Giai đoạn từ 1883 tới 1888 là giai đoạn đầy biến động với triều đình Huế khi có tới 5 vị hoàng đế nhà Nguyễn nối tiếp nhau lên ngôi với tổng thời gian chưa đến 5 năm.
1. Vua Dục Đức (1883, 3 ngày)
Vua Dục Đức tên là Nguyễn Phúc Ưng Ái, là con thứ 2 của Thụy Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y và bà Trần Thị Nga. Ông sinh ngày 4 tháng 1 năm Quý Sửu (11/2/1853). Năm 1869, lúc 17 tuổi được vua Tự Đức chọn làm con nuôi và đổi tên là Ưng Chân, cho xây Dục Đức Đường để ở và giao cho Hoàng Quý Phi Vũ Thị Duyên (sau này là Lệ Thiên Anh Hoàng hậu) trông coi, dạy bảo.
Vua Tự Đức mất để di chiếu truyền ngôi cho Ưng Chân, nhưng trong di chiếu có đoạn viết: “… Nhưng vì có tật ở mắt nên hành vi mờ ám sợ sau này thiếu sáng suốt, tính lại hiếu dâm cũng là điều chẳng tốt chưa chắc đã đảm đương được việc lớn. Nước có vua lớn tuổi là điều may cho xã tắc, nếu bỏ đi thì biết làm sao đây”.
Lúc làm lễ lên ngôi, Ưng Chân đã cho đọc lướt đoạn này nên 3 ngày sau hai Phụ chính Đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã phế bỏ Dục Đức theo lệnh của Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu (mẹ vua Tự Đức) và Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (vợ vua Tự Đức).
Làm vua được 3 ngày chưa kịp đặt niên hiệu (Dục Đức chỉ là tên gọi nơi ở) thì Ưng Chân đã bị phế bỏ và giam vào ngục cho đến khi mất. Ông mất ngày 6 tháng 9 năm Giáp Thân (24/10/1884), thọ 32 tuổi.
Đến thời vua Thành Thái (con vua Dục Đức) vào năm 1892 đã truy tôn cha mình là Cung Tôn Huệ Hoàng đế.
Vua Dục Đức có 19 con (11 con trai và 8 con gái).
2. Vua Hiệp Hòa (1883, 4 tháng)
Vua Hiệp Hòa tên là Nguyễn Phúc Hồng Dật, còn có tên là Thăng, con thứ 29 của vua Thiệu Trị và bà Đoan Tần Trương Thị Thuận, sinh ngày 24 tháng 9 năm Đinh Mùi (1/1/1847).
Vua Dục Đức bị phế bỏ, Hồng Dật được đưa lên ngai vàng vào ngày 30 tháng 7 năm 1883, lấy niên hiệu là Hiệp Hòa.
Do có ý thân Pháp, vua Hiệp Hòa lên ngôi chưa được bao lâu thì bị triều đình Huế phế bỏ và buộc uống thuốc độc tự vẫn vào ngày 30 tháng 10 năm Quý Mùi (29/11/1883).
Dưới thời Thành Thái vào năm 1891, ông được truy phong là Văn Lãng Quận vương.
Vua Hiệp Hòa có 17 người con (11 trai, 6 gái).
3. Vua Kiến Phúc (1883-1884)
Kiến Phúc tên là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, con thứ 3 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh. Ưng Đăng sinh ngày 2 tháng Giêng năm Kỷ Tỵ (12/2/1869). Năm 1870 lúc được 2 tuổi, Ưng Đăng được vua Tự Đức nhận làm con nuôi và giao cho bà Học Phi Nguyễn Thị Hương trông coi, dạy bảo.
Sau khi vua Hiệp Hòa bị phế truất, vào ngày 2/12/1883, Ưng Đăng (15 tuổi) được đưa lên ngôi vua và đặt niên hiệu là Kiến Phúc. Vua Kiến Phúc ở ngôi được 8 tháng thì mất vào ngày 10 tháng 6 năm Giáp Thân (31/7/1884) lúc mới 16 tuổi.
Sau khi mất, bài vị vua Kiến Phúc được đưa vào thờ trong Thế Miếu và có Miếu hiệu là Giản Tông Nghị Hoàng đế.
4. Vua Hàm Nghi (1884-1885)
Vua Hàm Nghi tên là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, còn có tên là Minh. Ông là con thứ 5 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn, sinh ngày 17 tháng 6 năm Tân Mùi (3/8/1871).
Sau khi vua Kiến Phúc mất, ngày 12 tháng 6 năm Giáp Thân (2/8/1884) Ưng Lịch được đưa lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Hàm Nghi lúc mới 14 tuổi.
Binh biến năm Ất Dậu (5/7/1885) xảy ra, vua Hàm Nghi cùng quần thần ra Tân Sở, phát hịch Cần Vương, phát động phong trào kháng Pháp trên toàn quốc. Quân Pháp nhiều lần kêu gọi nhà vua quay về nhưng thất bại. Ngày 30 tháng 10 năm 1888, tên Trương Quang Ngọc (người hầu của vua) bị Pháp mua chuộc nên đem người bắt vua Hàm Nghi dâng cho Pháp.
Vua Hàm Nghi bị quân Pháp bắt đi đày ở Algérie vào ngày 13 tháng 1 năm 1889. Nhà vua sống ở đó cho đến lúc mất (4/1/1943), thọ 72 tuổi.
Vua Hàm Nghi có 3 người con (1 trai, 2 gái).
5. Vua Đồng Khánh (1886-1888)
Vua Đồng Khánh tên là Nguyễn Phúc Ưng Thị, còn có tên là Đường và Biện. Ông là con trưởng của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh, sinh ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Tý (19/2/1864). Năm 1865 lúc được 2 tuổi, Ưng Thị được vua Tự Đức nhận làm con nuôi và giao cho bà Thiện Phi Nguyễn Thị Cẩm chăm sóc, dạy bảo.
Sau binh biến năm 1885, vua Hàm Nghi bỏ ngai vàng ra Tân Sở, triều đình Huế thương lượng với Pháp đưa Ưng Đường lên ngôi, đặt niên hiệu là Đồng Khánh.
Ở ngôi được 3 năm, vua Đồng Khánh bệnh và mất vào ngày 27 tháng 12 năm Mậu Tí (28/1/1889) lúc được 25 tuổi.
Sau khi mất, bài vị vua Đồng Khánh được đưa vào thờ trong Thế Miếu và có Miếu hiệu là Cảnh Tông Thuần Hoàng đế.
Vua Đồng Khánh có 10 người con (6 trai, 4 gái).
Theo Danviet