Vương Thông chỉ huy 10 vạn quân Minh đối đầu Lê Lợi: 7 vạn mất mạng

Lịch Sử
Vương Thông chỉ huy 10 vạn quân Minh đối đầu nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi, sau đó lại cầu viện thêm 15 vạn quân nữa, nhưng tất cả đều vô vọng trước sức mạnh của quân và dân Đại Việt. Cuối cùng, Vương Thông phải xin giảng hoà để cùng tàn quân rút chạy về nước…

Trong số các tướng lĩnh đã từng chinh chiến ở Đại Việt, Vương Thông có thể xem là một trong những người đánh nhau lâu và nhiều trận nhất với quân Lam Sơn. Nhưng bởi cầm binh ngay lúc quân Lam Sơn đang đà quật khởi, Vương Thông đã trở thành tổng binh đen đủi nhất của nhà Minh khi kéo quân sang xâm lược tại nước ta, với nhiều chiến bại thê thảm và một kết cục không lấy gì làm vinh quang lắm cho đời binh nghiệp của mình.

Dòng dõi binh gia, sự nghiệp đang lên

Vương Thông người Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc, nối nghiệp cha là Vương Chân làm Đô chỉ huy sứ; cha con đều theo binh nghiệp lập nhiều chiến công, đều được phong lên đô đốc. Sau khi cha mất, Vương Thông được ban tước Vũ Nghĩa bá, hưởng lộc nghìn thạch, được hưởng quyền thế tập.

Năm Vĩnh Lạc thứ 7 (1409), Vương Thông được giao cai quản công việc xây dựng Trường lăng (lăng mộ của Minh Thành Tổ). Năm Vĩnh Lạc thứ 11 (1413), ông ta được ban tước Thành Sơn hầu, lộc tăng thêm 200 thạch. Năm Vĩnh Lạc thứ 12 (1414), được cử làm Tả dịch đi tham chiến ở phía bắc. Khi Minh Nhân Tông lên ngôi, Vương Thông được giao quản hậu phủ, hàm gia thêm Thái tử thái bảo.

(Theo Minh sử liệt truyện, quyển 154)

Thành Sơn hầu Vương Thông – vị tổng binh cuối cùng của nhà Minh ở Giao Chỉ

Đối với nhiều tướng lĩnh nhà Minh trước năm 1420 thì sang Giao Chỉ quả thật là cơ hội hiếm có để lập công phong tước. Nhưng số phận Vương Thông lại không may mắn như vậy, ông ta được phái sang nước ta ngay lúc quân Minh thế lực đang yếu nhất và quân Lam Sơn ngày càng mạnh mẽ với nhiều chiến thắng liên tiếp.

Tháng 9 năm 1426, sau khi tổng binh tại Giao Chỉ (Việt Nam ngày nay) là Phong Thành hầu Lý Bân chết, Thái tử thái bảo Thành Sơn hầu Vương Thông được phong làm “Chinh Di tướng quân”, sang thay Trần Trí đảm nhiệm chức tổng binh, nắm quyền chỉ huy toàn bộ quân Minh trên lãnh thổ nước ta. Đô đốc Mã Anh được cử làm tham tướng. Những tướng lĩnh cũ là Trần Trí, Phương Chính, Thái Phúc… phần nhiều đều bị hạch tội, sung làm sự quan – chức quan dành cho những kẻ đang có tội nhưng tạm tha, cho tại chức để lập công chuộc tội.

Nhà Minh điều 5 vạn quân theo Tổng binh Vương Thông sang cứu viện cho bọn Trần Trí. Ngoài ra, còn bổ sung 1 vạn quân Minh dưới quyền tướng Vương An Lão từ Vân Nam tiến sang.

Với đoàn quân hùng mạnh trang bị đầy đủ, Vương Thông tự tin rằng sẽ đè bẹp quân Lam Sơn một cách dễ dàng. Khí thế ban đầu của quân tướng dưới trướng Vương Thông rất đáng gờm. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Quân giặc dàn doanh trại liền nhau đến vài mươi dặm, cờ xí rợp đồng, giáo mác rực trời, tự cho là đánh một trận là bắt hết được quân ta”.

