Thời kỳ vua Lê chúa Trịnh khá đặc biệt trong lịch sử nước ta. Đó là giai đoạn mà “vua chẳng ra vua, bề tôi cũng chẳng phải bề tôi”.
Trịnh Kiểm là người mở đầu cho cơ nghiệp của dòng họ mình. Ông quê ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1545, Trịnh Kiểm được phong làm Thái sư, nắm toàn quyền trong quân đội nhà Lê.
Năm 1556, Trịnh Kiểm định cướp ngôi nhà Lê, bèn sai người tìm đến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nghe theo lời khuyên của Trạng Trình “giữ chùa thờ Phật thì ăn oản”, Trịnh Kiểm bèn đi tìm người trong tôn thất nhà Lê, lập làm vua.
Năm 1570, Trịnh Kiểm mất, hai con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh quyền. Hai anh em dàn quân đánh nhau. Cuối cùng, Trịnh Tùng giành thắng lợi. Trong ảnh là mộ của Trịnh Tùng.
Để củng cố chính quyền và mở rộng lãnh thổ, các chúa Trịnh đem quân đánh nhau với triều Mạc ở phía bắc và các chúa Nguyễn ở phía nam.
Năm 1627 chiến tranh bùng nổ, đến năm 1672, hai bên quyết định đình chiến, lấy sông Gianh (Quảng Bình) phân chia ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Năm 1729, Trịnh Cương chết, con là Trịnh Giang lên thay. Trịnh Giang ăn chơi trác táng, sa đọa, sửa đổi nhiều phép tắc của cha mình, giết chết hàng loạt quan giỏi, giết vua nọ lập vua kia, lại gây ra thuế khóa nặng nề làm mất lòng dân. Nông dân liên tiếp nổi dậy khởi nghĩa.
Chúa cuối cùng của nhà Trịnh là Trịnh Bồng (1740-1791). Sau khi bị Nguyễn Hữu Chỉnh đánh bại, ông bỏ đi mất tích năm 1787.
Các chúa Trịnh cầm quyền từ năm 1545 đến năm 1786, tổng cộng 241 năm, được 11 đời chúa. Tuy nhiên, đời Trịnh Cán, Trịnh Khải và Trịnh Bồng ngắn và rối ren nên thường chỉ tính 8 đời cầm quyền vững vàng.
Đặng Thị Huệ – phi tần của chúa Trịnh Sâm – là giai nhân bậc nhất của phủ chúa và cũng rất được chúa Trịnh Sâm sủng ái. Dựa vào sự ưu ái này, Đặng Thị Huệ ngày càng lộng quyền, góp phần khiến nhà Trịnh suy yếu và sụp đổ. Trong ảnh, nghệ sĩ Lê Vân vào vai Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong phim “Đêm hội Long Trì”.