Vua Lê Đại Hành không chỉ được biết đến với những chiến công hiển hách mà còn được ngưỡng mộ bởi khí phách anh hùng. Hành động dũng cảm khi từ chối quỳ lạy trước sứ giả nhà Tống đã khẳng định vị thế của Đại Cồ Việt và trở thành một trong những trang sử hào hùng nhất của dân tộc ta.
Vị vua Việt Nam đầu tiên bỏ lệ quỳ lạy nhận chiếu chỉ phương Bắc là ai?
Trong lịch sử phong kiến xa xưa, khi nhận chiếu thư của thiên triều, vua các nước chư hầu phải quỳ lạy. Thế nhưng, có một vị vua Việt Nam đã kiên quyết từ chối quỳ gối. Ông là người đầu tiên có hành động như vậy. Người được nhắc đến ở đây là vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn 941 – 1005). Ông là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
Lê Hoàn từ nhỏ đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người. Đến tuổi trưởng thành, ông trở thành bộ hạ của Nam Việt vương Đinh Liễn và rất được cha con Đinh Bộ Lĩnh quý mến. 27 tuổi, Lê Hoàn được phong làm Thập đạo tướng quân, sau này là chỉ huy tối cao của quân đội Đại Cồ Việt.
Sau khi cha con vua Đinh bị sát hại, nhà Tống cũng chuẩn bị xâm lược nước ta. Thái hậu Dương Vân Nga cùng các đại thần khi đó đã tôn Lê Hoàn lên làm vua. Cùng với quân dân Đại Cồ Việt, Lê Hoàn đã dẹp tan quân Tống vào năm 981, bảo vệ nền độc lập nước nhà. Không chỉ vậy, ông còn đánh bại quân Chiêm Thành, dẹp yên những cuộc nội phản. Từ đó đất nước ta thống nhất quy về một cõi.
Không chỉ có khả năng quân sự đại tài, Lê Hoàn còn là người có tài nhìn xa trông rộng, đưa ra những chính sách đối nội, đối ngoại khéo léo. Dưới thời Lê Hoàn, Đại Cồ Việt ngoại giao vừa cứng rắn vừa mềm dẻo. Dù quân Tống luôn dòm ngó, chực chờ cơ hội xâm lược nhưng cũng không thể không nể phục các chính sách của nước ta.
Sử cũ chép lại, năm 987, Lê Hoàn dùng các trí thức Phật giáo đối đáp với Lý Giác – viên sứ thần của nhà Tống. Lần đó sứ nhà Tống được một phen kinh ngạc trước trí tuệ Đại Cồ Việt. Lý Giác thậm chí còn làm thơ ca ngợi vua Lê của chúng ta không khác gì vua Tống.
Năm 990, vua Tống sai Tống Cảo mang chế sách sang phong thêm cho Lê Hoàn 2 chữ “Đặc tiến”. Lần này, vua Lê lại cho người sang tận biên giới đưa rước sứ thần, phần nào thị uy sức mạnh quốc gia, cho nước bạn thấy được tiềm lực quân sự của Đại Cồ Việt.
Vừa đến Hoa Lư, sứ nước Tống đã thấy cảnh tưng bừng khác lạ, đâu đâu cũng có quân lính trang phục chỉnh tề, trang bị đầy đủ. Không chỉ vậy, trên các cánh đồng trâu, bò xếp hàng rong ruổi, chứng tỏ Đại Cồ Việt thực sự giàu mạnh, hùng cường.
Đáng nói, lần này dù được ban chiếu chỉ từ nhà Tống như Lê Hoàn không chịu quỳ nhận. Đây là lần đầu tiên nước ta không quỳ khi nhận chiếu từ phương Bắc. Hành động cứng rắn đó chứng tỏ vị thế khác xưa của Đại Cồ Việt.