Tuy Giám mục Bá Đa Lộc là người Pháp, nhưng lăng Cha Cả – nơi an nghỉ của ông – được xây theo kiểu Việt Nam, có bình phong, bái đường và hậu cung…
Toàn cảnh lăng Cha Cả ở Sài Gòn thập niên 1920. Đây là lăng mộ của giám mục Bá Đa Lộc, tục gọi là “Cha Cả”.
Giám mục Bá Đa Lộc (1741-1799) có tên gốc là Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine – là một vị giáo sĩ người Pháp được Nguyễn Ánh trọng dụng trong việc lấy lại quyền bính từ tay nhà Tây Sơn vào cuối thế kỷ 18.
Sau khi thiệt mạng năm 1799 ở Thị Nại trong trận vây thành Quy Nhơn, vị giám mục này được Nguyễn Ánh đưa về an táng ở gần ngôi nhà cũ tỉnh Gia Định, tại khu Vườn Xoài, Tân Sơn Nhất phía Tây Bắc Sài Gòn.
Tuy Giám mục Bá Đa Lộc là người Pháp, nhưng kiến trúc lăng mộ ông được xây theo kiểu Việt Nam, có bình phong, bái đường và hậu cung.
Lăng nằm trong khuôn viên rộng khoảng 2.000 m2, có vách và cột làm bằng gỗ quý, mái lợp ngói.
Cận cảnh bình phong hình long mã phía trước lăng. Đến năm 1980, theo quy hoạch của TP HCM, lăng bắt đầu được giải tỏa.
Mặt sau của bình phong. Đến năm 1983, việc cải táng hoàn tất. Di hài của Giám mục Bá Đa Lộc và các nhà truyền đạo được giao lại cho tổng lãnh sự Pháp đưa về Pháp.
Bên trong lăng Cha Cả thập niên 1920. Sau bia đá là hậu cung. Sau khi cải táng, các công trình cũ của lăng được dỡ bỏ, chỉ còn lại điểm tròn làm vòng xoay lưu thông dưới cầu vượt trên đường Hoàng Văn Thụ ngày nay. Người dân khu vực này vẫn gọi là vòng xoay lăng Cha Cả.