Nhắc đến khách sạn, ta luôn hình dung ra một nơi xa hoa, lộng lẫy, đầy đủ tiện nghi. Thế nhưng mấy ai biết rằng, khách sạn Hà Nội xưa không hề “xịn” như thế.
Xa xưa, kinh thành Thăng Long đã có hệ thống nhà trọ làm nơi nghỉ ngơi cho khách các tỉnh lai kinh. Nhưng khách sạn kiểu phương Tây thì cuối thế kỷ 19 mới xuất hiện ở Hà Nội.
Khách sạn vách đất lợp lá
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi và chuyển kinh đô vào Huế, Hà Nội bị hạ cấp xuống Bắc thành, rồi tỉnh. Dù vẫn là trung tâm sản xuất, thương mại lớn nhất ở Đàng ngoài, nhưng buôn bán ở Hà Nội không sầm uất như trước, giao thương với nước ngoài tập trung ở Đàng trong. Hà Nội không được phép mở mang xây dựng nhà cao cửa rộng bởi các qui định khắt khe trong Điều 150 của Hoàng Việt luật lệ (còn gọi là Luật Gia Long) ban hành năm 1815. Các nhà trọ chỉ được phép làm bằng tre hay gỗ và không rộng quá 3 gian.
Sau khi chiếm trọn Hà Nội năm 1883, chính quyền thành phố bắt đầu quy hoạch khu vực hồ Gươm, làm đường xung quanh hồ, ra lệnh xóa bỏ nhà lá, đồng thời cho xây một số nhà công vụ ở phía đông hồ Gươm. Các nhà thầu từ Pháp đến Hà Nội để tìm kiếm cơ hội kinh doanh ngày càng nhiều nên cần phải có chỗ ở cho họ và một ông chủ tư bản Pháp đã xây Grand Hotel (Đại khách sạn, nay là Công ty Intimex ở 26-32 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm).
Trong cuốn “De Paris au Tonkin” (Từ Paris đến Bắc Kỳ, xuất bản năm 1885), tác giả P.Bonnetain – một quan chức Pháp đã mô tả khách sạn đất này như sau: “Những ngôi nhà bằng đất vây quanh một chiếc sân trông ra hồ. Tường trát toocxi (vôi trộn với rơm) qua loa, mái lợp rạ. Trên tường vách có cửa sổ để thông gió, nhưng du khách tới Hà Nội vào tháng 2 khi nhiệt độ ban đêm chỉ còn 8 độ thấy ngay rằng, người ta nghĩ ngay đến mùa hè quá sớm. Cửa ghép không khít, nếu muốn ấm áp thì phải đóng lại, còn muốn có ánh sáng lại phải mở ra, thành thử không thể đồng thời làm cho căn phòng vừa sang, vừa ấm được”.
Khách sạn được xây dựng bằng gạch theo kiểu châu Âu, khai trương vào tháng 11-1885. Grand Hotel có phòng ăn 50 chỗ, bàn bida lần đầu tiên nhập vào Hà Nội. Cửa sổ ở tất cả các phòng được lắp kính và ban đêm sáng choang bởi ánh đèn măng xông. Cho dù quy hoạch quanh hồ Gươm đang được tiến hành, nhưng Grand Hotel xin phép làm một cái chòi lợp lá trước cửa cho khách ngắm hồ Gươm và trên hồ có 2 chiếc thuyền dành cho khách đi vãn cảnh, luyện tập thể thao. Đây là khách sạn đầu tiên ở Hà Nội theo kiểu châu Âu.
Năm 1888, Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp nên các luật lệ chính quốc chi phối mọi hoạt động của thành phố. Con đường chính từ khu vực Đồn Thủy (phố Phạm Ngũ Lão, Đinh Công Tráng hiện nay) đi qua hồ Gươm mang tên viên Thống sứ Paul Berst (sau này là phố Tràng Tiền) là tuyến đường chính quan trọng. Vì thế 2 bên đã xuất hiện nhà cửa, các cửa hiệu trong đó có khách sạn. Các khách sạn không chỉ là nơi ở của quan chức, thương gia từ Pháp qua mà còn là nơi trú ngụ của hàng ngũ sỹ quan cao cấp của quân đội Pháp ở Việt Nam.
Phim, khiêu vũ, kem… bắt đầu từ khách sạn
Ai cũng nghĩ phim phải bắt đầu từ rạp chiếu bóng, nhưng không phải vậy, nó bắt đầu ở khách sạn Métropole. Tại quầy dành cho khách uống cà phê (Grand café), viên quản lý khách sạn đã cho chiếu bộ phim đầu tiên mở màn cho việc đưa điện ảnh vào Hà Nội. Và cũng tại đây, Công ty Điện ảnh mới (Nouvelle Entreprise Cinematographique) đã tổ chức liên hoan phim.
Chuẩn bị cho sự kiện Hà Nội trở thành Thủ đô của Liên bang Đông Dương và Triển lãm đấu xảo thuộc địa đầu tiên tổ chức tại Hà Nội năm 1902, rất nhiều khách sạn mọc lên. Bề thế và lớn nhất chính là khách sạn Métropole (sau năm 1954 đổi thành khách sạn Thống Nhất) nằm trên phố Ngô Quyền. Được xây dựng năm 1901 bởi 2 nhà đầu tư người Pháp, Métropole thể hiện nét kiến trúc cổ điển qua lớp sơn tường trắng, những khung cửa xanh, các họa tiết tinh xảo trên sắt, ván tường bằng gỗ và một sân cỏ xanh tươi. Vào mùa đông, khách sạn này có hệ thống sưởi ấm bằng hơi nước nóng.
Trong nửa đầu thế kỷ 20, hàng loạt khách sạn sang trọng ra đời ở Hà Nội. Trong đó phải kể đến khách sạn Gà trống vàng (Coq d’Or, ở ngã ba phố Ngô Quyền – Đinh Lễ), trên tầng 3 có gắn biểu tượng con gà trống. Tiếp đó là khách sạn Hà Nội (Hotel HaNoi, sau 1954 đổi thành khách sạn Dân chủ và hiện nay mang tên De L’opera) ở 29 phố Tràng Tiền và rất nhiều khách sạn khác. Các khách sạn này không chỉ là nơi tổ chức các sự kiện lớn mà còn là nơi đầu tiên diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật và ẩm thực.
Khi đáp ứng nhu cầu giải trí cho khách, vô hình trung một số khách sạn trở thành nơi mở đầu của các hoạt động văn hóa tập thể. Khi khách sạn Coq d’Or mọc lên ở phố Tràng Tiền, mỗi cuối tuần, ông chủ khách sạn này đã mở tiệc khiêu vũ để giải khuây cho khách lưu trú và những người Pháp đang sống ở Hà Nội. Các ban nhạc chơi tại khách sạn chủ yếu là nghệ sỹ người Philippine, sau này có thêm các ban nhạc Nga.
Từ những năm 1930 cho đến năm 1954, các nhạc sỹ, nhạc công người Việt Nam được mời đánh đàn ở các khách sạn ngày càng nhiều, trong đó phải kể đến nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Văn Diệp… ban nhạc Lúa Vàng của Hoàng Trọng. Còn ở Hotel HaNoi ở phố Tràng Tiền là nơi đầu tiên bán kem cốc cho dân chúng. Nhiều người đến đây mua buôn mang về bán lẻ đã sinh ra các quầy bán kem cốc phía tây hồ Gươm.