào thời ấy, ở kinh thành Huế có một thanh niên tên là Hai Hót vừa đẹp trai lại vừa có tài tán tỉnh nên nhiều bà đã dâng cả tình lẫn tiền cho gã. Có lần vua Thành Thái cho gọi Hai Hót vào Đại Nội thử tài và Hai Hót đã thắng, nhà vua phải thưởng 3 lạng bạc và cho hút một điếu thuốc trà.

Sau đó, Hai Hót xuống chợ Bao Vinh “hót” được một chị lái đò. Ngay ngày hôm ấy, chị lái đò đã phải lòng rồi mời Hai Hót xuống đò ăn uống và cho biết chồng chị đi vắng chiều tối mới về. Không ngờ anh chồng nửa chiều đã về và bắt quả tang Hai Hót thông dâm với vợ mình. Sẵn cái cọc chèo trong tay, anh ta đánh cho Hai Hót một vố vào đầu chết ngay tại chỗ.

Sự việc xảy ra, quan huyện kết án anh lái đò 15 năm khổ sai. Án trình lên tỉnh Thừa Thiên giảm xuống còn 10 năm khổ sai, rồi đưa lên Bộ Hình lại giảm xuống 5 năm. Sau khi xem hồ sơ, vua Thành Thái thấy anh lái đò đáng được tha. Nhà vua phê vào bản án 4 câu Kiều, chắp lại thành một lời phán quyết sâu sắc: Hại một người, cứu muôn người. Anh hùng đoán giữa trần ai mới già. Mệnh trời mà cũng quyền ta. Thấu tình đạt lý ta tha cho về.