Đây là vị vua nổi tiếng về tinh thần yêu nước, thường giả điên để qua mặt kẻ thù.
Theo sách “Chín đời chúa mười ba đời vua triều Nguyễn”, Thành Thái là hoàng đế có cách tuyển vợ rất đặc biệt. Khác với những quân vương khác, ông thường đích thân mang ngự lâm quân ra khỏi hoàng thành, đến những nơi có phụ nữ đẹp, đưa họ về cung làm cung phi.
Cung phi được tổ chức thành đội quân tóc dài, tổ chức huấn luyện, chờ ngày đánh đuổi thực dân Pháp. Theo một số tư liệu lịch sử, vua Thành Thái chiêu mộ được 5 đội nữ binh, mỗi đội khoảng 50 cô gái, được huấn luyện, chờ ngày khởi nghĩa.
Theo sử sách, vùng quê được vua Thành Thái chọn để tuyển cung phi thường là Kim Long, phía Tây của kinh thành Huế. Đến nay, dân gian Huế vẫn có câu: “Kim Long có gái mỹ miều / Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi”.
Vua Thành Thái tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân (1879-1954), con thứ bảy của vua Dục Đức và bà Từ Minh hoàng hậu Phan Thị Điểu. Lên ngôi khi còn rất nhỏ, vua Thành Thái đã sớm bộc lộ tinh thần yêu nước, ý chí đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.
Sau khi vua Đồng Khánh qua đời cuối năm 1888, Viện Cơ Mật liền tới Lưỡng cung Hoàng hậu thỉnh ý. Sợ tranh chấp trong triều, họ đã đến hỏi Khâm sứ Pháp là Rheinart. Tại đây, nhờ sự khéo léo của người thông ngôn Diệp Văn Cương (họ hàng bên ngoại) cố ý dịch sai, Bửu Lân được chọn nối ngôi. Đúng ngày mùng 2 Tết Kỷ Sửu năm 1889, vua Thành Thái lên ngôi khi mới 10 tuổi.
Theo sách “Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn”, Thành Thái ham học hỏi. Ngoài việc học cả chữ Nho, Pháp, ông còn cắt tóc ngắn, mặc âu phục, học cả lái ca nô, xe hơi, làm quen vǎn minh phương Tây. Vua khinh ghét bọn quan lại xu nịnh, thực dân xâm lược, thỉnh thoảng lại có những hành động khiến người Pháp rất nghi ngại, xấu hổ.
Để qua mặt bọn mật thám Pháp theo dõi, nhiều lần, vua Thành Thái giả điên. Một lần đang xem bản vẽ các loại vũ khí của họa sĩ Lê Vǎn Miến, bị mật thám phát hiện, nhà vua liền giả điên, xé hết các bản vẽ.
Hành động yêu nước của vua Thành Thái cuối cùng bị thực dân Pháp phát hiện. Lấy cớ vua bị điên, thực dân Pháp đã phế truất ông năm 1907, bắt đi đày ở đảo Đảo Réunion. Năm 1945, ông được đưa về nước. Ông mất năm 1954 tại Sài Gòn.