Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc – Tiết Nghĩa Đại Vương, Trung quân Ái quốc thời Lê sơ

Lịch Sử

Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc (1497-1522) người họ Tam Sơn – Tiết Nghĩa, quê quán tại Làng Dòng (xã Xuân Lũng, huyện Sơn Vi, nay là huyện Lâm Thao, Phú Thọ). Ngài được nhà Lê Trung Hưng truy phong Tiết Nghĩa Đại Vương – Thụy Nhã Lượng – Thượng đẳng Phúc thần. Năm 1667, vua Lê Huyền Tông cho xây Lăng miếu, lập “Tiết Nghĩa từ” ở quê hương ngài.

“Khoa bảng đỗ đầu

Theo vua tiết nghĩa

Sinh tử đều vinh

Cương thường giữ trọn”

Trùng thuyên bi ký dựng năm 1793 tại Văn chỉ của Làng Dòng (xã Xuân Lũng, huyện Sơn Vi, nay là huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) đã có bài tán đầy súc tích và cô đọng về cuộc đời và sự nghiệp oai hùng lẫm liệt của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc – Tiết nghĩa Đại vương, Thượng đẳng Phúc thần thời Lê sơ.

Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc - Tiết Nghĩa Đại Vương, Trung quân Ái quốc thời Lê sơ - Ảnh 1.

Bia Tiến sĩ số 13 (1518) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám

Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc (1497-1522) người họ Tam Sơn – Tiết Nghĩa, quê quán tại Làng Dòng (xã Xuân Lũng, huyện Sơn Vi, nay là huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình danh gia vọng tộc thuộc họ Nguyễn Tam Sơn ở xã Xuân Lũng, có phụ thân là Nguyễn Doãn Cung, đỗ Tiến sĩ năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469), đời vua Lê Thánh Tông. Nguyễn Doãn Cung là một trong những đại quan đầu triều có tài trong lĩnh vực đối ngoại, ông được tiếng là dùng văn trị để xây dựng thái bình, điều hành chính sự luôn ổn định.

Truyền thống hiếu học của gia đình ông được rèn giũa và thôi thúc từ chính vùng quê Xuân Lũng – nơi được mệnh danh là “Làng khoa bảng” danh tiếng tại vùng đất trung du, nơi sau gần 8 thế kỷ phát triển của nho học đã sản sinh ra nhiều lớp con cháu đỗ đạt thành tài. Đáng chú ý phải kể đến 4 đại khoa là Tiến sĩ Bùi Ứng Đẩu, Tiến sĩ Nguyễn Doãn Cung, Hoàng giáp Nguyễn Chính Tuân, Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc; 21 trung khoa, 122 tiểu khoa, số còn lại là nho sinh 12 người, quan chức 8 vị. Đến thời tân học, công tác giáo dục của Làng Dòng ngày càng phát triển, tiếp tục sản sinh ra hơn 50 giáo sư tiến sỹ, 5 tướng lĩnh, với hàng ngàn thạc sỹ và cử nhân thuộc các lĩnh vực khác nhau đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong thời đại mới.

Sớm có tư chất thông minh hơn người, lại có chí theo nghiệp học nên trong khoa thi năm Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu 3, đời Lê Chiêu Tông (1518), đầu đề kể văn sách hỏi việc biết người, yên dân. Nguyễn Mẫn Đốc đã đậu Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ Nhị danh (Bảng nhãn), tức là lọt vào nhóm Tam khôi cùng Ngô Miễn Thiệu (Trạng nguyên), Lưu Khải Chuyên (Thám hoa). Các sách Đăng khoa lục ghi ông đỗ năm ông 27 tuổi. Ông được ghi vào bia đề danh tiến sĩ khoa Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu 3 đặt ở Quốc Tử Giám (bia số 13). Trùng thuyên bi ký dựng năm 1793 đặt tại Văn chỉ của Làng Dòng ghi ông đạt được học vị Bảng nhãn năm 21 tuổi. Ông làm quan đến chức Thị thư Hàn lâm viện, chuyên soạn các chế, cáo, chiếu chỉ của Vua.

Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc là bậc tôi trung của Nhà Lê, vì “Phù Lê, diệt Mạc” mà tuẫn tiết theo vua, được các tài liệu lưu trữ đương thời ghi nhận tương đối chính xác và thống nhất. Theo chính sử, Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc đã từ bỏ mọi vinh hoa phúc lợi dành cho một đại thần để cùng Trạng nguyên Vũ Duệ và nhiều đại thần trung thành với vua Lê Chiêu Tông, quyết tâm ứng nghĩa. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng ngàn nghĩa binh đã được chiêu mộ. Vì biết lực lượng nhỏ bé khó địch nổi quân Mạc Đăng Dung, nghĩa quân đã xuất binh, lên đường tìm theo vua Lê Chiêu Tông.