Thế nhưng, quân Lam Sơn cho đến tháng 10 năm 1426 đã không còn là một toán quân nổi dậy nhỏ lẻ nữa mà đã trở thành một đạo quân chính quy hơn 20 vạn người với tinh thần sung mãn và sẵn sàng cao độ. Đây là lúc mà dân Việt thức tỉnh sau giấc ngủ dài hơn 130 năm. Họ đã trở lại là dân tộc từng phá Tống bình Nguyên như xưa. Đây mới là điều đáng sợ nhất đang đón chờ Vương Thông và đoàn quân nạp mạng của ông ta.

Vương Thông chỉ huy 10 vạn quân Minh đối đầu Lê Lợi: 7 vạn mất mạng - Ảnh 1.

Tượng đài Lê Lợi, thủ lĩnh khởi nghĩa Lam Sơn (ảnh: Wikipedia).

“Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm; Tốt Động thây chất thành núi, nhơ để ngàn năm”

Như đã nói ở trên, kết cục bại vong quả thật đã đến rất nhanh với Vương tổng binh và đoàn quân có vẻ “oai hùng” kia của ông ta. Đó chính là trận Ninh Kiều, hay còn gọi là Tốt Động – Chúc Động, tiêu biểu cho nghệ thuật chiến tranh nổi tiếng của quân Lam Sơn:

“Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh,

Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều”.

(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi).

Cuối năm 1426, Vương Thông với 10 vạn đại quân chia làm ba đạo tiến đánh cánh quân của Lý Triện, Đỗ Bí tại Ninh Kiều. Vương Thông muốn thực hiện bao vây, diệt gọn toàn bộ lực lượng quân Lam Sơn của Lý Triện và Đỗ Bí ở tây Đông Quan, từ đó tiếp tục đánh tỏa ra. Hắn cho rằng quân của Trịnh Khả, Phạm Văn Xảo đang còn bận tay ở thành Tam Giang, nên Lý Triện và Đỗ Bí sẽ khó chống nổi đòn tổng lực của quân Minh.

Tuy nhiên, “binh vô thường thế, thủy vô thường hình”, bậc đại tướng cầm quân hơn nhau ở khả năng tùy cơ ứng biến. Khuyết điểm lớn nhất của Vương Thông là không nắm rõ tình hình địch và quá tự tin vào đạo quân của mình. Trong khi đó, các tướng lĩnh của Lam Sơn đều là thân kinh bách chiến, tinh thông binh pháp và cực kỳ am hiểu quân Minh. Quân của họ toàn là tinh nhuệ, trải trăm trận trong tình thế lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, thì tương quan lực lượng về quân số càng không có ý nghĩa gì.

Với phương châm “Ngồi đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc” của Lý Thường Kiệt thủa xưa, ngay lúc mà quân Minh đang triển khai thiết lập vòng vây thì Lý Triện, Đỗ Bí đã tung quân đánh trước. Ngày 5/11/1426, quân Lý – Đỗ tấn công cánh quân Sơn Thọ, Mã Kỳ là cánh quân mỏng yếu nhất trong ba cánh bao vây của quân Minh. Khi giao chiến, quân ta vờ tháo chạy dụ địch đuổi theo qua cầu Tam La, là chỗ bùn lầy khó đi. Thình lình phục binh nổi lên cùng voi chiến xông ra đánh tạt ngang vào đội hình quân Minh; hơn 1.000 quân Minh trong chốc lát đã bỏ thây tại trận. Sơn Thọ và Mã Kỳ hết sức kinh sợ, dẫn quân chạy ngược về thành Đông Quan.

Lý Triện và Đỗ Bí thừa thắng đem quân tiến đánh bọc hậu cánh quân của Phương Chính, Lý An hòng tạo ra sự tan rã dây chuyền trong hàng ngũ giặc. Nhưng Phương Chính và Lý An khi hay tin Sơn Thọ và Mã Kỳ bại trận đã kịp thu quân về thành.

Lúc này, Vương Thông với lực lượng đông đảo còn lại vẫn đóng tại Cổ Sở. Hay tin hai cánh quân đã bị quân Lam Sơn bức rút, Thông cho người vào thành lệnh cho toàn bộ số quân tướng đã rút về phải quay ngược trở ra, tập trung tại bến Cổ Sở ngay trong đêm 5/11/1426.

Bỏ kế hoạch bao vây, quân Minh chuyển sang tập trung quân để đánh thẳng căn cứ Ninh Kiều.

