Phố xưa Hà Nội luôn ẩn chứa những giá trị về phương diện văn hóa và kiến trúc độc đáo. Chính vì vậy, ai đã từng đặt chân đến Hà Nội hẳn sẽ bị mê hoặc bởi thủ đô ngàn năm văn hiến với khu phố cổ mà người ta quen gọi là “Hà Nội ba sáu phố phường” cùng các công trình mang đậm phong cách kiến trúc Á – Âu thời Pháp thuộc…
Những yếu tố Tây – ta đan xen đã tạo nên một Hà Nội độc đáo, hấp dẫn. Đó thực sự là những điều níu chân du khách, để rồi “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Ta có thể ngược dòng thời gian hơn một thế kỷ trước để khám phá Hà Nội một thời từng là nơi phố Tây – phố ta cùng tồn tại.
Sau khi bình định Hà Nội, khu phố Tây của người Pháp ra đời vào những năm cuối thế kỷ XIX như một tất yếu bởi chính quyền thực dân cần có không gian để xây các công trình cho bộ máy hành chính mới của chế độ mang danh nghĩa bảo hộ. Năm 1883, viên Công sứ đầu tiên đề ra kế hoạch xây dựng những khu phố mới ở phía Đông Nam Hồ Gươm theo lối kiến trúc Pháp, tương ứng với các phố hiện nay là Lê Phụng Hiểu, Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tôn, Ngô Quyền. Đây là khu vực mà người Việt gọi là phố Tây, khu phố của người Pháp với lối kiến trúc đô thị khác hẳn, đối lập với khu buôn bán cũ mà người ta đã quen gọi ước lệ là “Hà Nội 36 phố phường” tức phố ta ở phía Bắc Hồ Gươm. Như vậy, Hồ Hoàn Kiếm chính là cầu nối giữa khu vực phố Tây và khu vực phố cổ.
Khung cảnh phố Tây – phố ta của Hà Nội cuối thế kỷ XIX từng được Toàn quyền Đông Dương những năm 1897 đến 1902 Paul Doumer mô tả lại trong hồi ký “Xứ Đông Dương” như sau: “Khi tôi sống tại Hà Nội, kể từ đầu tháng 3 năm 1897, thành phố chỉ quanh quẩn bên khu hồ nhỏ (nay là hồ Hoàn Kiếm), nơi ngăn cách khu phố Pháp với khu phố Annam. Chính cái hồ nhỏ đã làm nên sự quyến rũ của thành phố. Nó duyên dáng hết sức, và những ngôi nhà cổ màu trắng của người Annam và người Tàu nằm ven bờ phía bắc, đem lại cho nó một dáng vẻ phương Đông, ấn tượng mặn mà, ý nhị. Khu phố Annam rất kỳ lạ, những đường phố hẹp, những ngôi nhà thấp, những cửa hiệu tràn cả ra đường, người đông nhung nhúc. Chỗ này mới đích thực là Hà Nội”.
Khu phố Annam mà Paul Doumer đề cập ở trên chính là khu phố cổ Hà Nội mà dấu tích hiện nay là khu vực giới hạn bởi các phố Hàng Đậu – Phùng Hưng – Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Đất, Hàng Thùng – Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, tổng cộng 76 tuyến phố. Khu phố cổ có đặc trưng nổi bật là các phố nghề với sự ồn ào, náo nhiệt của cảnh mua bán, giao thương, nhà ở chủ yếu là nhà dạng ống, mặt tiền là cửa hàng buôn bán, phía trong là nơi ở. Hình ảnh đặc trưng “Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu” đã đi vào ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là vậy.
Khu phố Tây khi đó là một con phố thương mại dài chừng 200 – 300 mét, là phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền) với những ngôi nhà nhỏ nửa Tây, nửa Tàu, những cửa hiệu vẻ ngoài sơ sài; không xa nơi đó là một vườn hoa nhỏ (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) được bao bởi bốn tòa công thự, do công binh xây dựng, vững chãi nhưng nặng nề và được sử dụng làm nhà riêng của Tổng Thư ký, Kho bạc, Tòa Đốc lý Hà Nội và các nhà Bưu điện. Nhưng cùng với thời gian, các phố Tây hình thành ngày càng nhiều.
Theo Nhà nghiên cứu Lịch sử Phan Phương Thảo và một số tác giả trong “Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính”, trong giai đoạn 1884 – 1945, người Pháp đã xây dựng ở Hà Nội 157 phố gọi là phố Pháp. Những tuyến phố này chủ yếu nằm trên địa bàn 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng hiện nay. Trong số 157 phố Pháp đó có 74 phố mang “đậm chất Tây” và cũng là những con phố đẹp nhất, như: Đinh Tiên Hoàng, Bác Cổ, Trần Nhật Duật, Trần Hưng Đạo, Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Quán Thánh, Trần Phú, Tràng Thi… Các ngôi nhà ở đây được xây theo kiến trúc nhà ở kiểu Âu và chủ nhân những ngôi nhà phố Tây khi đó, đương nhiên là người Âu và một bộ phận người Người Việt có địa vị, giàu có.
Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, sau mấy chục năm, Hà Nội đã có biết bao biến cải, đổi thay. Một phố Tây xa hoa giữa lòng đô thị cổ mấy trăm năm tuổi không làm phá vỡ kiến trúc phố cổ, trái lại còn tạo nên sự hài hòa vẻ đẹp rất riêng trong kiến trúc đô thị và cảnh quan Hà Nội.
* Toàn bộ ảnh minh họa trong bài được trích xuất từ triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước). Triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” khai mạc sáng 6.9.2018, kéo dài tới 31.12.2018.