Tương truyền, một buổi tối, tại một quán trọ dọc đường, nhiều binh sĩ nhớ nhà, thoái chí, muốn bỏ về liền bị Nguyễn Mẫn Đốc lớn tiếng mắng: “Loài chó lợn không thể cùng sống với người! Nào ai cấm đoán đâu! Hãy mau về nhà mà hưởng phú quý!”. Hôm sau, tất cả lại lên đường chạy theo Vua vào Thanh Hoa (nay là tỉnh Thanh Hóa). Sau bao vất vả, vua tôi mới gặp nhau ở Lạc Thổ. Còn Mạc Đăng Dung khi biết vua Lê Chiêu Tông chạy vào Thanh Hoa bèn cử binh mã tức tốc truy bức. Xảy ra giao chiến lớn ở Cẩm Thủy. Nhờ mưu trí cùng lòng dũng cảm của tướng Lê Duy Hàn và thầy trò Nguyễn Mẫn Đốc, vua Lê Chiêu Tông đã thoát khỏi vòng vây của quân Mạc và lui về rừng núi huyện Lương Sơn. Tại đây, họ lại phải tử chiến với quân Mạc, thầy trò Nguyễn Mẫn Đốc lại tiếp tục hộ giá nhà vua. Quân Mạc tập trung tấn công mạnh thầy trò Nguyễn Mẫn Đốc. Lực lượng ít, lại gặp cường địch nên nghĩa quân vừa phải chống trả vừa lui quân; Vua tôi vì vậy mà lạc nhau. Đến được địa phận Lam Sơn thì các nghĩa sĩ bị tử thương đã nhiều trong khi quân Mạc còn dư sức. Vũ Duệ bèn rút gươm chỉ lên trời mà hét to: “Ta liều thân để đáp đền nợ nước. Nhưng than ôi, sức cùng, lực tận rồi!”. Nói đoạn, cả hai thầy trò sửa mũ áo cùng hướng về Lăng Thái Tổ mà bái lạy rồi tự vẫn…

Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc - Tiết Nghĩa Đại Vương, Trung quân Ái quốc thời Lê sơ - Ảnh 2.

Nội tự Đền thờ (cổ)

Công trạng của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc đã được ghi nhận và đánh giá qua các thời đại. Sau khi đậu Bảng nhãn, ngoài việc được bổ nhiệm ngay vào chức vị cao trong triều, Nguyễn Mẫn Đốc, theo lệ, còn được cấp 18 mẫu đất thế nghiệp để dùng riêng và thu tô từ 130 đến 300 mẫu chi phí ngoài lương bổng, phần này gọi là lộc điền, đó là chưa kể các phẩm tước và đặc ân khác.

Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc được nhà Lê Trung Hưng truy phong Tiết Nghĩa Đại Vương – Thụy Nhã Lượng – Thượng đẳng Phúc thần. Năm Đinh Mùi (1667) vua Lê Huyền Tông cho xây Lăng miếu, lập “Tiết Nghĩa từ” ở quê hương; Xuân thu nhị kỳ triều đình gia ban quốc tế – chủ tế phải là người nhà nước.

Đôi câu đối được Vua ban “Tảo tuế khôi khoa thiên hạ hữu – Thiếu niên tiết nghĩa thế gian vô” (tức “Đỗ đạt sớm thì thiên hạ có người – Ít tuổi mà tiết nghĩa thế gian không có ai”); “Xã chí Xuân Lũng”, bản chữ Hán và quốc ngữ hiện còn lưu giữ ở Viện nghiên cứu Hán Nôm còn ghi lại đôi câu đối: “Thần trung tử hiếu cương thường tại – Địa hiếu thiên lưu tiết nghĩa trường” (tức: “Bề tôi trung, con cháu hiếu thảo; Cương thường còn, tiết nghĩa bền”).

Các triều vua nối tiếp nhau đều có sắc phong cho Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc, tất cả là 12 đạo, hiện đang cất giữ 10 đạo bản gốc tại đền thờ ngài. Nguyễn Mẫn Đốc được phong Thành hoàng làng Xuân Lũng, Thượng đẳng Phúc thần, một nhân thần bên cạnh thiên thần Thành hoàng Cao Sơn Đại Vương; xã Tiên Gát (Hạc Trì) đã tôn ông làm Thành hoàng của làng mình. Tương truyền, Đại vương rất linh thiêng, ngài luôn độ trì cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, nhất tại Làng Dòng quê hương phát triển về con đường khoa bảng, được gọi là Làng Khoa bảng của cả vùng trung du Bắc Bộ.

Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc - Tiết Nghĩa Đại Vương, Trung quân Ái quốc thời Lê sơ - Ảnh 3.

Một số Sắc phong cho Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc qua các triều Vua

Sang thập niên thứ nhất của thế kỷ 21, Đền thờ Nguyễn Mẫn Đốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Đó chính là vinh danh cũng như sự tri ân về công lao của Nhà nước đối với Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc, người Trung quân Ái quốc, có công với dân tộc và với nhân dân. Đó cũng thể hiện mong muốn được phát huy những giá trị văn hóa lịch sử lâu dài cho di tích, dòng họ và quê hương Làng Dòng, Xuân Lũng.

Trong gần 400 năm qua, Đền thờ Nguyễn Mẫn Đốc đã được gìn giữ bởi đời đời con cháu trong dòng họ và chính quyền địa phương; Đền thờ buổi ban đầu chỉ là toà Hậu cung 3 gian, với lối kiến trúc thời Nhà Lê. Qua nhiều lần trùng tu và tu bổ, nhất là năm 1834 thời Vua Minh Mạng đã tiến hành dựng thêm toà Tiền tế với 3 gian 2 dĩ.

Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc - Tiết Nghĩa Đại Vương, Trung quân Ái quốc thời Lê sơ - Ảnh 4.

Tiết nghĩa từ (Đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc)

Đến năm 2022, được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã, Đền thờ đã được tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích với sự đóng góp của con cháu hậu duệ nhiều đời cũng như sự tâm đức của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương… để Đền thờ Nguyễn Mẫn Đốc có được cơ ngơi khang trang, tố linh tố hảo mà vẫn gìn giữ được đậm đặc hồn cốt của Đền thờ cổ được Vua gia ban từ thuở ban đầu.