Lê Thánh Tông là một vị vua ghi những dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Đại Việt . Dưới thời Lê Thánh Tông, các lĩnh vực quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội, văn học, nghệ thuật… đều phát triển.
Những dấu ấn quan trọng
Lê Thánh Tông tên tự là Tư Thành (còn có tên là Hạo) là con trai thứ tư của vua Lê Thái Tông (1434 – 1442). Lê Thánh Tông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442). Mẹ là bà Ngô Thị Ngọc Dao, con gái của Thái bảo Ngô Từ, người làng Đồng Bàng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Lê Thánh Tông là một trong những ông vua Việt Nam ở ngôi lâu nhất (38 năm). Nhưng điều đáng nói không phải vì ông ở ngôi lâu (Lê Hiển Tông ở ngôi 47 năm) mà vì những đóng góp của triều vua này vào đời sống mọi mặt của quốc gia Đại Việt.
Nhìn toàn diện, cuộc đời của Lê Thánh Tông là một cuộc đời hoạt động sôi nổi trên nhiều lĩnh vực mà lĩnh vực nào cũng xuất sắc.
Lê Thánh Tông là người coi trọng chủ quyền của quốc gia. Ông đã từng nói: “Một thước núi, một tấc sông của ta có lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được. Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất của vua Lê Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, thì người đó sẽ bị trừng trị nặng”. Chính dưới thời Lê Thánh Tông đã cho vẽ và in bản đồ quốc gia Đại Việt.
Bộ máy nhà nước trung ương tập quyền dưới triều Lê Thánh Tông đạt đến mức hoàn bị, từ trung ương đến xã. Thế lực của đại quý tộc bị hạn chế thay vào đó là sự tham chính của tầng lớp sĩ phu nho giáo được tuyển lựa bằng con đường thi cử.
Bộ luật Hồng Đức hay còn gọi là Quốc triều hình luật còn lại cho đến nay được ra đời từ thời Lê Thánh Tông. Đây là một bộ luật hoàn chỉnh và có nhiều điểm tiến bộ nhất trong lịch sử luật pháp thời phong kiến ở nước ta.
Dưới thời Lê Thánh Tông là một thời kỳ mà tư tưởng trọng nông và chế độ quân điền được ban bố và thi hành đầy đủ nhất.
Vị vua đầu tiên biên soạn những điều giáo hóa
Thời kỳ trị vì của Lê Thánh Tông cũng là thời kỳ Nho giáo phát triển mạnh mẽ, ông chủ trương xây dựng quốc gia Đại Việt độc lập trên nền của hệ tư tưởng Nho giáo, trong đó Lê Thánh Tông chú trọng đến việc xây dựng luật và vận hành xã hội theo luật pháp. Ngoài bộ Quốc triều hình luật, Lê Thánh Tông còn chú ý đến việc xây dựng hệ thống phát luật, điển chế, kết hợp chặt chẽ giữa lễ và pháp, đưa lễ vào luật.
Luật và lễ hỗ trợ cho nhau tạo ra một xã hội hài hoà, đề cao các lễ giáo và nghi lễ. Một trong những biện pháp quan trọng là dùng lễ giáo Nho gia để giáo hoá dân chúng. Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên biên soạn, ban hành hệ thống những điều giáo hoá dân chúng khi vừa mới lên ngôi.
Mục đích của những điều giáo hoá là hướng thần dân giữ vững luân thường đạo lý, theo quan niệm “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Các điều giáo hoá của ông liên quan tới bổn phận các thành viên trong gia đình, trong làng, ngoài họ.
Các điều giáo hoá đó là:
1 – Cha mẹ dạy con phải dùng khuôn phép hợp với lẽ phải, con trai con gái đều dạy cho có nghề nghiệp, không được để buông tuồng, đắm đuối vào cờ bạc, rượu chè, tập nghề hát xướng, để hại đến phong tục.
2 – Người chủ gia đình tự mình giữ lễ phép tiết độ, để uốn nắn người trong nhà mình, nếu con em trong nhà làm việc trái, thì người gia trưởng sẽ bị tội.
Tiến Đức (Theo Kiến Thức)