Do được Thái tổ Lê Lợi trọng dụng, lại xuất thân là võ tướng nên Lê Sát thường làm nhiều việc theo ý riêng. Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử đánh giá: Nhiều việc Lê Sát xử lý quá khắt khe, làm bừa và không cân nhắc.
Khi Lê Lợi có tuổi, hoàng tử trưởng Lê Tư Tề được phong làm Quốc vương để chăm lo chính sự, nhưng Tư Tề không được lập làm thái tử, nghĩa là không được nối ngôi. Hoàng tử Nguyên Long còn ít tuổi đã được lập làm Thái tử. Lê Sát đứng về phe Thái tử, trong khi Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo đứng về phe Quốc vương Tư Tề.
Vốn có tư thù với Lưu Nhân Chú, nhất đẳng công thần triều Lê, chỉ mấy tháng sau khi Lê Thái Tổ băng hà, Lê Sát hạ độc giết chết Nhân Chú. Năm 1435, Phạm Vấn, vị công thần quyền cao chức trọng thứ hai cũng qua đời, Lê Sát trở thành người “dưới một người, trên muôn người”, lại ỷ thế là người phò trợ Lê Thái Tông lên ngôi nên càng ra sức lộng quyền.
Không chỉ dùng hình phạt nặng khiến các quan e sợ, Lê Sát còn đối xử tàn bạo với dân, binh, thợ thuyền. Có lần Lê Sát bắt một người thợ mộc mang xử chém vì người này thốt lời oán thán. Dù vua Lê Thái Tông đã nghe theo lời can của Nguyễn Thiên Hựu và Bùi Cầm Hổ xin giảm án tử hình, song Lê Sát chuyên quyền vẫn quyết định xử tử phạm nhân.
Lê Sát vì muốn củng cố chức vị và thâu tóm quyền lực trong tay nên đã từng bước đẩy nhiều vị đại thần như Bùi Ư Đài, Bùi Cầm Hổ phải đi xa; đồng thời Lê Sát còn tâu lên vua Lê Thái Tông cho dùng những kẻ gian thần đã từng bị Thái tổ Lê Lợi cấm dự việc triều chính.
Song, càng lớn lên, vua Lê Thái Tông càng tỏ rõ sự độc lập. Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn chép như sau: Bấy giờ, vua đã lớn tuổi, xét đoán mọi việc đã sáng suốt mà Lê Sát vẫn tham quyền cố vị nên vua càng ghét Sát, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ vẻ bao dung. Sát không nhận ra điều đó.
Tháng 6 năm 1437, vua Lê Thái Tông cùng các vị đại thần thân cận hạch tội chuyên quyền của Lê Sát. Lê Thái Tông xuống chiếu bãi chức Sát và trong chiếu có đoạn viết: Lê Sát chuyên quyền nắm giữ việc nước, ghen ghét bậc hiền tài, giết Lê Nhân Chú để hòng ra oai, truất Trịnh Khả bắt người ta phục, bãi chức tước của Ư Đài khiến đình thần không còn ai dám nói, đuổi Cầm Hổ ra biên giới cho gián quan đều bịt miệng im hơi. Xét mọi việc làm của hắn đều không phải là phép tắc của kẻ làm tôi. Nay muốn khép vào hình luật để tỏ rõ phép nước, nhưng vì là viên cố mệnh đại thần, có công với xã tắc nên đặc cách khoan tha, nhưng phải bãi chức tước.
Chưa hết, sau khi bãi chức của Lê Sát, vua Lê Thái Tông đã trao quyền bính lại cho đại công thần Lê Ngân. Lê Sát hận Lê Ngân nên ngầm nuôi võ sĩ trong nhà đợi cơ hội phục thù. Mọi việc bị vỡ lở, vua Lê Thái Tông giận dữ muốn chém Lê Sát bêu đầu ngoài chợ. Nhưng khi đó các đại thần can ngăn, Lê Sát bị bắt phải tự vẫn bằng thuốc độc tại nhà. Lê Thái Tông phế Nguyên phi Lê Ngọc Dao, con gái Lê Sát xuống làm thứ dân, tịch thu điền sản của Sát. Những người cùng phe cánh cũng tùy mức độ nặng nhẹ mà chịu phạt.
Mọi công trạng của Lê Sát bị tước bỏ cho đến năm 1453, vua Lê Nhân Tông đại xá, cấp cho con cháu ông 100 mẫu ruộng quan điền. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông truy tặng Lê Sát chức Thái bảo, Cảnh quốc công.
Lời bàn về Lê Sát
Mấy trăm năm đã trôi qua nên công và tội của Lê Sát đã được lịch sử phán xét công bằng. Tuy nhiên, những sai lầm ông mắc phải cuối đời vừa do chủ quan vừa do nguyên nhân khách quan. Chủ quan là do ông vốn là người ít học vấn, tính cách lại quá võ biền, nóng nảy, nên Lê Sát dễ sinh ra thói độc đoán tị hiềm, khiến ông hại người tài giỏi, kéo phe kéo đảng để củng cố quyền lực. Đồng thời, do sự tranh giành quyền lực trong vương triều phong kiến, thói bạc đãi công thần của Lê Lợi sau khi lên ngôi được sử sách chép lại, cùng những mâu thuẫn trong việc bỏ con trưởng, lập con thứ làm Thái tử là những lý do khách quan khiến Lê Sát có cơ hội chuyên quyền. Và thân bại danh liệt, phải chết trong cay đắng và nhục nhã chính là cái giá Lê Sát phải trả cho sai lầm của mình.
Thực tế từ xưa đến nay đã chứng minh, tính cách quyền thần có thể len lỏi vào cả những công chức bình thường nhất đến những người có quyền cao chức trọng. Đó là thói bon chen, sự đố kỵ, xa lìa quần chúng, hạch sách nhân dân. Vì thế, với những ai chỉ dưới một người mà trên cả thiên hạ nếu không biết giữ mình thì hậu quả của thần quyền sẽ vô cùng tai hại. Minh chứng là sự khuynh gia bại sản, thân bại danh liệt của Lê Sát chỉ có một phần do hoàn cảnh lịch sử, còn phần lớn do chính ông tự gây nên. Rất mong bài học về một vị công thần – quyền thần mấy trăm năm trước vẫn hữu ích cho hậu thế hôm nay, để mãi mãi xứng đáng là người công bộc trung thành, tận tụy của nhân dân.
N.N (Theo Báo Bình Phước)