Không chỉ là thiên tài quân sự bách chiến bách thắng, Quang Trung – Nguyễn Huệ còn tạo ra chuyến đi sứ có một không hai trong lịch sử ngoại giao nước nhà.
Sau đại thắng tết Kỷ Dậu 1789, uy thế của triều đại Tây Sơn rất lớn. Tuy nhiên, vua Quang Trung nhận định nhà Thanh “sau khi bị nhục một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo báo thù. Như thế, việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân”.
Do đó, nhà vua thi hành chính sách ngoại giao khôn khéo, linh hoạt. Trong khi đó, quan lại nhà Thanh đang cai quản những vùng đất giáp nước ta như Phúc Khang An, Thang Hùng Nghiệp… cũng rất sợ nếu phải đối đầu quân Tây Sơn, nhất là khi bài học từ Tôn Sĩ Nghị vẫn còn nguyên vẹn.
Theo kế của Ngô Thì Nhậm, tháng 1/1790, vua Quang Trung sai người đóng giả mình cầm đầu đoàn sứ bộ hơn 150 người, gồm các quan văn võ cao cấp như Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Tiến Lộc… sang Trung Quốc.
Tranh vẽ đoàn sứ bộ đi sứ nhà Thanh. Nguồn: Báo Bình Phước.
Sách Hoàng Lê nhất thống chí và Việt Nam sử lược đều chép rằng người đóng vua Quang Trung là Phạm Công Trị, cháu gọi Nguyễn Huệ bằng cậu. Còn theo Đại Nam chính biên liệt truyền, người đó là tướng Nguyễn Quang Thực, người Nghệ An.
Dưới sự sắp xếp của Ngô Thì Nhậm, trước lúc lên đường, đoàn sứ bộ đặt ra nhiều tình huống và cách giải quyết khác nhau nếu bị bại lộ. Phái đoàn sứ bộ đã đạt được thành công lớn trong chuyến đi sứ nhà Thanh lần này.
Sách Hoàng Lê nhất thống chí ghi lại rằng vua Càn Long tỏ ra rất trân trọng, chu đáo. Phái đoàn đi đến đâu cũng được đón tiếp long trọng.
Tương truyền, tại Tử Cấm Thành, khi nhà bếp làm được loại bánh sữa dâng lên vua, Càn Long liền cho đem một hộp bánh cho An Nam quốc vương.
Tháng bảy năm Canh Tuất, đoàn đến Yên Kinh (Bắc Kinh) vào lúc lễ vạn thọ (mừng Càn Long 80 tuổi) đã được cử hành, vua đã đi nghỉ mát ở Nhiệt Hà. Khi biết tin sứ bộ tới, hoàng đế nhà Thanh cho mời đoàn đến Nhiệt Hà, tiếp đãi trọng hậu rồi ban thưởng rất nhiều.
Ngoài viên ngọc như ý, tòa ngọc phật và nhiều phẩm vật quý lấy từ kho thượng phương, cả đoàn được tặng tới một vạn lạng bạc. Những người đi theo đều được ban thưởng mũ áo.
Theo Đại thanh thực lục, số tiền nhà Thanh chi tiêu để đón tiếp phái đoàn là 80 vạn lạng bạc.
Với phương châm ngoại giao đúng đắn của hoàng đế Quang Trung, từ kẻ thù không đội trời chung, nhà Thanh và vương triều Tây Sơn đã nhanh chóng nối lại quan hệ giao hảo. Quan hệ hai nước được mở ra một trang sử mới.
Ngày 29/11 năm Canh Tuất (1790), đoàn sứ giả về nước. Nhận xét về chuyến đi sứ, thành viên đoàn sứ bộ Phan Huy Ích viết rằng: “Chuyến đi này được nhà vua (Càn Long) đặc cách cho quan tổng đốc đi bạn tống. Thuyền, xe, cờ, quạt quáng cả mắt người. Đi đến đâu, quan lại phải bôn tẩu đón tiếp đến đó.
Mùa thu đến hành cung ở Nhiệt Hà, lại được theo xa giá về Yên Kinh, đi Tây Uyển; luôn luôn tiến yến hàng tuần, được ơn trời âu yếm, ưu đãi khác thường. Từ trước đến giờ, người mình đi sứ Trung Quốc chưa có lần nào lạ lùng và vẻ vang như thế”.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/ Zing