Lý Triện, Đỗ Bí liệu thế binh ít không chống nổi, cho đốt bỏ doanh trại ở Ninh Kiều, lui quân về giữ Cao Bộ, đồng thời cho người cấp báo với cánh quân của Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Trương Chiến, Lê Hối đang đóng ở Tham Đàm đề nghị đem quân ứng cứu.

Quân của Đinh Lễ, Nguyễn Xí là đạo quân tinh nhuệ nhất trong các đạo quân Bắc tiến, gồm cả đội Thiết đột đặc biệt tinh nhuệ. Được tin, Đinh Lễ, Nguyễn Xí cùng các tướng tức tốc cho quân lên đường tiếp viện, hội quân ở Cao Bộ.

Nghĩa quân lại bắt được gián điệp của quân Minh, tra khảo ra được kế hoạch của giặc chia 2 đường tấn công, định đặt súng bắn vào phía sau quân ta, hễ nghe tiếng pháo thì các hướng quân Minh sẽ cùng tiến đánh mạnh. Do vậy, quân Lam Sơn đã đặt sẵn mai phục ở Tốt Động Chúc Động đợi giặc tiến vào sau tiếng súng. Vào một đêm tháng 11/1426, hai đạo quân Minh từ hai ngả tiến đánh Cao Bộ. Đạo kỳ binh giặc tiến qua Chúc Động, chính binh của Vương Thông thì gần đến Tốt Động.

Khoảng canh năm, quân ta chủ động cho phát pháo. Vương Thông tưởng đạo kỳ binh đã tiến vào thuận lợi, thúc quân tiến gấp để phối hợp. Chờ giặc lọt vào trận địa mai phục ở Tốt Động, phục binh Lam Sơn bốn bề nổi lên tấn công kịch liệt.

Trời mưa khiến đường sá lầy lội, người ngựa quân Minh bị mắc lầy, trước sau không ứng cứu được nhau. Quân Lam Sơn thừa thế tấn công, tượng voi từ Cao Bộ xông tới băm nát đội hình hành quân của giặc. Ở phía Chúc Động, đạo kỳ binh cũng trúng mai phục và thiệt hại nặng nề. Vương Thông hết đường chống đỡ, cùng quân tướng mạnh ai nấy chạy, giẫm đạp cả lên nhau. Đến Ninh Kiều, giặc tranh nhau qua cầu, rơi xuống sông chết đuối nhiều vô kể. Binh bộ thượng thư nước Minh là Trần Hiệp, Nội quan Lý Lượng, Đô chỉ huy Lý Đằng đều chết trong đám loạn quân. Vương Thông cũng bị thương, may sao thoát được. Các tướng Minh khác là Mã Kỳ, Mã Anh, Sơn Thọ… ai nấy đều cắm đầu chạy thục mạng về thành Đông Quan, đóng cửa thành cố thủ.

Vương Thông chỉ huy 10 vạn quân Minh đối đầu Lê Lợi: 7 vạn mất mạng - Ảnh 2.

Nghĩa quân Lam Sơn tiến quân ra Bắc (ảnh: Wikipedia).

Nhận tin chiến thắng, Lê Lợi đích thân dẫn đại quân và 20 thớt voi chia hai đường thủy, bộ ngày đêm đi gấp. Quân ta lần lượt chiếm các mục tiêu xung quanh thành Đông Đô, rồi bắt đầu vây thành này. Để chặn đường tiếp viện, cũng như làm suy yếu tinh thần quân Minh đang bị vây, Lê Lợi sai các tướng chiếm lĩnh các thành trì nằm trên trục lộ huyết mạch như thành Điêu Diêu, Thị Cầu, Tam Giang, Xương Giang, Khâu Ôn.

Thế lực quân Minh lúc này bị co cụm lại, Vương Thông tại thành Đông Quan sa vào tình thế tuyệt vọng, đành phải giao lại đất đai từ Thanh Hóa trở vào nam cho Lê Lợi và ra lệnh quan quân đóng tại các nơi này phải rút lui về thành Đông Quan gấp.

Đây là một trận chiến rất lớn với thiệt hại nặng nề cho quân Minh, tạo nên bước ngoặt cho chiến tranh; vì thế nên có rất nhiều ghi chép trong sách sử của cả 2 bên Việt – Trung.

