Tương truyền, cây cung của vị hổ tướng nhà Tây Sơn này có mùi thơm ngát, quân sĩ ngửi mùi là biết có ông dẫn đoàn. Không những thế, nơi trận địa hương trầm làm tăng nội lực, càng bắn, nội lực càng tăng, tên càng trúng đích…
Trong thất hổ tướng nhà Tây Sơn, Đô Đốc Lý Văn Bưu là người có cuộc đời trận mạc khác hẳn với các vị tướng còn lại.
Tướng Lý Văn Bưu còn có tên khác là Mưu, xuất thân trong một gia đình giàu có, chuyên nghề buôn ngựa ở làng Đại Khoang, huyện Phù Ly (nay thuộc Phù Cát, Bình Định).
Ngay từ nhỏ Lý Văn Bưu đã được bố mẹ cho học võ nghệ và huấn luyện ngựa. Vì thế lớn lên, ông tinh thông binh pháp, giỏi nhiều môn võ đặc biệt là tài nghệ bắn cung “trăm phát trăm trúng”.
Ngoài ra, Lý Văn Bưu còn là tay buôn ngựa nức tiếng xa gần, đồng thời nổi danh khắp vùng với biệt tài huấn luyện ngựa. Thượng khách ở các tỉnh xa đến mua ngựa phải đặt hàng trước hàng năm.
Nhìn tướng mạo, tầm vóc, tính nết của khách hàng, Lý Văn Bưu mới chọn ngựa cho khách. Người nho nhã phong lưu hợp với ngựa có nước kiệu êm. Kẻ tính tình năng động ưa ngựa có nước phi thần tốc…
Trong số những khách mua ngựa của ông có tướng của Tây Sơn là Võ Văn Dũng và nữ tướng Bùi Thị Xuân. Nhờ đó ông tham gia khởi nghĩa Tây Sơn.
Khi về dưới trướng nhà Tây Sơn, Lý Văn Bưu được giao trọng trách tổ chức chăn nuôi, sản xuất hậu cần và huấn luyện đoàn chiến mã. Trường ngựa của ông đã biến thành trung tâm nuôi và huấn luyện ngựa trận cho nhà Tây Sơn.
Không chỉ tổ chức huấn luyện ngựa chiến, với võ nghệ cao cường, tinh thông binh lược, ông còn theo Nguyễn Huệ trong các trận đánh với quân Xiêm và Mãn Thanh.
Nhờ lập được nhiều công trong các trận chiến Lý Văn Bưu được phong Đô đốc rồi Đại Đô đốc.
Sử sách chép rằng, khi ra trận, bên mình tướng Lý Văn Bưu bao giờ cũng có cây cung Kỳ Nam. Cây cung này có một cấu trúc đặc biệt; giữa cánh cung, chỗ tay cầm có tháp gỗ quý Kỳ Nam nên gọi là cung Kỳ Nam.
Tương truyền, cây cung có mùi thơm ngát, quân sĩ ngửi mùi là biết có Đô đốc Bưu dẫn đoàn. Không những thế, nơi trận địa hương trầm làm tăng nội lực, càng bắn, nội lực càng tăng, tên càng trúng đích.
Trong các trận Nam chiến, cung thần Lý Văn Bưu là nỗi khiếp sợ của quân giặc. Những mũi tên phóng ra từ cây cung của ông góp phần tiêu diệt địch đem lại chiến thắng trong cuộc chống quân Xiêm năm (1785) và chiến thắng quân Thanh (1789).
Sau khi vua Quang Trung mất, nhà Tây Sơn rơi vào cảnh rối ren, buồn bã trước thời cuộc, Lý Văn Bưu lấy cớ tuổi già sức yếu xin được trở về cố hương. Khi về ở ẩn, ông lại tiếp tục với nghề nuôi và buôn ngựa nổi tiếng của gia đình.