Chiếc áo mưa truyền thống của người Việt Nam, 70 năm trước nhà nào cũng có

Xưa

Ngày nay, mỗi buổi mưa xuống, người ta che dù màu sắc, khoác lên mình chiếc áo mưa làm từ vải dù hay nilon. Mấy ai biết tới áo tơi – chiếc áo mưa truyền thống một thời, nhà nào cũng có. Và giữa buổi hiện đại, ai còn “chằm áo tơi”?

Một thuở áo tơi

Khoảng 70 năm trước, nhà nào cũng có một chiếc áo tơi. Đó là chiếc áo mưa truyền thống của người Việt. Áo tơi thường là lá cọ họ cau, nhiều lớp lá được ghép chồng lên nhau như lợp mái nhà, dày hàng đốt tay rồi dùng chỉ móc cố định lại. Lá phải hơ lửa, đem phơi sương một đêm cho dẻo, không quăn và phơi nắng một buổi rồi mới được sử dụng để làm áo. Áo tơi dài đến bắp chân, không có phần tay, ở cổ có dây buộc cố định. Nhiều người giải thích rằng bởi hình dáng “tơi tả” của của chiếc áo nên mới đặt cho cái tên là áo tơi.

Chiếc áo tơi thời xưa
Hình ảnh chiếc áo tơi thời xưa gắn liền trong các hoạt động

Áo tơi quê nhà luôn gắn bó, gần gũi với bà con nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để làm ra củ khoai, hạt gạo. Vì mặc gọn gàng, không vướng víu khi lao động (cày, bừa, cấy…) nên áo tơi được dùng phổ biến ở nông thôn Viêt Nam. Mỗi lần mưa xuống, người nông dân lại đội nón lá, khoác áo tơi ra đồng. Áo tơi như sự biểu trưng của nét đẹp lao động, của sự cần cù chịu khó.

Chiếc áo tơi thời xưa
Mặc áo tơi, đội nón lá, tay cầm cung như một chiến binh

Bản chất là một chiếc áo mưa nhưng thực chất áo tơi có rất nhiều công dụng. Ngoài che mưa, áo tơi còn có thể che nắng, giảm nhiệt độ của mặt trời chiếu xuống lưng. Người nông dan xưa cũng tận dụng áo tơi để trải ra ngồi nghỉ ngơi, dùng làm mâm dọn cơm ăn hay để đùm chè để giữ cho chè xanh tươi. Đặc biệt, áo tơi còn có thể giữ ấm cho cơ thể những ngày giá rét. Đối với những người nghèo, người hành khất xưa, chiếc áo tơi và cái nón lá quý như vàng, nó chính là “mái nhà” chở che cho họ ngày mưa, ngày rét.

Buổi hiện đại “ai chằm áo tơi”

Đã từ rất lâu, người ta không còn thấy sự xuất hiện của những chiếc áo tơi. Thay vào nó là những chiếc áo mưa với chất liệu vải dù hay nilon mềm, nhẹ. Ấy thế mà ở một nơi quần tụ quanh dãy đồi bát úp, nép vào dưới rặng tre xanh, làng tơi Yên Lạc (Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn tồn tại qua năm tháng, bất chấp thị trường chao đảo, bất chấp dè bỉu của “mốt” hiện đại vẫn lặng lẽ âm thầm bảo lưu một làng nghề truyền thống đã gắn bó lâu đời với mảnh đất cha ông.

Áo tơi ở Yên Lạc
Áo tơi – chiếc “áo giáp lá” của Yên Lạc

Người nghệ nhân làm ra những chiếc áo tơi huyền thoại Đặng Văn Đức (80 tuổi) khẳng định: “còn mưa, còn nắng thì còn tơi”. Cũng đúng thôi, ở cái dải đất gió Lào bỏng rát, nắng quan tàu cau, mưa thối đất này chẳng có loại áo thần kỳ nào thay thế được chiếc áo tơi cả. Giữa đồng không mông quạnh, nón, mũ, nilon không thể che đậy thịt da. Chỉ có cái tơi mới là “áo giáp lá” chống lại mưa nắng nghiệt ngã thất thường.

Ở đây, đàn ông, đàn và, người già, người trẻ, ai cũng có thể chằm tơi. Buổi trưa không ngủ, đưa bàn tơi ra ken lá. Buổi tối vừa uống nước vừa trò chuyện vừa chằm tơi. Các cháu học sinh, sau buổi học về nhà, mỗi buổi chằm dăm chiếc tơi cũng tự giải quyết được tiền sách, vở bút giấy. Cái khắc nghiệt của thời tiết hóa ra cũng lại là cái may để giờ đây, trên đất nước Việt Nam vẫn có nơi giữ được “hồn tơi cũ”. Để ai có dịp dạo qua, người ta có thể hình dung lại, khắc khoải hình ảnh áo tơi mà ngân nga câu hát: “Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng. Dù trời đổ nắng chang chang vẫn tỏa. Để nghĩa tình đừng nhạt đừng phai…”