“Nam Việt truyện” chép như sau:

“Bảy vạn người không còn sót ai”, có thể hiểu là tất cả bảy vạn quân Minh đã bị chết hoặc bị bắt.

“Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cũng chép:

“Quân Minh cùng giày xéo chồng chất lên nhau, chết đến hơn 5 vạn. Số quân địch chết đuối cũng rất nhiều, làm nghẽn cả khúc sông Ninh Giang”.

“Minh thực lục” thì ghi rằng:

“Ngày 9 tháng 11, năm Tuyên Ðức thứ nhất [7/12/1426] quan Tổng binh Thành Sơn hầu Vương Thông tiến binh bị thua to, quân nổi dậy bèn vây thành Đông Quan.

Trước đó tướng Lê Thiện [Triện] chia quân làm 3 đạo, tới đánh thành Giao Chỉ. Một đạo từ cửa phía tây đánh vào thành đất Thanh Oai, một đạo từ Giáo Trường đánh Hạ Quan. Bị Đô đốc Trần Tuấn dùng súng lửa, hỏa tiễn đánh lui. Một đạo đánh vào cửa nhỏ tại ven sông gặp Sự quan Lý An mang quân tinh nhuệ giao chiến, bị chết rất nhiều, nửa đêm bèn rút lui.

Lúc này Thông điều quân chia đường mà tiến. Tham tướng Đô đốc Mã Anh mang quân đến Thanh Oai gặp quân nổi dậy, giành chiến thắng nhanh chóng. Rồi đến huyện Thạch Thất họp quân với Thông, cả hai mang quân đến huyện Ứng Bình, trú quân tại Ninh Kiều. Các tướng nói đất này hiểm trở nên lập trại để xem tình hình, không nên coi thường mà tiến. Thông không nghe, cho điều quân qua cầu, đường sá lầy trơn, người ngựa lặn lội, phục binh nổi lên, quan quân bị bại.

Thượng thư Trần Hiệp chết, Chỉ huy Lý Đằng bị quân nổi dậy chém đầu, Thông trúng thương nên quay về. Lê Lợi tại Nghệ An nghe tin bèn mang đại quân tới Thanh Đàm, đánh các xứ tại Bắc Giang, rồi vây thành Đông Quan”.

“Bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt; Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công”

Trận thua Ninh Kiều tuy nặng nhưng mới chỉ là mở màn cho tấn bi kịch của Vương Thông. Khi Lê Lợi đem quân từ Thanh Hóa ra và bao vây thành Đông Quan tầng tầng lớp lớp, đến con ruồi cũng không bay lọt, sự thống khổ của Vương Thông mới thực sự bắt đầu.

Vương Thông bị vây bức trong nội thành vẫn chỉ huy quân tướng cố sức chống giữ mãnh liệt. Nhưng quân Minh đã bị cô lập, lại chịu sự tấn công dồn dập của quân Lam Sơn nên dần hết khí giới, đạn dược. Tình thế nguy khốn đến mức Vương Thông đã hạ lệnh cho nấu chảy chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh – hai trong bốn thứ bảo vật được tôn vinh là “An Nam tứ đại khí” để đúc súng đạn. Quân Minh ở thành Đông Quan ngày đêm tăng cường đào hào đắp lũy, gia cố tường thành. Vì lương thực trong thành còn dồi dào và tường thành vững chắc, nên giặc còn hy vọng cố thủ chờ viện binh sang cứu.

Lúc này, ngoài thành Đông Quan ra thì quân Minh vẫn còn cố thủ ở 12 thành trì kiên cố khác là: Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Tây Đô, Cổ Lộng, Điêu Diêu, Tam Giang, Thị Cầu, Xương Giang, Chí Linh và Khâu Ôn; nhưng tất cả đều đã bị bao vây cô lập.

Lúc này quân đội Lam Sơn đã đông đến hơn 35 vạn quân, nhưng sách lược của họ là bảo toàn lực lượng và chiến thắng với cái giá phải trả thấp nhất. Đó là bởi vì quân Lam Sơn không biết nhà Minh có còn lá bài nào muốn “nướng” nữa hay không, hơn nữa chiến thắng mà cả đất nước tan hoang thì cũng không có ích lợi gì cho sự phát triển về sau.

Dần dần, Vương Thông nhận ra rằng tình thế khó mà thay đổi, và việc bại vong của quân Minh chỉ còn là vấn đề thời gian. Một khi khí giới, lương thảo trong thành cạn kiệt, quân Minh chỉ còn đường chết đói hoặc bị giết. Đúng là:

“Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng

Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng”.

(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi).

Trước tình thế đó, Vương Thông đã phải tính đường nghị hòa. Thông phái thái giám Sơn Thọ đem thư đến cho Lê Lợi, xin được hòa hoãn để rút binh về nước. Nhận được thư xin hòa, Lê Lợi nói: “Không đánh mà khuất được quân của người, ấy là mưu hay nhất trong các mưu hay!” (Theo Lam Sơn thực lục). Việc giảng hòa và thư từ qua lại với quân Minh được Lê Lợi giao phó cho Hàn lâm viện thừa chỉ Nguyễn Trãi lo liệu.

Nguyễn Trãi biên thư trả lời Vương Thông rằng:

“Tôi nghe, trời đất đối với muôn vật, nổi sấm sét mà ý hiếu sinh vẫn có ở trong; cha mẹ đối với các con, đánh roi vọt mà ơn dưỡng dục vẫn có ở đây. Nay vâng được thư của ngài cho tôi được tự tân, hân hạnh khôn xiết, thật không khác đức lớn của trời đất cha mẹ, dẫu có tan xương, nát thịt, cũng không đủ báo đền.

Song nếu ngài thực có lòng thương xót dân chúng, thì nên sai đầu mục đến các thành Diễn Châu, Nghệ An, Tân Bình, ra lệnh cho họ đem quân về, tôi sẽ lập tức sắm đủ phương vật tiến cống, cúi xin ngài sai quan cùng đi với tử đệ thân tín của tôi để đến đầu hàng phục tội. Cầu cống đường sá thì tôi xin nhận sửa đắp, không phải phiền đến quan quân. Giá được người nhận lời, không những sinh linh nước tôi được khỏi lầm than, mà binh sĩ Trung Hoa cũng khỏi nỗi khổ gươm giáo vậy”.

(Theo “Quân trung từ mệnh tập”).

Ý đồ của Nguyễn Trãi là nương theo binh uy của quân Lam Sơn để răn đe quân Minh về kết cục bại vong tất yếu, từ đó thuyết phục Vương Thông phải viết thư cho các thành trấn khác rút quân về Đông Quan để quay về nước, như thế quân ta không phải tốn xương máu đánh dẹp.

Việc dụ hàng diễn ra tương đối thuận lợi. Nhờ vào tài văn chương của Nguyễn Trãi và sách lược đúng đắn của Lê Lợi, hàng loạt các thành trì là Diễn Châu, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa đều mở cổng thành đầu hàng. Quân Lam Sơn giữ đúng giao ước, hễ quân tướng giặc ra khỏi thành đều được cấp thuyền bè, sửa sang cầu cống cho thuận lợi đến tập kết tại thành Đông Quan, lại còn cho đoàn tụ vợ con, cấp cho lương thực, thuốc men dọc đường đi.

Công lao của Nguyễn Trãi trong việc thuyết phục Vương Thông và dụ hàng các thành trì là rất lớn. Nhờ đó, ông ngày càng được Lê Lợi tin dùng và hậu thế luôn dành lời ca tụng. Học giả Bùi Huy Bích ở thế kỷ 18 đã nhận định về những văn thư mà Nguyễn Trãi làm trong công cuộc ngoại giao, địch vận là “có sức mạnh như 10 vạn quân”.

“Tưởng chúng biết lẽ ăn năn nên đã thay lòng đổi dạ; Ngờ đâu vẫn đương mưu tính lại còn chuốc tội gây oan”

Hai bên đã định ngày Vương Thông sẽ rút quân về nước thì ngụy quan là Trần Phong và Lương Nhữ Hốt kể chuyện Ô Mã Nhi ngày xưa bị giết để can. Vương Thông sợ, phái người về nước dâng thư xin vua Minh cử viện binh sang. Lê Lợi bắt được người đưa thư, bèn bỏ hòa ước đánh tiếp.

Vua Minh phái Liễu Thăng, Mộc Thạnh đem 15 vạn quân sang tiếp viện. Cả hai đạo quân này nhanh chóng bị tiêu diệt triệt để. Liễu Thăng mất đầu ở trận Mã Yên, gần như toàn quân và các tướng chỉ huy đều bị giết. Mộc Thạnh nghe tin Thăng thua cũng cuống cuồng rút quân, nhưng bị Trịnh Khả và Phạm Văn Xảo truy kích ở Lê Hoa, chém hơn vạn thủ cấp, toàn quân tan tác, Thạnh một mình một ngựa chạy về nước.

Đến lúc này thì Vương Thông đã hoàn toàn tuyệt vọng không còn cách nào khác nữa. Ông ta và nội quan Sơn Thọ nhà Minh sai viên thiên hộ họ Hạ mang thư đến giảng hoà, xin mở cho đường về. Lê Lợi chấp nhận, lại gửi tặng thổ sản và hải sản.

Tuy vậy nhưng Vương Thông vẫn do dự chưa quyết, đem hết quân trong thành ra đánh thử thời vận một lần nữa. Nghĩa quân Lam Sơn đặt phục binh rồi vờ thua chạy, quân Minh đuổi theo, tới trận địa phục binh thì bị đánh tan. Vương Thông ngã ngựa, suýt bị bắt, nghĩa quân tiến đến cửa Nam thành, đắp bờ lũy chống giữ. Lê Lợi thân đốc các tướng đem quân đắp lũy từ phường Yên Hoa thẳng tới cửa Bắc thành Đông Quan. Quân Minh chỉ dám ở trong thành không dám ra.

“Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng; Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức”

Ngày 22/11 năm Đinh Mùi, Lê Lợi cùng các tướng lĩnh Lam Sơn và Vương Thông cùng tướng lĩnh nhà Minh làm hội thề ở cửa Nam thành Đông Quan.

Vương Thông hẹn rằng đến ngày 12/12 thì đem quân về nước và sai người đem tờ trình xin trả lại đất đai cho nghĩa quân. Lê Lợi sai giải vây thành Đông Quan, kéo quân lui về, lại sai giải vây cho 3 thành: Tây Đô, Cổ Lộng và Chí Linh; truyền cho nghĩa quân hộ tống các tướng trong 3 thành trên dẫn quân về thành Đông Quan, để cùng về Trung Quốc.

Ngày 29/11 năm Đinh Mùi, Lê Lợi sai Lê Thiếu Dĩnh, Lê Cảnh Quang đem tờ biểu cầu phong của Trần Cảo, cùng các vật phẩm theo viên chỉ huy do Vương Thông sai, sang triều Minh.

Các tướng sĩ, người dân căm tức sự tàn ngược của quân Minh, bảo vua đem giết đi; Lê Lợi đáp rằng.

 

“Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho ức vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?” (Theo Đại Việt sử ký toàn thư).

Tháng 12 năm Đinh Mùi, Lê Lợi ra lệnh cánh đường thủy cấp 500 chiếc thuyền cho Phương Chính, Mã Kỳ lãnh nhận; cánh đường bộ cấp lương thảo cho Sơn Thọ, Hoàng Phúc lãnh nhận; còn hơn 2 vạn người bị bắt hoặc đầu hàng và 2 vạn con ngựa thì do Mã Anh lãnh nhận. Chinh Man tướng quân Trần Tuấn đem quân trấn thủ đi theo. Tất cả đều tới dinh Bồ Đề lạy tạ mà về.

Ngày 12/12, Phương Chính, Mã Kỳ tới dinh Bồ Đề cáo biệt Lê Lợi, ở lại suốt một buổi chiều; Lê Lợi sai sắm trâu ngựa, trướng vẽ và lễ phẩm hậu tặng.

Ngày 17/12, Vương Thông dẫn quân bộ đi sau. Vương Thông cùng Lê Lợi nói chuyện từ biệt suốt đêm rồi đi. Vua sai đưa trâu rượu, cờ thêu, trướng vẽ cùng các lễ vật tiễn chân rất hậu. Quân thủy, bộ của ba thành Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh cùng lục tục rút tiếp. Từ đây, việc binh đao dập tắt, khắp thiên hạ thái bình.

Thế mới là:

“Xã tắc từ đây vững bền

Giang sơn từ đây đổi mới

Càn khôn bĩ rồi lại thái

Nhật nguyệt hối rồi lại minh

Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu

Muôn thuở nền thái bình vững chắc

Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ”.

(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi).

Tĩnh Thuỷ